Lao động lành nghề, dân Thạch Lưu không ly hương vẫn thu nhập khá

(Baohatinh.vn) - Trong khi một bộ phận không nhỏ người dân ở nhiều vùng quê đang phải ly hương kiếm sống thì ở xã Thạch Lưu (Thạch Hà – Hà Tĩnh), đa phần lao động đã có kinh tế ổn định tại quê hương nhờ tay nghề vững vàng và tinh thần làm việc nghiêm túc.

Xã Thạch Lưu hiện có khoảng 10 đội thợ xây

Từ thợ xây…

Khi nghề xây dựng dần đi vào chuyên môn hóa cũng là lúc xã Thạch Lưu hình thành nên từng đội thợ chuyên biệt như: Thợ xây, thợ đan thép, thợ đóng cốp pha...

Theo ông Phạm Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Thạch Lưu: Từ lâu, lao động Thạch Lưu đã gắn bó với ngành xây dựng. Toàn xã hiện có khoảng 10 đội thợ xây, 8 đội đan thép, 6 đội đóng cốp pha, với mỗi đội từ 10 – 20 lao động.

"Thợ Thạch Lưu có tay nghề khá cao, lại cần cù, chịu khó, không ngừng học hỏi nâng cao tay nghề nên nhận được việc thường xuyên với mức lương khá (thợ chính khoảng 350 ngàn đồng, thợ phụ 250 ngàn đồng/ngày)" - ông Hùng cho hay.

Thợ đan thép xã Thạch Lưu được đánh giá cao về kỹ thuật

Đặc biệt, các đội đan thép của xã Thạch Lưu được đánh giá cao về kỹ thuật. Anh Nguyễn Văn Khánh (chủ thầu xây dựng quê Thừa Thiên Huế làm việc tại Hà Tĩnh) chia sẻ: “Tôi thường nhận 3 – 4 công trình làm cùng thời điểm và chuyên thuê thợ đan thép của xã Thạch Lưu. Lao động ở đây làm rất bài bản, kỹ thuật cao và rất chịu khó, chăm chỉ".

Bác Trần Văn Châu - chủ một tốp thợ đan thép có tiếng hàng chục năm nay ở xã Thạch Lưu

Bác Trần Văn Châu - chủ một tốp thợ đan thép có tiếng hàng chục năm ở xã Thạch Lưu cho biết: Thợ đan thép ngoài sức khỏe, sự bền bỉ, dẻo dai còn đòi hỏi độ nhanh tay, nhanh mắt. Đội thép cũng chia ra từng bộ phận, có người chỉ bốc vác, kéo thép, có người cắt thép, uốn thép, đan thép…

"Người thợ chính bao giờ nhiệm vụ cũng nặng nề hơn với quy trình uốn thép, đòi hỏi độ chính xác cao, đảm bảo từng thông số kỹ thuật và mỹ thuật. Qua kinh nghiệm làm việc lâu năm, giờ đây việc uốn khuôn thép, tạo hình theo từng kích thước cho công trình đối với những người thợ đan thép ở Thạch Lưu đã trở thành kỹ năng. Nhờ đó, chúng tôi nhận được nhiều công trình, nhất là những tháng thời tiết thuận lợi trong năm” - bác Trần Văn Châu chia sẻ.

…đến thợ mộc

Gần 30 năm gắn bó với nghề mộc, hiện nay gia đình anh Nguyễn Mậu Cát (thôn Bắc Tiến Nhà Ngo – xã Thạch Lưu) đã xây dựng xưởng mộc khá quy mô, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với mức lương khá.

Anh Cát vui mừng: “Đơn đặt hàng quanh năm, chủ yếu là các sản phẩm như: Bàn ghế, cửa, giường, tủ… cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Để tạo được một sản phẩm đẹp, ngoài gỗ tốt thì kỹ thuật tạo hình khối, chạm khắc đường nét phải đảm bảo độ tinh xảo, tươi tắn”.

Gần 30 năm trong nghề, anh Nguyễn Mậu Cát đã tạo ra nhiều sản phẩm mộc chất lượng

Theo ông Phạm Như Hội – Bí thư Chi bộ thôn Bắc Tiến Nhà Ngo: "Để tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường, những người thợ mộc Thạch Lưu một mặt trau nghề, không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, mặc khác các chủ xưởng thuê thợ lành nghề ở Thái Yên (Đức Thọ) về làm việc để tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao, bắt kịp xu thế thời đại.

Phụ nữ ở xã Thạch Lưu cũng có nguồn thu nhập khá ổn định nhờ nghề mộc

Theo tìm hiểu, hiện nay xã Thạch Lưu có gần chục xưởng mộc, mỗi xưởng từ 5-7 lao động với việc làm quanh năm. Tuy chưa nổi tiếng như các làng nghề mộc khác trong tỉnh như: Thái Yên (Đức Thọ), Tràng Đình (Yên Lộc - Can Lộc)…, song chính niềm đam mê và ý thức trau dồi nghề nghiệp của những người thợ đã tạo nên sản phẩm chất lượng, đủ sức níu chân du khách vùng lân cận đến với mộc Thạch Lưu.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói