“Đói” lao động địa phương, chủ tàu vỏ thép buộc tìm người ngoại tỉnh

(Baohatinh.vn) - Ngư dân địa phương thiếu kinh nghiệm, yếu tay nghề đang buộc các chủ tàu vỏ thép phải thuê lao động ngoại tỉnh để ra khơi đánh bắt hải sản. Thực trạng này đang diễn ra tại Nghi Xuân - Hà Tĩnh, một địa phương có nhiều tàu lớn, đánh bắt xa bờ.

Khó như “tuyển” lao động đi biển

Ông Ất ở thôn Hội Thủy là một trong những chủ tàu ở xã Xuân Hội (Nghi Xuân) được vay vốn theo Nghị định 67/CP của Chính phủ đóng tàu vỏ thép. Thế nhưng, muốn tàu vươn khơi khai thác phải có thuyền viên, đó cũng là điều ông trăn trở nhất. Ông Ất chia sẻ: “Mỗi con tàu vỏ thép phải có ít nhất 7 - 10 người, trong đó, một thuyền trưởng, còn lại là thuyền viên thành thạo. Bước đầu, tôi ưu tiên “tuyển” chọn các ngư dân dày dạn kinh nghiệm trong xã. Nhưng ngặt nỗi, thanh niên trai tráng đều đi xuất khẩu lao động, chỉ còn lại những lão ngư quẩn quanh đánh cá ở vùng bãi ngang ven biển”.

doi lao dong dia phuong chu tau vo thep buoc tim nguoi ngoai tinh

Thiếu lao động lành nghề, các chủ tàu xa bờ ở Xuân Hội, Nghi Xuân - Hà Tĩnh phải thuê lao động ngoại tỉnh để ra khơi đánh bắt.

Với lời hứa trả công hậu hĩnh, ông Ất cũng cố tìm đủ số lao động theo tàu vươn khơi. Thế nhưng, với nghề rê khơi, những thuyền viên của ông lại thiếu kinh nghiệm về ngư trường, yếu về kỹ thuật đánh bắt cá thu... nên chỉ một thời gian ngắn, họ lặng lẽ ra đi, bỏ ông ở lại với con tàu nằm bờ!

Cũng như ông Ất, những chủ tàu ở xã Xuân Hội đều mong muốn chọn thuyền viên địa phương cho những chuyến đánh bắt. Anh Lê Văn Sơn – chủ tàu vỏ thép HT 96707TS cho hay: “Tìm mãi mới gặp được ông Phú, người trong xã làm thuyền trưởng. Ông Phú ngót nghét tuổi 55, nhiều năm làm nghề, từng là thuyền trưởng của tàu vỏ gỗ đánh bắt vùng lộng. Thế nhưng, khi cùng tàu vỏ thép ra khơi ông không thể chịu được sóng to, gió lớn. Được gần 2 tháng, ông Thu đành xin nghỉ vì mệt mỏi, không đủ sức khỏe chống chọi với sóng dữ...”.

Cả xã Xuân Hội có 6 tàu vỏ thép, nhưng để “tuyển” được những lao động lành nghề, đủ sức khỏe ngay tại địa phương là hết sức khó khăn.

“Ưu ái” lao động ngoại tỉnh

Chủ tàu Trần Đức Huy (thôn Hội Thủy) cho biết: “Hầu hết các tàu vỏ thép trên địa bàn Xuân Hội (Nghi Xuân) đều phải thuê lao động ở các tỉnh khác, chủ yếu người Nam Định, Nghệ An... tuổi đời trẻ, nhưng đã có nhiều kinh nghiệm với nghề rê khơi đánh bắt xa bờ”. Để “lôi kéo” được những thuyền viên này, chủ tàu phải bỏ công, bỏ của mới có được những ngư dân thực thụ. “Chúng tôi phải trả lương tháng cho những lao động này. Có nghĩa, kể cả những ngày biển động, tàu nằm bờ, họ cũng được nhận lương theo thỏa thuận”. Trong khi đó, do hiệu quả đánh bắt không cao nên phần lớn lao động địa phương chỉ được trả tiền công theo các chuyến đi biển - ông Huy cho biết thêm.

doi lao dong dia phuong chu tau vo thep buoc tim nguoi ngoai tinh

Ngư dân người Nam Định làm việc trên tàu vỏ thép của ông Trần Quốc Rạng (thôn Hội Long, xã Xuân Hội).

Vì sao họ được các chủ tàu thuyền “ưu ái” như vậy, bởi những lao động này làm việc chăm chỉ, tâm huyết, lại giàu kinh nghiệm với nghề. Đặc biệt, họ kết nối được với các tàu thuyền xa bờ ở các tỉnh khác, từ đó, xác định được ngư trường đánh bắt nên mang lại hiệu quả rất cao. Một con tàu vỏ thép nếu sử dụng lao động địa phương phải cần đến 10 người, nhưng đối với lao động ngoại tỉnh chỉ cần 7 người là đã yên tâm vươn khơi. Vì vậy, các tàu vỏ thép luôn phải “nâng niu, ưu ái” các lao động ngoại tỉnh.

doi lao dong dia phuong chu tau vo thep buoc tim nguoi ngoai tinh

Lao động ngoại tỉnh có nhiều kinh nghiệm, giúp chủ tàu đánh bắt hải sản hiệu quả hơn

Trao đổi vấn đề này, ông Trần Sông Hương - Chủ tịch UBND xã Xuân Hội cho rằng: Lao động nghề biển ở Xuân Hội đang ngày càng bị “già hóa” bởi lực lượng thanh niên hầu hết không còn theo nghề biển, mà chủ yếu xuất khẩu lao động hoặc làm nghề khác. Bởi vậy, hầu hết 6 con tàu vỏ thép trên địa bàn đều phải sử dụng lao động ngoại tỉnh. Điều trăn trở nhất, có những chủ tàu khoán trắng cho các thuyền viên nên việc vận hành, khai thác không thể quản lý được dẫn đến thu không đủ bù chi. Vấn đề thiếu hụt lao động trẻ tuổi, lành nghề đi biển là điều mà chính quyền địa phương không khỏi lo lắng. Nhất là khi những lao động ngoại tỉnh không còn muốn làm việc tại đây, dẫn đến các tàu vỏ thép có nguy cơ nằm bờ.

Chủ đề Đánh bắt - Nuôi trồng thủy hải sản

Đọc thêm

Dấu ấn thu ngân sách của Hà Tĩnh

Dấu ấn thu ngân sách của Hà Tĩnh

Năm 2024, Hà Tĩnh cán mốc thu ngân sách hơn 18.100 tỷ đồng, tăng 3% dự toán HĐND tỉnh giao. Mốc son này góp phần điểm tô thêm gam màu sáng cho bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng doanh nghiệp Hà Tĩnh “vượt sóng”

Cùng doanh nghiệp Hà Tĩnh “vượt sóng”

Xác định doanh nghiệp là “bạn đồng hành”, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đã trao cơ hội để doanh nhân chủ động thích ứng, mạnh dạn đầu tư, khẳng định vai trò tiên phong trong nền kinh tế.
Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Những ngày giáp Tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP ở huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) tất bật chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ mùa kinh doanh sôi động nhất năm.
Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Thời tiết những ngày cuối năm không được thuận lợi nhưng bà con ngư dân Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì vươn khơi, mang về nguồn thu “ấm tay” để chuẩn bị đón Tết.
Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Nhờ xuống giống đúng thời vụ, áp dụng kỹ thuật chăm sóc phù hợp, các "thủ phủ" trồng hoa tết trên địa bàn Hà Tĩnh cho chất lượng hoa đẹp, dự kiến đem về nguồn thu nhập khá.
Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngọt đặc trưng, đặc sản cam giòn Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đang được người dân mở rộng diện tích với kỳ vọng xuất khẩu.