Nghề sông nước được xem là nghề nguy hiểm ẩn chứa nhiều tình huống bất trắc
Nghề sông nước được xem là nghề nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều tình huống bất trắc. Nhưng không biết tự bao giờ, những người phụ nữ ở xóm chài ven sông Nghèn lại coi đây là lẽ sống của họ. Hàng ngày, họ cùng chồng thức khuya, dậy sớm buông lưới, giăng câu, đặt bóng, đặt vó để đắp đổi mưu sinh. Với họ, sông nước là duyên số của cuộc đời.
Gần 70 tuổi, nhưng bà Nguyễn Thị Hảo vẫn luôn gắn bó với nghề, chiều chiều lại chuẩn bị ngư cụ cho chuyến đi mới
Gần 70 tuổi với hơn 50 năm gắn bó cùng chồng trên con thuyền nhỏ ở vùng cửa biển, đến bây giờ, mắt không còn tinh tường, xương cốt đã “rệu rã” nhưng bà Nguyễn Thị Hảo ở thôn Sông Hải (Thạch Sơn, Thạch Hà) vẫn đều đặn hàng đêm bơi thuyền đi đặt bóng.
Bà cho biết: “Từ khi còn chưa lọt lòng, tôi đã cùng cha mẹ bám khúc sông này giăng câu, buông lưới. Lấy chồng 50 năm thì cũng chừng ấy thời gian tôi cùng ông nhà bám sông nước để duy trì cuộc sống. Nay con cái đã lớn, đã có gia đình riêng, nhà chỉ còn 2 ông bà già nhưng chúng tôi vẫn lênh đênh trên con thuyền nhỏ vì nếu không đi thì nhớ lắm”.
Phụ nữ lấy chồng làm nghề ngư thường theo chồng trong những chuyến buông lưới trên sông
Cuộc sống lênh đênh sông nước với ngày làm việc bắt đầu từ 3-4h sáng là một nỗi gian truân đối với cánh đàn ông, với những người phụ nữ, việc bám nghề lại càng khó khăn hơn. Vậy nhưng, vượt lên tất cả, bằng tình yêu thương, những người phụ nữ làng chài đã trở thành người bạn thuyền ăn ý của chồng.
Chị Nguyễn Thị Đào (thôn Sông Hải) cho biết: “Để chồng một mình lênh đênh trên sông nước đêm hôm, tôi cũng không yên. Vì thế, thay vì sống với nỗi bất an đó, tôi đã cùng chồng trên con thuyền nhỏ suốt hơn 20 năm nay. Tôi không thể nào quên lần cùng chồng ra đến gần cửa biển thì giông tố bất ngờ ập đến. 2 vợ chồng khi đó chỉ biết trông chờ vào số phận. May sao thuyền dạt vào núi Nam Giới ở Thạch Bằng. Lần ấy, đồ nghề mất hết nhưng quan trọng hơn cả là vợ chồng vẫn bình yên. Qua những lần như thế, tôi càng kiên trì hơn trong việc cùng chồng bám thuyền, bám lạch”.
Những khoảnh khắc bình yên khi thuyền đã cập bến
Cũng giống như những người phụ nữ ven sông khác, những người phụ nữ ở xóm chài dưới chân cầu Thọ Tường (thị trấn Đức Thọ) cũng gắn bó đời mình với con nước, con thuyền và ngư cụ. Không chỉ cùng chồng đặt lừ, giăng lưới trên sông, sau mỗi chuyến đánh bắt trở về, người phụ nữ làng chài còn phải ra chợ để bán những mớ tôm, mớ cá.
Có hơn 20 năm lênh đênh trên dòng sông La cùng chồng, chị Nguyễn Thị Hoa (tổ dân phố 7) cho biết: “Mỗi ngày của chúng tôi đều gắn bó với sông nước. Buổi sáng sau khi tan buổi chợ, tôi lại cùng chồng phơi phong, sửa soạn ngư cụ để cuối chiều là bắt đầu lên thuyền ra sông. Sông nước tuy hiền hòa hơn biển cả nhưng cũng ẩn trong nó những hiểm họa khó lường, chính vì thế, tôi rất hạn chế để chồng đi thuyền một mình. Dẫu vất vả nhưng có vợ, có chồng, gian nan nào cũng đều ở lại ngoài con nước cả”.
Lấy chồng ngư phủ, những người phụ nữ làng chài cũng trở thành những ngư phủ kiên định. Với họ, sông nước là nơi mưu sinh cũng là nơi se duyên vợ chồng. Bởi thế, gắn bó đời mình với sông nước, đồng cam cộng khổ với người bạn đời trên lênh đênh sóng nước cũng là niềm hạnh phúc bình dị, đời thường.