Liên Hợp quốc cảnh báo nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu

Dịch Covid-19 không chỉ trực tiếp cướp đi sinh mạng con người mà còn tàn phá kinh tế toàn cầu, đe dọa tạo ra khủng hoảng lương thực toàn thế giới.

“Chúng ta phải đảm bảo rằng, những biện pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 không vô tình tạo ra những thiếu hụt vô lý các sản phẩm thiết yếu” - đây là cảnh báo chung đưa ra hôm 1/4 của lãnh đạo 3 tổ chức quốc tế hàng đầu là Tổ chức Thương mại Thế giới, Tổ chứcy tế thế giới và Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng “ ngấm ” những tác động của đại dịch Covid-19.

Liên Hợp quốc cảnh báo nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu

Dịch Covid-19 tạo ra mối đe dọa thực sự về nguồn cung lương thực trên thế giới. Ảnh: Forbes.

Những mất mát về người ngày càng tăng, trong khi các nỗ lực quyết liệt nhằm đảo ngược xu hướng cũng đồng nghĩa với cái giá mà nền kinh tế phải trả. Làm thế nào để ngăn cuộc khủng hoảng y tế công cộng không biến thành một cuộc khủng hoảng lương thực đang là bài toán khó thách thức tất cả các nhà hoạch định chính sách trên thế giới.

Thời gian gần đây, hình ảnh người dân đổ xô đến các trung tâm thương mại để tích trữ lương thực và những đồ dùng thiết yếu không còn là cảnh hiếm gặp ngay tại cả những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Người tiêu dùng lo ngại tình trạng khan hiếm hàng hóa sẽ xảy ra trong trường hợp bị phong tỏa. Nhu cầu mua tăng đột biến đã đẩy giá nhiều mặt hàng thiết yếu lên cao.

Trong những tuần gần đây, nhiều hạn chế xuất khẩu đã được áp dụng với các loại lương thực thiết yếu như gạo và lúa mì khi dịch bùng phát rộng khắp thế giới. Một số nước đã đối phó với việc thiếu nguồn cung lương thực bằng cách dự trữ các loại lương thực khác nhau để đảm bảo an ninh lương thực, điều này có nguy cơ dẫn đến tăng giá lúa gạo cũng như các hạt có dầu.

Trong một thông cáo chung, Tổng giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus và Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới Roberto Azevedo hôm qua cảnh báo nguy cơ “thiếu hụt lương thực” trên thị trường thế giới do những rối loạn liên quan tới Covid-19. Theo lãnh đạo 3 cơ quan này, những sự không chắc chắn liên quan tới dự trữ lương thực có thể dẫn tới làn sóng hạn chế xuất khẩu và hậu quả là sự thiếu hụt trên thị trường toàn cầu.

Tổ chức Thương mại Thế giới, Tổ chứcY tế Thế giới và Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ những lao động làm việc trong lĩnh vực sản xuất lương thực, công nhân trong ngành chế biến nông lương và phân phối để hạn chế tối đa sự lây lan của virus trong lĩnh vực và duy trì các chuỗi cung ứng thực phẩm. Theo 3 cơ quan này, khi vấn đề liên quan tới sức khỏe và an ninh của người dân, thì các nước phải đảm bảo toàn bộ các biện pháp thương mại không gây rối loạn chuỗi cung ứng. Và hơn hết trong những giai đoạn như hiện nay, thì hợp tác quốc tế đóng vai trò then chốt.

Đây không phải lần đầu tiên những cảnh báo này được đưa ra. Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới Roberto Azevedo hồi tháng trước cảnh báo sự suy giảm của nền kinh tế và những mất mát về việc làm do Covid-19 sẽ tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008: “Thương mại là chìa khóa để đảm bảo sản xuất và cung cấp hiệu quả các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, vật tư và thiết bị y tế, thực phẩm và năng lượng. Giữ thương mại mở và duy trì dòng chảy đầu tư sẽ rất quan trọng để giữ các kho hàng hóa luôn dồi dào và giá cả phù hợp.

Và một khi cuộc khủng hoảng y tế bắt đầu bước vào thời kỳ thoái trào, thương mại sẽ cho phép các quốc gia hỗ trợ lẫn nhau, mang lại sự phục hồi kinh tế nhanh hơn và mạnh hơn cho tất cả chúng ta. Sự đoàn kết và hợp tác quốc tế không bao giờ được phép là một lựa chọn sau cùng”.

Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc cũng cảnh báo những biện pháp mà các chính phủ áp dụng trong thời kỳ đại dịch Covid-19 có thể dẫn đến thiếu hụt lương thực trên toàn cầu. Tờ Người bảo vệ của Anh dẫn lời nhà kinh tế học Maximo Torero nhận định, tuy nguồn cung thực phẩm tại các quốc gia vẫn dồi dào ở thời điểm này nhưng vấn đề có thể xuất hiện trong vài tuần tới và căng thẳng trong hai tháng tới – thời điểm nhiều loại rau quả vào mùa thu hoạch. Những nông sản này thường có thời gian chín ngắn và dễ hỏng, nên cần người có tay nghề thu hoạch nhanh chóng và đúng thời điểm. Tuy nhiên với việc chính phủ ban hành quy định phong tỏa, tuyển dụng lao động tạm thời là điều bất khả thi.

Do vậy, chuyên gia Torero phân tích rằng điều quan trọng nhất các chính phủ có thể áp dụng là duy trì chuỗi cung thực phẩm, can thiệp để đảm bảo nguồn nhân lực và tránh để thị trường thực phẩm toàn cầu rơi vào khủng hoảng. Người tiêu dùng cũng đóng vai trò quan trọng và cần tránh mua sắm ồ ạt để tích trữ gây giảm lượng thực phẩm./.

Theo VOV

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.