Trong năm 2017 báo Quân đội nhân dân đã thông tin về chương trình hiện đại hóa tên lửa chống tăng (ATGM) đang có trong biên chế.
Cụ thể, loại ATGM thế hệ cũ đã được cải tiến theo hướng mang đầu đạn kép bao gồm: Thay đầu đạn cũ bằng đầu đạn tandem và thuốc phóng mới, giữ nguyên thân tên lửa cũng như các phần còn lại.
Sau cải tiến, tên lửa có khả năng xuyên thép đồng nhất dày 750 - 800 mm sau khi đã phá lớp giáp phản ứng nổ (ERA), sử dụng chế độ điều khiển trực tiếp bằng tay và chế độ bán tự động.
Vận tốc của tên lửa nâng cấp lên tới 135 m/s và đủ sức diệt xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) thế hệ mới ở cự ly từ 500 m đến 3.000 m. Căn cứ vào các đặc tính về tầm bắn, tốc độ, chế độ điều khiển thì có thể nhận ra loại ATGM này chính là 9M14 Malyutka (AT-3 Sagger).
Mới đây nhất trong một phóng sự đăng trên trang Quân đội nhân dân online ghi tại triển lãm thành tựu của Tổng cục Kỹ thuật thì loại tên lửa chống tăng này đã được chính thức giới thiệu.
Căn cứ vào mặt cắt dọc, dễ dàng nhận thấy đây đúng là một biến thể của 9M14 Malyutka, tuy nhiên quả đạn có phần mũi được kéo dài để chứa liều nổ kép nhằm phá giáp phản ứng nổ, đặc điểm này rất giống với biến thể Malyutka-2M nổi tiếng.
Bên cạnh quả đạn, cơ cấu ngắm cũng như điều khiển tên lửa cũng khác rất nhiều so với thiết bị nguyên bản, công nghệ ứng dụng được nhận định là digital hiện đại thay vì analogue lạc hậu, mang lại tính năng kỹ chiến thuật vượt trội.
Đạn xuyên động năng cùng các loại đạn đặc chủng cỡ 85 mm do Việt Nam sản xuất |
Không chỉ tên lửa chống tăng, hồi tháng 5/2019 đã xuất hiện thông tin đề tài “Nghiên cứu công nghệ chế tạo một số chủng loại hợp kim vonfram ứng dụng làm lõi đạn xuyên động năng trong quân sự” do PGS.TS. Đoàn Đình Phương, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam (KHCNVN) làm chủ nhiệm đã thu được kết quả tốt.
Hợp phần hai của công trình nghiên cứu đã chế tạo được vật liệu với đặc điểm, tính chất để sản xuất được đạn xuyên động năng. Đạn xuyên động năng là thế hệ đạn thứ hai thay thế cho đạn nổ.
Công trình đã chế tạo thành công vật liệu hợp kim WC-Ni có đặc điểm kỹ thuật về tỷ trọng, độ bền, độ dai, độ cứng và độ đồng đều đạt theo yêu cầu chế tạo đạn xuyên động năng cỡ 85 mm.
Cũng trong phóng sự trên của Quân đội nhân dân online, hình ảnh viên đạn xuyên động năng cỡ 85 mm này đã được giới thiệu, bên cạnh là đạn nổ phá mảnh, đạn xuyên lõm...
Thành công bước đầu này có vai trò rất quan trọng, tạo tiền đề để Việt Nam tiến lên sản xuất đạn xuyên dưới cỡ sử dụng thanh xuyên bắn đi từ pháo cỡ nòng lớn hơn như 100 mm và 125 mm.