Loạt công nghệ tương lai có thể khiến con người lo sợ

Công nghệ như AI, robot hình người, điện toán lượng tử... đang tiến bộ vượt bậc và có thể làm đảo lộn cuộc sống của con người trong tương lai.

Loạt công nghệ tương lai có thể khiến con người lo sợ

Một nguyên mẫu robot với kiểu dáng và kích thước tương tự con người. Ảnh: Reuters

"Điểm kỳ dị của AI"

Giả thuyết “Điểm kỳ dị của AI” (AI Singularity) được quan tâm thời gian gần đây, đề cập đến một tương lai khi AI trở nên thông minh vượt xa trí tuệ của con người và có thể có hành động đe dọa đến sự an toàn nhân loại. Thực tế, 2022 là năm mà ChatGPT, Lensa AI... đã có bước tiến đáng ngạc nhiên nhờ thuật toán AI mạnh mẽ, vượt trội con người ở một số cấp độ.

Các chuyên gia dự đoán 80-90% công việc hiện tại sẽ được hỗ trợ bởi AI. Nhiều trong số đó thậm chí trở nên hoàn toàn lỗi thời. Do đó, con người được khuyến cáo cần nghĩ đến những cách thức để chuẩn bị cho tương lai này.

Con người "chỉnh sửa" được

Nhờ công nghệ CRISPR-Cas9, con người có thể thay đổi gene di truyền ở thực vật, động vật và chính cơ thể người. Đến nay, công nghệ chỉnh sửa gene mang lại một số lợi ích to lớn, như chống lại bệnh tật, khắc phục đột biến gene gây ra những căn bệnh nguy hiểm, loại bỏ chứng dị ứng thực phẩm và đảm bảo có đủ lương thực để nuôi sống hành tinh.

Mặt khác, nhiều người cũng lo ngại về ý tưởng thay đổi gene di truyền mãi mãi. Chẳng hạn, CRISPR hiện tại có khả năng điều khiển các gene sẽ được tích hợp vĩnh viễn và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Một số quốc gia, hầu hết ở châu Âu, cấm chỉnh sửa gene vì tác động của nó chưa được hiểu biết đầy đủ, dù công nghệ này hợp pháp ở Trung Quốc và Mỹ. Hiện nhiều nhóm khoa học bắt đầu thảo luận công khai hơn về mặt ý nghĩa và đạo đức của công nghệ này.

Hợp nhất con người và máy móc

Đến nay, ứng dụng máy móc vào con người được thực hiện ở mức cơ bản, như gắn chi mới vào bộ phận tay chân đã mất, gắn tim nhân tạo, hoặc đơn giản là sử dụng kính tích hợp máy tính và AI để nhìn xa, nhìn đêm tốt hơn. Ở cấp độ cao hơn, quân đội Mỹ được trang bị bộ giáp có thể hỗ trợ di chuyển và cảnh báo kẻ thù.

Một số công ty, như Neuralink do Elon Musk sáng lập, có thể cấy các chip lên động vật và thực hiện nhiệm vụ nhất định. Giải pháp công nghệ thần kinh của Synchron thậm chí đã thành công trong việc đưa chip vào một bệnh nhân người Mỹ mắc ALS - căn bệnh thoái hóa thần kinh ảnh hưởng đến khả năng di chuyển và nói.

Theo một số chuyên gia, khi công nghệ tiến triển lên mức cao hơn, chúng có thể bị lạm dụng. Thậm chí, khả năng xuất hiện Kẻ hủy diệt như trong bộ phim cùng tên hoàn toàn có thể thành hiện thực.

Khả năng in mọi thứ

Công nghệ in 3D cho phép tạo ra bất kỳ vật thể 3D nào trên thực tế, nhưng cũng có thể bị lợi dụng theo những cách có hại. Khi máy in 3D có giá hợp lý và phổ biến, việc kiểm soát in các món đồ bị cấm như vũ khí sẽ khó kiểm soát bởi bất kỳ ai cũng có thể tải xuống bản mẫu và in bất cứ thứ gì họ muốn ngay tại nhà.

Theo Forbes, đến nay các quy định và việc kiểm soát súng in 3D rất khó khăn do nó không có số serie. Vào tháng 10 năm ngoái, cảnh sát Anh đã thu giữ một lượng lớn linh kiện súng in 3D tại một nhà máy sản xuất vũ khí ở London.

Điện toán lượng tử

Máy tính lượng tử là những cỗ máy có sức mạnh tính toán gấp hàng nghìn tỷ lần so với các siêu máy tính đang có. Điều này có thể mang lại lợi ích to lớn, nhưng cũng sẽ cho phép hacker nhanh chóng giải mã, vượt qua những hệ thống bảo mật hiện tại dễ dàng.

Đến nay, các tập đoàn và chính phủ đang bắt đầu xem xét mối đe dọa này một cách nghiêm túc và đang đưa các nguồn lực vào “mã hóa hậu lượng tử” để bảo vệ dữ liệu nhạy cảm nhất.

Robot tự hành

Robot ngày càng thông minh hơn và đã có thể thay thế con người ở một số môi trường công việc nhất định, chẳng hạn ôtô tự lái, robot làm bánh, nhận đơn hàng tạp hóa, pha cà phê và phục vụ đồ ăn...

Tuy nhiên, với sự kết hợp của AI, robot đang trở nên thông minh. Tiến bộ trong việc chế tạo robot hình người cũng như các đột phá gần đây của AI khiến mối đe dọa về một loại robot tự đưa ra quyết định dần trở thành hiện thực.

Drone sát thủ

Máy bay không người lái (drone) khi hoạt động theo nhóm và với sự trợ giúp của AI có thể xác định, theo dõi và tiêu diệt mục tiêu. Tại Đại học Chiết Giang (Trung Quốc), các nhà khoa học đã phát triển hệ thống nhiều drone kết hợp, có khả năng theo dõi con người di chuyển trong khu rừng tre rậm rạp mà không cần sự hướng dẫn hoặc điều khiển phía sau.

Halcon, công ty con thuộc tập đoàn Edge của UAE, gần đây tiết lộ hệ thống máy bay không người lái Hunter 2-S của họ có thể chia sẻ thông tin để theo dõi và tương tác với các mục tiêu. Ngoài ra, drone tự hành cũng bắt đầu xuất hiện tại các khu chiến sự ở Ukraine.

Drone được coi là giải pháp hiệu quả, chi phí thấp mà không cần đưa binh lính vào tình thế nguy hiểm. Theo giới chuyên gia, tác động của loại công nghệ này sẽ rất đáng sợ trong tương lai.

Nanobot

Các nhà khoa học đã phát triển thành công nanobot - một loại robot kích thước nano có thể xâm nhập vào máu để làm một số nhiệm vụ nhất định, thậm chí vượt qua hàng rào máu não. Công nghệ này được đánh giá có lợi ích tiềm năng to lớn, như lấy mẫu, thu thập, truyền dữ liệu cũng như phân phối thuốc trong cơ thể người.

Tuy nhiên, khả năng công nghệ này bị lạm dụng cũng rất cao. Trong tương lai, nanobot có thể được sử dụng để truyền suy nghĩ của con người. Thậm chí, giới chuyên gia dự đoán viễn cảnh nanobot trang bị vũ khí có thể giết người, hoặc viết lại ký ức của một người. Ngoài ra, còn có những lo ngại nghiêm trọng về quyền riêng tư trong thế giới hiện đại khi các tế bào thiết bị được kết nối và truyền dữ liệu tốc độ cao.

Theo VNE

Đọc thêm

Hành trình từ ý tưởng đến khoảnh khắc vinh danh của những chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2024

Hành trình từ ý tưởng đến khoảnh khắc vinh danh của những chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2024

4 công trình đến từ 10 nhà khoa học trên thế giới đã vượt qua gần 1.500 đề cử từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhận giải thưởng VinFuture 2024 trị giá 4,5 triệu USD. Nhiều công trình, từ ý tưởng đến giải thưởng danh giá là quãng thời gian gần cả đời người với hành trình kiên trì vượt qua thử thách, định kiến và cả những thất bại để tận hiến cho khoa học và sự tiến bộ nhân loại.
Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Trước những vấn đề cấp thiết đang hiện hữu, các nhà khoa học từng nhận giải VinFuture dự đoán những nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, an ninh năng lượng hay sức khỏe toàn cầu… sẽ là những ứng cử viên tiềm năng cho Giải thưởng VinFuture 2024 danh giá.
Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Sau video robot nhỏ thuyết phục "đồng đội" bỏ việc, nhiều người lo ngại viễn cảnh robot tích hợp AI có thể nổi loạn và tự ra quyết định.
Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Sau 3 mùa gây tiếng vang, các nhà khoa học trong nước kỳ vọng sự trở lại của Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024 với chuỗi hoạt động kết nối khoa học công nghệ, đặc biệt là “Chuỗi Đối thoại Khám phá tương lai VinFuture” hứa hẹn mang đến “cơ hội vàng” để tiếp cận tri thức toàn cầu và hợp tác phát triển.
Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.