Loạt “ông lớn” ngân hàng Hà Tĩnh giảm lãi suất huy động về dưới 6%/năm

(Baohatinh.vn) - Tính riêng trong tháng 8 năm 2023, hàng loạt tổ chức tín dụng trên địa bàn đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động vốn từ 2 – 3 lần, giảm lãi suất huy động về dưới 6%/năm.

Lãi suất tiền gửi tiếp tục “lao dốc”

Một loạt “ông lớn” của ngành ngân hàng Hà Tĩnh vừa thực hiện điều chỉnh biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm với mức giảm lên tới 0,5%/năm. Lãi suất huy động vốn cao nhất tại nhóm ngân hàng quốc doanh hiện giảm về dưới 6%/năm trong khi đầu năm nay niêm yết ở mức từ 7,5-8%/năm.

Loạt “ông lớn” ngân hàng Hà Tĩnh giảm lãi suất huy động về dưới 6%/năm

Khách hàng đến giao dịch tại BIDV Hà Tĩnh.

Gần đây nhất, ngày 23/8, BIDV Hà Tĩnh thay đổi biểu lãi suất huy động với mức giảm từ 0,3 – 0,5%/năm. Theo đó, lãi suất gửi kỳ hạn 3 tháng hiện là 3,8%/năm (đối với cá nhân), 3,5%/năm (đối với tổ chức); 6 tháng là 4,7%/năm (cá nhân), 4,4%/năm (tổ chức), 12 tháng và 36 tháng là 5,8%/năm (cá nhân), 5,2%/năm (tổ chức)... Riêng lãi suất gửi online tại BIDV có “nhỉnh” hơn 0,2%/năm so với gửi trực tiếp tại quầy giao dịch.

Tương tự, Agribank Hà Tĩnh II cũng giảm lãi suất tiền gửi từ ngày 23/8. Lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng hiện là 3,8%/năm (đối với cá nhân), 3,5%/năm (đối với tổ chức); 6 tháng là 4,7%/năm (cá nhân), 4,4%/năm (tổ chức); 12 tháng là 5,8%/năm (cá nhân), 5,2%/năm (tổ chức); 36 tháng là 5,5%/năm (cá nhân) và 5%/năm (tổ chức)...

Theo ông Võ Mạnh Tuấn – Phó Giám đốc Agribank Hà Tĩnh II, mặc dù thời gian qua lãi suất huy động có chiều hướng giảm song “sức hút” từ gói tiết kiệm dự thưởng của chi nhánh và niềm tin của khách hàng đối với thương hiệu Agribank nên lượng tiền gửi dân cư vẫn tăng trưởng khá. Theo đó, nguồn vốn huy động toàn chi nhánh đến ngày 24/8/2023 đạt 12.780 tỷ đồng, tăng 1.092 tỷ đồng so với đầu năm”.

Thời điểm này, Vietcombank Hà Tĩnh cũng gia nhập “cuộc đua” giảm lãi suất trong tháng 8 này. Theo đó, lãi suất gửi kỳ hạn 3 tháng hiện là 3,8%/năm, 6 tháng là 4,7%/năm, 12 tháng và 24 tháng là 5,8%/năm...

Theo lãnh đạo Vietcombank Hà Tĩnh, giảm lãi suất huy động vốn là động thái cần thiết để tạo tiền đề tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế trong những tháng cuối năm. Tổng nguồn vốn huy động của toàn chi nhánh hiện đã đạt 11.600 tỷ đồng, tăng 6,6% so với đầu năm.

Loạt “ông lớn” ngân hàng Hà Tĩnh giảm lãi suất huy động về dưới 6%/năm

Lãi suất huy động cao nhất của nhiều ngân hàng đã về dưới 6%/năm.

Đối với khối thương mại cổ phần, hiện nay việc giảm lãi suất huy động vẫn đang diễn ra. Theo ghi nhận, lãi suất gửi tiết kiệm tại một số nhà băng tư nhân như: Techcombank, ACB... đã về dưới 6%/năm (tức là đã giảm trên 5%/năm so với thời điểm đầu năm).

Tại ACB Hà Tĩnh, chỉ tính riêng trong tháng 8 này đã 2 lần điều chỉnh biểu lãi suất tiền gửi, đưa lãi suất cao nhất từ 6,7% giảm về còn 5,6%/năm (đối với kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng), 4,5%/năm (đối với kỳ hạn 3 tháng)...

Người dân phản ứng ra sao khi lãi suất liên tục giảm sâu?

Các chuyên gia đánh giá, mặt bằng lãi suất huy động vốn của các ngân hàng liên tục đi xuống, thậm chí một số kỳ hạn ngắn đã chạm mức thấp cách đây 2 năm - thời điểm dịch COVID-19 diễn ra.

Với kỳ vọng lạm phát còn đi xuống, khả năng các tổ chức tín dụng sẽ còn điều chỉnh lãi suất tiền gửi trong thời gian tới. Do vậy, một số khách hàng đã có động thái rút tiền tiết kiệm để đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, vàng... khi nhận định và phán đoán những dấu hiệu tích cực từ các thị trường này.

Loạt “ông lớn” ngân hàng Hà Tĩnh giảm lãi suất huy động về dưới 6%/năm

Tính riêng trong tháng 8, ACB Hà Tĩnh đã 2 lần giảm lãi suất tiền gửi.

Theo anh Nguyễn Văn Tuấn (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh), hiện nay lãi suất gửi tiết kiệm của các “nhà băng” không còn “sức hấp dẫn” và có thể sẽ tiếp tục giảm, trong khi thị trường bất động sản hiện đã có một số dấu hiệu phục hồi tích cực. Bởi vậy, tôi vừa rút tiền tiết kiệm để thực hiện đấu giá đất ở vùng quy hoạch tại một số xã, phường trên địa bàn thành phố”.

Ở một diễn biến khác, mặc dù lãi huy động đang đà “lao dốc”, song để đảm bảo an toàn, nhiều người dân vẫn tiếp tục lựa chọn kênh gửi tiết kiệm. Chị Phan Thị Minh Nguyệt (thị trấn Nghèn, Can Lộc) cho hay: “Hiện nay, số tiền mà chúng tôi tích góp được cũng chưa nhiều, chưa đủ để đầu tư lớn. Vì thế, tôi vẫn chọn gửi tiết kiệm ở kỳ 12 tháng để được hưởng lãi suất cao nhất”.

Loạt “ông lớn” ngân hàng Hà Tĩnh giảm lãi suất huy động về dưới 6%/năm

Người dân, doanh nghiệp kỳ vọng các ngân hàng giảm lãi suất cho vay tương xứng với mức giảm lãi suất huy động nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Trong bối cảnh lãi suất đầu vào đã “hạ nhiệt” nhanh và mạnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gần đây đã yêu cầu các “nhà băng” giảm lãi suất đối với khoản vay cũ và khoản vay mới với mức giảm ít nhất từ 1,5-2% theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy vậy, theo phản ánh từ người dân và doanh nghiệp, mức giảm lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng chưa đáng kể và chưa tương xứng với lãi suất tiền gửi. Đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lãi suất đã thấp hơn trước, song lĩnh vực tiêu dùng, đầu tư thì người dân vẫn đang phải chịu lãi suất cho vay khá cao.

Bởi vậy, ngành ngân hàng cần có các giải pháp hữu hiệu hơn để nhanh chóng hạ lãi suất cho vay vừa để kích cầu tín dụng trong bối cảnh tăng trưởng cho vay ảm đạm, vừa góp phần hỗ trợ nền kinh tế trước những thách thức đặt ra do suy thoái kinh tế toàn cầu.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast