Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và phát biểu tại Đại hội lần thứ III những người viết báo Việt Nam (8/9/1962). Ảnh tư liệu
Bác Hồ là một nhà báo vĩ đại với hàng chục bút danh. Phong cách làm báo của Người là viết ngắn gọn, giản dị, viết sinh động, lôi cuốn, viết thẳng thắn, có tính chiến đấu.
Ngay từ năm 1949, trong thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, Bác đã căn dặn: “Đối tượng của tờ báo là đa số dân chúng, một tờ báo mà không được đại đa số quần chúng ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo”.
Phong cách làm báo của Người là viết ngắn gọn, giản dị, viết sinh động, lôi cuốn, viết thẳng thắn, có tính chiến đấu. Ảnh tư liệu
Bác Hồ là một nhà báo vĩ đại với hàng chục bút danh. Phong cách làm báo của Người là viết ngắn gọn, giản dị, viết sinh động, lôi cuốn, viết thẳng thắn, có tính chiến đấu. Bác đã kết hợp hài hòa giữa “lòng trong và bút sắc” khi Người nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Người đã làm chủ bút tờ báo “Người cùng khổ” ở Paris (Pháp) với những bài báo có tính chiến đấu cao ký tên Nguyễn Ái Quốc.
Trong lịch sử văn học Việt Nam, nhiều nhà văn, nhà thơ đã ngã xuống ở chiến trường trong tư cách là một nhà báo. Cây bút cũng chính là cây súng. Chúng ta mãi mãi nhớ những tên tuổi như: Thôi Hữu, Trần Đăng, Thâm Tâm… trong kháng chiến chống Pháp, hay Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Thi… trong kháng chiến chống Mỹ.
Nguyễn Thi đã ngã xuống trước cửa ngõ Sài Gòn trong Tết Mậu Thân 1968; Chu Cẩm Phong hy sinh dưới hầm bí mật; Dương Thị Xuân Quý hy sinh trong một trận càn của địch ở Quảng Nam…
Nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý cùng các bạn đồng nghiệp ở chiến khu. Ảnh tư liệu
Những trang báo của họ không chỉ thể hiện “lòng trong, bút sắc” mà còn được đảm bảo bằng cả tính mạng của mình. Đó là sự dấn thân tự nguyện, sự hy sinh quả cảm. Cao hơn những trang báo là chính cuộc đời họ.
Có những thước phim tư liệu rất quý quay ở chiến trường nhưng tác giả của nó đã nằm lại vĩnh viễn trong từng thước đất chiến hào. Đằng sau những thước phim đó chính là những phẩm chất cao quý của các nhà báo…
Nghề báo là một trong những nghề mà 3 chữ “tâm, tài, tầm” là kim chỉ nam. Người làm báo hiện nay được nhiều phương tiện kỹ thuật tiên tiến hỗ trợ tác nghiệp nhưng điều quan trọng nhất vẫn là trái tim và khối óc của chính họ.
Chúng ta làm sao quên được trên các chuyến tàu ra đảo Trường Sa, bên cạnh những người lính, những đội văn công xung kích thì luôn có hình ảnh các nhà báo tác nghiệp. Ống kính các anh vẫn rung lên những tần số nhịp đập trái tim, định vị chắc chắn cho những thước phim, tấm ảnh trong sóng gió ở các nhà giàn giữa biển khơi.
Cộng tác viên Dương Xuân Thâu (Cẩm Xuyên) dù đã 90 tuổi vẫn học cách viết báo của Bác.
Trên các nẻo đường biên giới chập chùng đá núi lại có các nhà báo sát vai cùng các chiến sĩ áo xanh biên phòng. Báo chí chính là tấm gương phản ánh trung thành mọi mặt của đời sống. Rất nhiều vụ án tham nhũng tinh vi đã bị lật tẩy và đưa ra pháp luật có sự góp sức phát hiện của các nhà báo…
Nhà thơ Sóng Hồng (tức Trường Chinh) từng có hai câu thơ nổi tiếng “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ - Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”. Trước đó, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã viết “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Cán bút ấy, ngòi bút ấy chính là vũ khí sắc bén của người làm báo khi mang trong mình cái “đạo” - đạo đức, phong cách của người làm báo: “Lòng trong và bút sắc”.