Video: Những kỷ vật của gia đình Bác ở quê ngoại Hoàng Trù
Ngay khi vừa bước vào lối về quê ngoại, du khách sẽ bắt gặp mái nhà đơn sơ của cụ Hoàng Đường - ông ngoại của Bác. Ngôi nhà gồm 5 gian và 2 chái, trong đó 3 gian ngoài thông với nhà thờ rất thoáng mát. Bộ phản kê ở gian thứ nhất là nơi cụ Đường dạy học. Gian thứ hai có bộ tràng kỷ bằng tre, chiếc án thư với những dụng cụ dạy học như: bút lông, nghiên mực… Gian thứ ba có bộ phản dùng làm nơi nghỉ ngơi của thầy và trò. 2 gian còn lại là nơi nghỉ ngơi của cụ bà và là nơi sinh hoạt của gia đình.
Gian nhà ngoài là nơi cụ Hoàng Đường mở lớp dạy học, đây là lớp học đầu tiên ươm trồng tài năng của ông Nguyễn Sinh Sắc - thân phụ của Bác Hồ.
Bộ án thư tràng kỷ - nơi tiếp khách của gia đình...
...cùng bộ nậm rượu, chén trà và nghiên mực, hộp bút lông của cụ Hoàng Xuân Đường.
Chiếc tủ hai ngăn đựng đồ dùng...
...đĩa đèn dầu lạc, chiếc bình vôi...
...và chiếc tủ gỗ đựng lương thực cùng chiếc mâm gỗ sơn đen dành để tiếp khách quý là những vật dụng trong nhà ông ngoại của Bác
Ở góc vườn phía Tây là ngôi nhà của cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan được cụ Hoàng Đường làm cho khi hai người kết hôn. Tại ngôi nhà nhỏ đơn sơ này, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã cất tiếng khóc chào đời vào ngày 19/5/1890.
Gian ngoài của ngôi nhà là nơi ông Nguyễn Sinh Sắc học tập và nghỉ ngơi...
...nay còn lưu giữ nghiên mực, hộp bút lông và giá sách. Tại căn phòng này, cụ Hoàng Đường thường qua đây đàm đạo văn chương với ông Nguyễn Sinh Sắc.
Gian phía trong kê chiếc giường nhỏ, sau tấm màn nhuộm nâu là nơi nghỉ của bà Hoàng Thị Loan. Ba chị em Bác Hồ được sinh ra trên chiếc giường này
Chiếc rương gỗ - quà hồi môn của bà ngoại tặng mẹ Bác ngày lấy chồng, nơi Bác men theo mỗi lần chập chững những bước chân đầu đời
Giữa căn phòng là chiếc võng mà thời ấu thơ Bác Hồ đã nằm nghe lời ru à ơi của mẹ và những câu chuyện cổ tích của bà ngoại... Mỗi lần đến đây, ngắm nhìn cánh võng đơn sơ này, lắng nghe những câu chuyện ấu thơ của Bác, nhiều người đã không kìm được nước mắt.
Chiếc khung cửi dệt vải ở gian thứ ba là công cụ lao động của thân mẫu Bác Hồ dùng để quay tơ, dệt vải kiếm sống nuôi cả gia đình. Đây cũng chính là kỷ vật đã gieo vào tâm hồn Bác, tạo nên nhiều giá trị trong nhân cách của Người
Mỗi kỷ vật trong căn nhà đều hết sức đơn sơ, giản dị
Những kỷ vật ấy đã chạm vào miền ký ức ấu thơ của nhiều người. Chính vì vậy, ai cũng cảm thấy thật thân thương, thật quen thuộc và gần gũi.