Người phụ nữ đó là Nguyễn Thị Mong (SN 1945) ở thôn Quyền Hạ, xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh (nay là tổ dân phố Hoàng Trinh, phường Kỳ Trinh, TX Kỳ Anh) - từng là Phó Xã đội trưởng, Xã đội trưởng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, rồi giữ chức vụ Phó Bí thư - Chủ tịch UBND xã và nhiều vị trí công tác tại Kỳ Trinh.
Năm 1966, bà Nguyễn Thị Mong (thứ 3 bên trái sang) vinh dự đại diện cho xã Kỳ Trinh được đi dự “Đại hội Thi đua đảm bảo giao thông vận tải toàn quốc” và được gặp Bác Hồ tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh tư liệu
“Người đàn bà thép” trên đất lửa
Tính cách cứng cỏi, gan dạ hiếm có đã đưa bà Nguyễn Thị Mong bắt đầu sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình với công việc chẳng mấy dính dáng gì với nữ giới - Phó Xã đội trưởng (năm 1965), rồi Xã đội trưởng (1967).
Giai đoạn 1965 - 1968, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, xã Kỳ Trinh là địa bàn có nhiều vị trí giao thông huyết mạch, vì vậy, trở thành một trong những “tuyến lửa”; hàng trăm ngôi nhà bị phá, nhiều người chết và bị thương.
Với nhiệm vụ trọng yếu là giữ vững mạch máu giao thông cho xe ta vào chiến trường, là cán bộ chủ chốt của xã đội, bà Mong trực tiếp chỉ huy 3 đơn vị nữ dân quân gồm: đơn vị trực chiến đánh máy bay; đơn vị dân quân gác đèn (sử dụng tín hiệu đèn màu đảm bảo an toàn cho xe qua) và đơn vị san lấp hố bom, đảm bảo an toàn mạch máu giao thông.
Bà Mong chia sẻ với thế hệ trẻ về những năm tháng bà cùng đồng chí, đồng đội giữ mạch máu giao thông trên “tuyến lửa” Kỳ Trinh.
“Hằn sâu trong ký ức của tôi là những đêm trắng cùng chị em dân quân đào đất san đường bên những hố bom còn vương mùi thuốc khét; những ngày cùng bà con lên rừng cắt cây sim, cây móc bó lại thả xuống sông để đêm đêm dân quân vớt lên lót đường, quyết tâm “không để xe tắc một giờ, không để hàng chờ một phút”.
Đặc biệt là những lúc gạt nước mắt, tự tay khâm lượm và mai táng cho những đồng đội, người dân bị bom đạn Mỹ giết hại”.
Thời gian mang thai đứa con đầu lòng (năm 1969), cũng là khi trên địa bàn xã Kỳ Trinh địch bắn phá ác liệt nhất. Chồng đi bộ đội chiến đấu ở chiến trường B5; một mình bà vừa lo công việc gia đình, vừa đảm đương nhiệm vụ hậu phương. 4 năm ước hẹn mới tổ chức được đám cưới, 4 năm sau khi cưới mới có thai đứa con đầu lòng.
Thế nhưng, “trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, không kể ngày đêm, ở đâu có sự cố về giao thông là tôi cùng lực lượng dân quân tự vệ lập tức có mặt. Nhiều đêm, đi giữa chi chít hố bom, tôi thương con thắt ruột nhưng vẫn một ý chí tất cả cho tiền tuyến”.
Sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt, giờ đây niềm vui tuổi già của vợ chồng bà Mong là được sống trong tình yêu thương, đùm bọc của bà con, làng xóm
Bà nhớ như in vào đêm 28/4/1969 âm lịch. Hơn 10h đêm, sau khi cùng anh chị em dân quân vượt rừng vận chuyển đủ một cơ số vũ khí, đạn dược từ Kỳ Thượng về để hôm sau tổ chức diễn tập, bà có dấu hiệu trở dạ.
Sau khi cố gắng kiểm tra, sắp xếp lại toàn bộ số vũ khí, bà được người thân đưa đến trạm xá xã. Tại đây, bà gọi Phó Xã đội trưởng khẩn trương đến bàn giao, dặn dò mọi công việc, đúng 11h đêm, bà chuyển dạ sinh con.
Lời Bác dặn theo suốt cuộc đời
Với những thành tích bảo đảm giao thông vận tải, năm 1966, bà Nguyễn Thị Mong vinh dự là một trong những đại biểu của Hà Tĩnh được đi dự “Đại hội Thi đua đảm bảo giao thông vận tải toàn quốc” và được gặp Bác Hồ tại Thủ đô Hà Nội.
Rưng rưng với kỷ niệm ngày được gặp Bác, bà kể: “Đúng như hình dung của tôi, Bác Hồ xuất hiện trong đại hội vẫn bộ đồ kaki cũ, giọng nói ấm áp, truyền cảm. Bác khen đồng bào, chiến sỹ Quân khu 4 đã có nhiều thành tích, góp nhiều công, nhiều của và mưu trí, dũng cảm trong đảm bảo mạch máu giao thông cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Qua các đại biểu, Bác ân cần gửi lời hỏi thăm sức khỏe và mong muốn đồng bào, đồng chí, các cháu học sinh tiếp tục phát huy hơn nữa, cố gắng hơn nữa để góp phần cùng chiến sỹ và Nhân dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
“Chỉ mấy phút được tận mắt nhìn thấy Bác, được trực tiếp nghe giọng nói ấm áp, những lời căn dặn ân cần của Người, đó là cả một niềm vinh dự, tự hào lớn lao mà tôi không bao giờ quên và đó cũng là niềm tin, động lực để tôi không bao giờ cảm thấy mỏi gối chồn chân trên bước đường hoạt động của mình” - bà Mong tự hào chia sẻ.
Vợ chồng bà Mong chăm sóc khu vườn nhỏ của gia đình
Tháng 7/1969, tại Đại hội Đảng bộ xã Kỳ Trinh lần thứ 10, nhiệm kỳ 1969 - 1971, bà Mong được bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã. Giữa lúc nhân dân cả nước hừng hực khí thế thi đua chào mừng ngày Quốc khánh, Đảng bộ và Nhân dân Kỳ Trinh đang bắt tay vào thực hiện nghị quyết đại hội, thì nhận được tin buồn đột ngột, “Bác Hồ không còn nữa”.
Biến đau thương thành hành động, trên cương vị người đứng đầu chính quyền xã, bà Mong đã cùng cấp ủy, chính quyền và Nhân dân Kỳ Trinh triển khai phong trào thi đua “Lập công đền ơn Bác”, thực hiện thắng lợi nhiều phong trào hành động cách mạng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nỗ lực thi đua sản xuất, chiến đấu, góp phần cùng cả nước hoàn thành công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bà Nguyễn Thị Mong trao đổi với Bí thư Chi bộ tổ dân phố Hoàng Trinh về công tác vận động Nhân dân xây dựng đô thị văn minh.
Hòa bình lập lại, sau 2 năm đi học văn hóa, bà Mong tiếp tục được bầu làm Chủ tịch UBND xã và bước vào thời kỳ gian khó khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển KT-XH. Năm 1979, bà Mong nghỉ công tác ở chính quyền xã và có thêm 5 năm cống hiến ở vai trò Chủ tịch Hội LHPN xã trước khi về nghỉ chế độ.
Đến nay, dù tuổi đã cao, nữ đảng viên 55 năm tuổi Đảng vẫn luôn giữ “chất thép” trong các cuộc sinh hoạt chi bộ, có tiếng nói uy tín góp phần vận động Nhân dân lên vùng tái định cư, đoàn kết xây dựng phường Kỳ Trinh từng bước tiến lên đô thị văn minh.
“Dù ở đâu, làm gì, tôi luôn tự nhắc mình cố gắng học tập, làm theo Bác trong mọi công việc lớn, nhỏ. Đó là cách tôi nhớ về Người trọn vẹn niềm kính yêu” - bà Mong chia sẻ.
Với thành tích đặc biệt xuất sắc, quân và dân xã Kỳ Trinh tự hào được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1998. Cá nhân bà Nguyễn Thị Mong vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1967. |