Cảnh khuyển - người bạn đặc biệt của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Trên các cung đường tuần tra hay trong những vụ đánh án ma túy, người lính biên phòng Hà Tĩnh luôn có sự đồng hành của người bạn đặc biệt - những chú chó nghiệp vụ (cảnh khuyển).

Cùng giữ bình yên biên cương

Chiều đông biên giới, khi mặt trời chuẩn bị khuất sau dãy Trường Sơn, cũng là lúc các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo chuẩn bị cho buổi tuần tra. Có mặt trong đội là những “chú lính đặc biệt” thuộc biên chế Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo với số hiệu riêng và những cái tên rất ấn tượng như: A Bin, Tôm Hốc...

Cảnh khuyển - người bạn đặc biệt của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh

Cảnh khuyển tham gia tuần tra cùng chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

Thiếu tá Nguyễn Khắc Hào, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cho biết: “Cảnh khuyển đều được huấn luyện một cách bài bản, có sức chịu đựng rất cao và chấp hành nghiêm mệnh lệnh.

Hầu hết các nhiệm vụ, vụ án về tội phạm ma túy, vượt biên, chó nghiệp vụ đều tham gia rất hiệu quả. Chúng tôi coi những chú chó nghiệp vụ như đồng đội, đồng chí”.

Cảnh khuyển - người bạn đặc biệt của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh

Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Trèo được tăng cường 18 cảnh khuyển từ Tiểu đoàn Đặc nhiệm 19 (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh).

Theo Thiếu tá Hào, những chú chó nghiệp vụ đã phát huy tốt thế mạnh của mình, hỗ trợ lực lượng bộ đội biên phòng trong các nhiệm vụ. Quá trình kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu phát hiện nghi vấn hàng cấm, để tìm ra các đối tượng, lực lượng biên phòng phải sử dụng chó nghiệp vụ. Với khứu giác đặc biệt tinh nhạy, cảnh khuyển sẽ tìm ra ma túy cất giấu ở trên phương tiện và hành lý qua Cửa khẩu Cầu Treo.

Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, các tổ phòng, chống dịch ở khu vực biên giới, và các tổ tuần tra lưu động cũng có sự đồng hành của chó nghiệp vụ để tổ chức tuần tra, mật phục, bắt giữ các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép. Khi xảy ra tình huống phát hiện các đối tượng bỏ trốn, cảnh khuyển sẽ hỗ trợ đắc lực để các chiến sỹ biên phòng truy lùng, vây bắt.

Đặc biệt, trong phòng chống tội phạm ma túy, chó nghiệp vụ cũng kiên trì chịu đựng gian khổ, cùng cán bộ chiến sỹ mật phục xuyên suốt nhiều ngày, đêm để cùng phát hiện và truy đuổi các đối tượng buôn bán ma túy.

Cảnh khuyển - người bạn đặc biệt của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh

Cảnh khuyển thường xuyên tham gia vào mật phục, bắt giữ các đối tượng vượt biên trái phép, các vụ án ma túy...

Thiếu tá Hào kể, vào tháng 5/2021, trong một chuyến mật phục ngăn chặn vượt biên trái phép trốn cách ly y tế, 2 đối tượng khá thạo đường rừng, ẩn nấp kín và di chuyển rất nhanh nên cán bộ, chiến sỹ chưa ai phát hiện ra. Bất ngờ, người đồng đội là chú cảnh khuyển A Bi đánh hơi và phát tín hiệu về hướng có người đang ẩn nấp.

Rừng núi hiểm trở, A Bin dũng mãnh và nhanh nhẹn tiếp cận ngay vị trí đối tượng vượt biên, ra hiệu, uy hiếp, giữ chân các đối tượng. Một lúc sau, lực lượng tuần tra mới băng rừng tiếp cận các đối tượng vượt biên để đưa về đồn.

Cảnh khuyển - người bạn đặc biệt của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh

Bất chấp địa hình, thời tiết, những chú cảnh khuyển luôn đồng hành cùng cán bộ, chiến sỹ.

Trung úy Phạm Văn Mạnh, phụ trách Đội Cảnh khuyển thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cho hay: Năm 2018, Đội Cảnh khuyển thuộc Tiểu đoàn đặc nhiệm 19 (Bộ chỉ huy Bộ Đội Biên phòng Hà Tĩnh) được tăng cường lên cửa khẩu.

Từ đó, đội tham gia phối hợp với đồn biên phòng thực hiện nhiều chuyên án, vụ án, trong đó chó nghiệp vụ đóng vai trò quan trọng trong thành công của các nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự biên giới.

Cảnh khuyển - người bạn đặc biệt của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh

Chú chó nghiệp vụ đồng hành cùng chiến sỹ biên phòng trên những tuyến đường rừng hiểm trở.

“Đặc biệt, từ năm 2020 trở lại đây, dịch COVID-19 bùng phát, Đội Cảnh khuyển thường xuyên chốt chặn các đường mòn, lối mở nhằm ngăn chặn kịp thời các trường hợp vượt biên trái phép”, Trung úy Mạnh cho hay.

Những người “thầy” của cảnh khuyển

Ngoài tham gia các chuyên án, vụ án, cán bộ, chiến sỹ trong Đội Cảnh khuyển còn thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện để nâng cao phản xạ, sức khỏe cho chó nghiệp vụ, đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ cấp trên giao.

Cảnh khuyển - người bạn đặc biệt của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh

Đội Cảnh khuyển thường xuyên huấn luyện nhằm nâng cao phản xạ, sức khỏe cho “đồng đội”

Đằng sau sự tinh nhuệ, dũng mãnh của các chú chó nghiệp vụ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo là công sức, sự nhiệt huyết của những người “thầy” nuôi dạy chó. Trung úy Mạnh cho biết, mất khoảng 3-4 tháng để rèn luyện chó phản xạ có điều kiện như: đứng, nằm, ngồi… và phải mất ít nhất 1 năm để đạt được những phản xạ cơ bản trong thực hiện huấn luyện chuyên ngành.

“Tôi có nhiều năm gắn bó với nghề nuôi dạy cảnh khuyển. Cảnh khuyển như người bạn trung thành, người đồng đội của người lính biên phòng. Đặc biệt, 1 huấn luyện viên chỉ nuôi một chó nghiệp vụ, nhờ vậy tình cảm càng gắn kết hơn”, Trung úy Mạnh bộc bạch.

Cảnh khuyển - người bạn đặc biệt của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh

Để huấn luyện những chú chó nghiệp vụ thực hiện được nhiệm vụ chuyên ngành phải mất ít nhất 1 năm.

Gắn bó với chú chó Tôm Hốc 11 tuổi, mỗi ngày Trung úy Nguyễn Văn Hùng, Đội Cảnh khuyển Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo dành 50% thời gian cho việc chăm sóc người bạn của mình. Tôm Hốc là giống béc giê Đức to lớn, vạm vỡ, thoạt trông có vẻ dữ dằn, khó gần, nhưng có mệnh lệnh của huấn luyện viên là phục tùng ngay. Khác với hình ảnh nghiêm túc, dũng mãnh trong luyện tập, vào những lúc nghỉ ngơi, Tôm Hốc như “đứa trẻ”, luôn quanh quẩn, đùa vui, thậm chí là làm nũng với huấn luyện viên.

“Để nuôi dạy chó nghiệp vụ, những người lính huấn luyện phải “yêu ngành, mến nghề”. Cảnh khuyển như những đứa trẻ con nên có cần linh hoạt, lúc cứng rắn, lúc thì mềm dẻo. Nghề này phải thực sự chịu khó, kiên trì từng ngày trong huấn luyện, chăm sóc”, Trung úy Hùng tâm niệm.

Còn Trung úy Võ Đức Đồng (SN 1993) - huấn luyện viên trẻ nhất đội, đam mê huấn luyện chó từ nhỏ. Năm 2014, sau khi học xong Trường Trung cấp 24 Biên phòng (Hà Nội), Trung úy Đồng cùng chú chó Mi Bin tham gia vào Đội đặc nhiệm BV14 của Bộ Tư lệnh Biên phòng, chuyên đánh bắt ma túy.

Trong 4 năm gắn bó, Mi Bin cùng với Trung úy Đồng từng tham gia vây bắt chuyên án vận chuyển 120 bánh ma túy ở huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La). Năm 2015, Trung úy Đồng được phân công về công tác tại Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh và tháng 12/2019 nhận nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

Cảnh khuyển - người bạn đặc biệt của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh

Cảnh khuyển được các huấn luyện viên chăm sóc chu đáo, cẩn thận.

Tuy nhiên, năm 2018, Mi Bin bị bệnh không qua khỏi, Trung úy Đồng mất ăn mất ngủ. “Tôi rất buồn và hụt hẫng khi mất đi một người bạn gắn bó rất lâu trong công việc và cuộc sống, cùng trải qua nhiều chuyên án, vụ án nguy hiểm, gian khổ. Đến lúc được nhận nhiệm vụ đào tạo chú chó mới là A Bin, tôi mới dần khỏa lấp những khoảng trống”.

Chú chó A Bin về biên chế Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo hơn năm nay. A Bin to cao, nhanh nhẹn và rất nghe lời huấn luyện viên.

“A Bin đã cùng chúng tôi tham gia vào tuần tra biên giới, phòng chống dịch COVID-19... Có những chú chó nghiệp vụ đồng hành trên những tuyến đường rừng hiểm trở, chúng tôi cảm thấy rất yên tâm. Tôi mong muốn gắn bó lâu dài với nghề huấn luyện chó nghiệp vụ, luôn được đồng hành với những người đồng đội đáng yêu này trên hành trình thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ biên cương Tổ quốc, Trung úy Đồng tâm sự.

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast