Su-30MKI do Nga phát triển và chuyển giao công nghệ cho Ấn Độ
Nhiều sản phẩm quốc phòng của Ấn Độ vừa ra mắt đã lạc hậu không chỉ với thế giới, mà thậm chí là cả với quân đội nước này.
Vấn đề trên do nhiều nguyên nhân, nhưng phần lớn là do sự kỳ vọng quá lớn vào nền công nghiệp quốc phòng vốn không có nền tảng cơ bản, mà lại tập trung vào các sản phẩm quân sự phức tạp, hàm lượng tri thức cao như máy bay chiến đấu, xe tăng, tên lửa phòng không…
Hơn thế nữa sự cạnh tranh trong chính nội bộ Ấn Độ, cũng như sự do dự giữa sản phẩm quân sự nhập khẩu và sản phẩm nội địa trong vài thập niên qua đã khiến Ấn Độ đang hưởng trái đắng.
Thiếu nền tảng công nghệ lõi
Có một điều khẳng định rõ, công nghiệp quốc phòng chính là tổng hòa của nhiều ngành công nghiệp cơ bản kết hợp với chiến lược và nhu cầu phát triển vũ khí, trang bị của quân đội. Muốn có nền công nghiệp quốc phòng phát triển, thì cần có nền công nghiệp cơ bản phát triển tương ứng, cũng như các kinh nghiệm phát triển đúc kết qua nhiều thập kỷ.
Xe tăng Arjun do Ấn Độ tự chế tạo và sản xuất trong nước nhưng không mấy thành công
Điều này giúp lý giải tại sao trên thế giới có rất nhiều quốc gia nhập khẩu vũ khí, nhưng chỉ có số ít quốc gia xuất khẩu.
Điểm qua danh sách các quốc gia xuất khẩu nhiều thập niên qua như: Nga, Anh, Pháp, Đức, Mỹ… đều là quốc gia có nền công nghiệp cơ bản cực kỳ phát triển, cũng như kinh nghiệm tích lũy trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng có thể nói là hàng thế kỷ. Và Ấn Độ thiếu điều này!
Vấn đề trên kết hợp với việc đặt mục tiêu quá cao cho nền công nghiệp quốc phòng nội địa của Ấn Độ đã khiến các chương trình phát triển vũ khí của nước này trở nên đuối sức.
Những vấn đề kỹ thuật không có tiền lệ đề kiểm chứng và khắc phục hay thiếu tài liệu thử nghiệm đã khiến quá trình phát triển vũ khí nội địa của Ấn Độ kéo dài, thậm chí là phải giảm tính năng và khả năng chiến đấu.
Ví dụ cho vấn đề này không khó khi nhìn vào chương trình phát triển xe tăng Arjun và Tejas… của Ấn Độ. Đây chính là vấn đề quan trọng khiến vũ khí nội địa Ấn Độ vừa ra đời đã lạc hậu vì quá trình thiết kế và phát triển kéo dài tới hàng chục năm.
Một hướng phát triển của các quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng đi sau chính là thành lập các liên doanh với nhà thầu vũ khí lớn, mua bản quyền chế tạo để từ đó hấp thu công nghệ và rút ra những bài học kinh nghiệm để áp dụng lên vũ khí nội địa.
Nhật Bản, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ có thể coi là những điển hình thành công phát triển nền công nghiệp quốc phòng nội địa theo hướng này. Tuy nhiên, để hấp thụ được công nghệ quân sự chuyển giao, cũng cần có nền tảng khoa học cơ bản tương ứng và cơ chế tương ứng.
Ấn Độ cũng đã nỗ lực thu hút các nhà thầu vũ khí quốc tế hợp tác chuyển giao công nghệ thông qua các chương trình mua sắm vũ khí lớn, nhưng hiệu quả đạt được chưa đáng kể, mà ngược lại còn bị chính các nhà thầu vũ khí bằng nhiều cách khác nhau khiến Ấn Độ phụ thuộc vào họ.
Chuyên gia phân tích quân sự Ấn Độ Anil Chopra nhận định: "Ấn Độ là thị trường đầy tiềm năng, không một nhà thầu quốc tế nào muốn New Delhi sở hữu đầy đủ công nghệ để tự chủ hoàn toàn".
Hậu quả của sự do dự
Chính việc có nguồn lực dồi dào, các chương trình phát triển vũ khí nội địa chậm trễ và thiệu hiệu quả đã khiến giới chức quân sự Ấn Độ hướng tới sản phẩm vũ khí nhập khẩu. Tất nhiên, tất cả các hợp đồng vũ khí lớn với nước ngoài đều hướng tới việc chuyển giao công nghệ cho phía Ấn Độ, nhưng không phải lần nào cũng thành công.
Nếu các chương trình mua sắm tiêm kích đa năng Su-30MKI, xe tăng T-90, tàu ngầm Scorpene… đã đạt được một số kết quả nhất định, thì chương trình hợp tác lắp ráp máy bay tiêm kích Rafale hay các hợp đồng mua vũ khí với Mỹ đều chỉ dừng ở mức nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc.
Tiêm kích đa năng Su-30MKI do Ấn Độ tự sản xuất trong nước trên cơ sở chuyển giao công nghệ của Nga.
Trước nhu cầu nâng cấp quân đội gấp rút, Ấn Độ đang dần phụ thuộc vào nguồn vũ khí nhập khẩu với tính năng vượt trội so với các sản phẩm vũ khí nội địa. Quá trình này tiêu tốn rất nhiều nguồn lực đáng ra có thể đầu tư cho nền công nghiệp quốc phòng nội địa.
"Để giải quyết vấn đề này, Ấn Độ sẽ buộc phải chấp nhận mua máy bay thành phẩm từ nước ngoài và chấp nhận sản phẩm nội địa có chất lượng không đáp ứng yêu cầu đề ra, thậm chí là lạc hậu", chuyên gia phân tích quân sự Ấn Độ Anil Chopra đánh giá.
Xe tăng T-90 Bhishma do Ấn Độ tự sản xuất trong nước trên cơ sở chuyển giao công nghệ của Nga
Thật khó có thể so sánh máy bay Tejas với Mig-35, Rafale hay F-16 hoặc xe tăng Arjun với T-90… Đây cũng thể coi là một yếu tố khiến sản phẩm quốc phòng của Ấn Độ bị "bỏ rơi" khi chưa kịp chào đời.
Thậm chí, một quan chức quốc phòng Ấn Độ đã phải cay đắng thừa nhận, khi đánh giá về sự yếu kém của vũ khí nội địa: "Chúng đã đang phải trả giá cho hơn một thập kỷ do dự".
Rõ ràng, con đường để nền công nghiệp quốc phòng Ấn Độ có thể cho ra các sản phẩm vũ khí phù hợp cập thời và phù hợp với nhu cầu của quân đội nước này vẫn còn xa vời và lắm chông gai!