Má ơi, đừng mót lúa...

(Baohatinh.vn) - 1. Nhà làm ruộng, năm đứa con. Ruộng cộng dồn hết miếng to miếng nhỏ miếng vừa cũng chỉ có bảy sào thiếu, không hơn.

Vậy nên gặt xong lúa nhà là má xách bao đi mót lúa. Má bảo làm ruộng giỏi lắm lấy công làm lời, muốn có hột lúa bán cho bây ăn học thì phải làm thêm.

ma oi dung mot lua

Minh họa: TRẦN NGỌC SINH

Ba cằn nhằn, bà cứ đi mót hoài người ta cười cho. Má chống nạnh, long mắt: Cười hở mười cái răng, ông sợ cười thì cứ ở nhà, tui đi…

Má mót lúa “nghề” lắm. Xong mùa, lúa mót để dành đủ ăn, lúa nhà gặt đem bán lo giỗ chạp, học hành, phân thuốc. Khó tin phải không?

Lũ bạn ở trường nghe tôi kể chuyện không đứa nào tin. Chúng bảo tôi điêu. Lúa mót thì được mấy hột mà “để dành ăn”?

Đứa ác miệng hơn: Vậy chỉ có nước má mày đi… gặt trộm! Hi hí, ha há. Tôi quăng cặp, xông vào đấm cái thằng nói đểu chảy máu mũi. Giằng co, túm tóc lôi vai, nện qua nện lại chí tử.

Lũ nhỏ quây vòng ngoài hò la “trợ chiến” như đang xem gà chọi, mãi cho đến lúc bác bảo vệ phát hiện, chụp đầu hai đứa lôi ra mới thôi.

Ta/địch đồng bị điệu lên văn phòng, đồng bị “giũa” te tua, bắt viết kiểm điểm. Bên can tội nói năng xúc phạm người lớn; bên can tội… manh động, chưa gì đã “động thủ”, con gái con đứa chi mà hung tợn dữ dằn!

Chiều về, má ngán ngẩm nhìn khuôn mặt tôi tím bầm, nhìn chiếc áo sơmi rách toạc, lấm lem. Nghe thủng chuyện, má không đánh, chỉ chép miệng thở dài: Toi công một ngày mót lúa của tao rồi, con ơi…

2. Nói má mót lúa “nghề”, đủ gạo ăn cho cả nhà không ai tin cũng phải thôi. Không tin, cho đến khi tận mắt chứng kiến!

1.001 cách thế (nhưng không có cách nào “phi pháp” như thằng bạn trời đánh của tôi nói láo). Nói đi mót không chỉ là nhặt nhạnh lúa rơi, lúa sót sau lưng người gặt; gặp thời cơ, má còn xin chủ ruộng cho vào gặt phụ. Má gặt giỏi, chủ nào cũng ưa.

Hết đám được cho nguyên bó lúa (tự gặt, tự bó) coi như trả công. Đương nhiên khá hơn chuyện đứng ngoài mót “chay”. Ngày chưa có máy tuốt, lúa gặt về đạp chân sót dính thóc nhiều, má xin rơm đi đạp lại.

Hai bàn chân má lúa cắt rớm máu, nát bươm, chiều về không dám nhúng chân vô nước. Có máy tuốt rồi má xin giũ lại rơm tận thu lúa rớt. Núi rơm to đùng, phải thức trắng đêm giũ lẹ kẻo ngày mai chủ rơm mang phơi thì hết ăn.

Được non thúng thóc, nhưng má gầy rộc, chân bước liêu xiêu vì thức đêm nhiều. Kệ tao, không chết đâu. Bây ăn lúa mót mà học cho… hay là tao ưng.

Hết mùa, má đi rê lúa lép. Những đống lúa lép đổ dồn ra ruộng, ra vệ đường, ra mé sân kho chờ “hỏa thiêu”.

Đợi trời gió to, má cùi cụi mang thúng mang nia xúc lúa lép đem rê. Đống lép bự rê đi rê lại mãi cũng chỉ được vài tô lúa lừng (*). Chị Hai xúc lép mỏi tay, bức xúc giậm chưn giậm cẳng càm ràm. Má “vỗ an”: Kệ, có còn hơn không.

Của đi mót có đâu đòi nhiều con. Kiến tha lâu đầy tổ… “Đầy” thật. Xong mùa, nhà có đến mấy bao lúa lừng chất nguyên góc bếp. Chẳng hiểu má rê hồi nào mà ra được từng ấy lúa. Lúa lừng má đem nuôi gà vịt.

Lũ gia cầm lớn nhanh, giáp tết mang ra chợ bán được bộn tiền, có sắm tết. Má cười: Bây còn chê lúa lép nữa không…

Nhà con năm đứa má cho đi học đủ năm. Ra mỗi điều kiện: học sao học, mỗi năm một lớp, lưu ban là nghỉ. “Xui” cho má, chị em tôi nhất định không đứa nào chịu lưu ban!

3. Tôi lên trung học phổ thông, lọt được trường chuyên. Học khá, xinh gái nên bạn bè đông, nhiều trai ngấp nghé.

Bạn mới đa phần con “đại gia”, quần là áo lượt, bạc tiền rủng rỉnh. Tôi bức xúc chuyện xe cộ cà tàng, áo quần lỗi mốt về ì xèo với má.

Má hỏi tỉnh: Mầy tính đi học hay đi đàn đúm? Lên trường học giỏi người ta khen hay áo quần là lượt người ta khen con? Thằng bạn trai chung lớp, “đại gia” xóm bên vô tư: Hôm qua gặt ruộng nhà, tui thấy mẹ bạn có qua mót lúa….

Cười rần cả đám. Tôi sạm mặt, về khóc, má đừng đi mót lúa nữa, con mắc cỡ với bạn… Má trợn mắt, nổi điên, không mót thì mày… cạp đất ăn đi học chắc?

Tao đi mót lúa chớ trộm cắp của ai mà mày xấu hổ? Cái thân mày, bữa nay trắng da dài tóc, chữ nghĩa bằng ấy là nhờ lúa mót đó con! Không học nữa thì… nghỉ! Khỏi nói oong đơ...

Tôi lủi thủi đạp xe lên trường, vừa đi vừa hù hụ khóc...

4. Chúng tôi tốt nghiệp ra trường, có công việc, vợ chồng, con cái, nhà cửa riêng. Làm công chức nên không có ruộng, má không cho mua gạo ăn.

Má bảo lương ba đồng ba cọc, gạo mua đắt đỏ, ăn nhanh hết lại không tốt bằng gạo nhà. Về má lấy gạo ăn. Tao bán rẻ cũng tiếc, thà cho con cháu ăn. Bây làm có đồng tiền thì phải biết chắt chiu, phòng lúc bệnh đau… Chí lý.

Mỗi bận về thăm má, tôi mang bao theo, tỉnh bơ xúc gạo cộ về. Chồng tôi cự, đã không đem cho ba má thứ gì còn lấy gạo! Tôi cười toe, yên tâm đi, nhà em làm ruộng lúa nhiều, ba má già, ăn có bao nhiêu…

5. Tôi tập huấn chuyên môn dưới phố. Trưa, tranh thủ về thăm nhà. Ngày mùa, nhà cửa vắng hoe. Sang hàng xóm hỏi thăm người ta bảo má ra đồng.

Lúa nhà cháu gặt xong lâu, má cháu ra đồng chi? Trời, bộ mày… trên núi mới xuống sao? Chưa gặt/gặt xong gì bả (**) chẳng ra đồng. Đi mót chớ đi đâu. Xứ này mót lúa ai qua nổi má mày hả con?

Tôi về. Tháng 4 đầu hạ đổ lửa chang chang. Nhìn ra cánh đồng ngùn ngụt nắng vắng hoe, thấp thoáng một hai bóng người cô độc lui cui giữa rạ rơm. Má ơi…

Tôi bật khóc.

_________

(*): Lúa lép nửa hạt (phương ngữ Phú Yên) (**): Bà ấy (phương ngữ Nam - Trung Bộ)

Theo tuoitre.vn

Đọc thêm

Lệch chuẩn ngôn ngữ

Lệch chuẩn ngôn ngữ

Kho từ vựng của gen Z đang mang đến làn sóng sáng tạo mới trong ngôn ngữ, tạo dấu ấn, phong cách của người trẻ trong giao tiếp nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ lệch chuẩn nếu lạm dụng.
Tiết mục: Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương

Tiết mục: Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương

Tiết mục Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương (dân ca K’Ho Lạch) do Đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên - tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Những chiếc bánh độc lạ tại Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam

Những chiếc bánh độc lạ tại Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam

Ngày 11/12 tại TP Hồ Chí Minh, Liên chi hội Bánh Việt Nam (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) và Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn (Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh) đã tổ chức Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam - The Vietnam Bakery Cup 2024 (VNBC), thu hút gần 500 đầu bếp trong và ngoài nước tham gia.
Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá

Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá

Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá của tác giả Y Soái (phát triển dân ca K’Ho Lạch), do đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên - tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Nẻo chênh vênh

Podcast truyện ngắn: Nẻo chênh vênh

Đèo Gió có bao nhiêu là gió, sao không thể cuốn hết chuyện cũ đi để mỗi lần nhìn vào mắt chồng, Hạnh lại thấy mình rơi tõm vào cái hố buồn sâu hun hút...
Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất

Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất

Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast tản văn: Ký ức gió mùa

Podcast tản văn: Ký ức gió mùa

Gió mùa về phố rồi tan vào mặt hồ, vào những con đường xa tít tắp để cả mùa đông ta cứ bâng khuâng tha thiết nhớ, một ký ức mang tên gió mùa…
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay gừng trầu Nghệ

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay nồng trầu Nghệ

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay nồng trầu Nghệ do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP.HCM chiều nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh
Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm

Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm

Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Trên sông mưa

Podcast truyện ngắn: Trên sông mưa

Đêm đó, sân đình vang rộn ràng, người người kéo về đi xem hát. Khách ngồi vào giữa những hàng ghế trước sân khấu nhìn quanh. Không thấy bà hàng nước, chỉ thấy một đám trẻ vội vàng kéo nhau vào chật sân đình. Khách nghe họ bảo nhau: “Đêm nay, cô Hiền lên hát đấy”!