Các bác sĩ lý giải: Thông thường nhiệt độ cơ thể người dao động từ 36,5 đến 37,5 độ C. Sốt là hiện tượng thân nhiệt cao hơn mức bình thường. Đa phần nguyên nhân gây sốt ở trẻ em là nhiễm khuẩn (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng). Trong trường hợp trẻ sốt do mọc răng thì không phải là bệnh lý, khi đó nhiệt độ cơ thể tăng lên 38 đến 38,5 độ C. Có một số bé bị sốt cao là do tiến triển bệnh cấp tính gây viêm quanh thân răng hoặc áp xe quanh thân răng.
Không để bé tiếp xúc với những đồ chơi vuông thành sắc cạnh vì bé sẽ bỏ vào miệng nhai làm tổn thương lợi.
Trẻ mọc răng có thể sốt hoặc không sốt. Phần lớn, trẻ sốt trong quá trình mọc răng là do viêm lợi. Do đó cha mẹ cần lưu tâm đến những triệu chứng sau của con:
- Chảy dãi: Thời kỳ này trẻ thường chảy nước miếng và thích ngậm gì đó trong miệng. Khi mọc răng, cơ thể yếu đi nên các em dễ bị bệnh và rối loạn tiêu hóa. Trẻ thường bị sốt vào thời kỳ này hoặc sớm hơn.
- Trẻ thường mệt mỏi, quấy khóc, ít ngủ và bứt rứt khó chịu trong người.
- Nướu có thể bị sưng đỏ làm trẻ có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu tại chỗ răng đang nhú lên. Bé thường cho ngón tay, đồ chơi vào miệng để cắn. Những triệu chứng này thường xảy ra từ 3 đến 5 ngày trước khi răng nhú lên. Một số trường hợp có thể bị nhiễm trùng vùng răng miệng do nướu nứt ra. Những triệu trứng này khiến trẻ đau, quấy khóc nhiều, ăn uống kém và có thể sụt cân. Do đó cha mẹ mẹ cần có hướng chăm sóc đúng cách và có chế độ dinh dưỡng tốt cho bé.
Các bác sĩ khuyên khi thấy trẻ quấy khóc do mọc răng, cha mẹ nên thông cảm vì chiếc răng đầu tiên bao giờ cũng khiến bé đau nhất, bứt rứt và khó chịu. Hãy tìm cách xoa dịu cơn đau của con bằng những gợi ý dưới đây:
- Cho con nhâm nhi bánh ăn dặm. Loại bánh này có bán trong các cửa hàng và siêu thị chuyên dành cho trẻ. Loại bánh này mềm ra khi kết hợp với nước bọt của bé. Hầu hết bánh ăn dặm cho bé mọc răng có chứa rất ít đường và không có chất bảo quản.
- Giữ vệ sinh răng miệng: Cho bé uống nước lọc sau khi ăn, lau bằng khăn mềm, chải răng cho bé, làm thường xuyên và nhiều lần trong ngày.
- Không để bé tiếp xúc với những đồ chơi vuông thành sắc cạnh vì bé sẽ bỏ vào miệng nhai làm tổn thương lợi.
- Cho bé ăn chuối xắt lát lạnh, giúp xoa dịu vùng lợi, giảm sưng, giảm đau. Khi cảm thấy dễ chịu bé sẽ không quấy khóc.
- Mẹ có thể lau người cho bé bằng nước ấm vì nước lạnh hay nóng quá đều có thể làm tình trạng sốt tồi tệ hơn. Nước ấm sẽ giúp cơ thể thoát nhiệt, giảm sốt nhanh hơn, tránh nước lạnh hoặt quá nóng. Mặc cho bé những trang phục thoải mái và thoáng để nhiệt thoát ra dễ dàng.
- Có thể cho uống thuốc giảm đau theo đơn bác sĩ.
- Nếu bé sốt 38,5 độ C trở lên, có thể dùng Paracetamol để hạ sốt, liều lượng từ 10 đến 15 mg cho một kg cân nặng, cứ 4 giờ uống một lần. Trường hợp sốt nhẹ hơn thì không cần uống thuốc.
- Mẹ nên tăng cường các cữ bú cho bé trong ngày. Nếu bé không bú được, mẹ cần vắt sữa và cho bé ăn bằng thìa.
Lưu ý: Trẻ sốt do mọc răng thường chỉ kéo dài trong vài ngày. Nếu bé bị sốt cao liên tục, nôn mửa có thể bị một bệnh khác chứ không phải do mọc răng. Cần đưa bé đến ngay bác sĩ để chẩn đoán và điều trị kịp thời. Viện Nha khoa Nhi Mỹ khẳng định, sốt cao hơn 39 độ không nên quy kết cho bất cứ vấn đề gì về răng, bao gồm cả mọc răng.