Mắt đảo Sơn Dương

(Baohatinh.vn) - Đảo Sơn Dương cách đất liền 4 hải lý, được coi như “con mắt thần” giữa biển khơi, án ngữ cửa ngõ ra vào cảng Vũng Áng. Đây là hòn đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, là chốt chặn quan trọng để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền ra vào cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) và hoạt động đánh bắt cá của ngư dân trên biển.

Mắt đảo Sơn Dương

Cán bộ chiến sỹ đảo Sơn Dương tăng cường công tác tuần tra kiểm soát bảo vệ đảo

Chúng tôi xuất phát từ cảng Vũng Áng trên chiếc ca nô của bộ đội biên phòng chở ra thăm bộ đội đảo Sơn Dương. Đây là đơn vị trực chiến thuộc Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh.

Trên đường ra đảo, đồng chí thượng úy lái ca nô cho biết: Trước kia Sơn Dương chỉ là hòn đảo hoang vắng. Năm 1972, trong chiến tranh chống Mỹ ác liệt, một trung đội pháo của Ban CHQS huyện Kỳ Anh được cử ra đảo để ngăn chặn các cuộc tập kích từ xa của máy bay và tàu chiến Mỹ. Đến nay, đơn vị đã phát triển thành đại đội, có nhiệm vụ thường xuyên tuần tra, canh gác bảo vệ đảo và vùng biển quanh đảo không có dân định cư. Khi có mưa bão, bà con ngư dân thường vào đây tránh trú.

Tôi hỏi: Thế tiềm năng tương lai của vùng biển đảo Sơn Dương thế nào? Đồng chí thượng úy chỉ tay ra xa trong trùng trùng sóng vỗ và sâu thăm thẳm, ngăn ngắt màu xanh biển, nói: Đây là một trong những trọng điểm để phát triển kinh tế biển. Nhưng điểm quan trọng nhất đây chính là “con mắt thần”.

Vâng, mắt thần, qua ống nhòm của anh, tôi nhận thấy từ xa đảo Sơn Dương hiện lên trên thảm xanh cây rừng nổi bật phấp phới lá cờ đỏ sao vàng, đánh dấu chủ quyền đất nước. Khu doanh trại ngói đỏ, tường vôi trắng được dựng vững chắc tựa vào vách đá núi.

Rồi cầu cảng của đảo. Những người lính mặc quân phục xanh xếp hàng đón chào đoàn khách các nhà văn, nhà báo từ đất liền ra thăm. Các anh hồ hởi đón chúng tôi như đón những người thân lâu ngày gặp lại. Thấp thoáng phía xa xa, tôi còn nhận ra những chú dê núi cặp sừng ngơ ngác nhảy nhót tưng bừng trên những tảng đá như cũng muốn reo vui cùng chủ nhân lính đảo.

Đảo có diện tích khoảng 1 km2, còn giữ được nét đẹp hoang sơ với nhiều hệ thống hang động và dốc đá tai mèo được phủ kín một màu xanh của các loài cây, thảm thực vật. Lần đầu tôi cứ hình dung ra đảo xanh mát này như một khu nghỉ mát lý tưởng, hóa ra khi ra đây thì thấy thời tiết khá khắc nghiệt.

Trên đảo chỉ có một cái giếng duy nhất được phép sử dụng vào mùa mưa, còn mùa hè thì gần như khô cạn. Hiện tại, đảo đã được đầu tư xây dựng một bể chứa nước ngọt khoảng 150 m3 chưa thể tạm đủ cho sinh hoạt mùa hè. Trung bình ở đây hàng năm liên tục 6 tháng mùa khô không hề có một giọt nước.

Mắt đảo Sơn Dương

Đảo Sơn Dương từ một góc nhìn

Mỗi năm, các anh chỉ có một lần phép. Đằng đẵng 1 năm trời mới một lần gặp mặt, thỉnh thoảng gọi điện về cho người thân thăm hỏi, động viên nhau cho bớt nỗi nhớ nhà. Những ngày tết cổ truyền, gần như 100% lính đảo phải ở lại trực chiến.

Đại úy Nguyễn Đức Cu - Đảo trưởng cho biết: “Những ngày sắp tết, có nhiều đoàn công tác ra thăm, đón xuân sớm cùng lính đảo. Đó là những ngày rộn ràng nhất, bởi họ mang không khí mùa xuân, không khí đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ chúng tôi. Quà quý nhất là những cành đào, cây mai vàng gợi lên hình ảnh thân thiết ngàn đời của tết cổ truyền dân tộc”.

Tôi hỏi: Thế tết các anh có gói bánh chưng không. Có chứ! - Đảo trưởng mở băng ghi hình cho chúng tôi xem hình ảnh các chiến sĩ đang xắn tay áo ra làm thịt dê - đặc sản của lính. Và họ xúm xít cạnh nhau thái thịt, kỹ lưỡng rửa từng chiếc lá dong, những cân gạo nếp, đậu để chuẩn bị gói bánh chưng. Đặc biệt, thịt lợn ở đây rất chắc, rất ngon như “lợn nít” ở bản vùng cao, nuôi cả năm mà chưa nặng tới 10 kg. Chúng đi từng đàn, chủ yếu tìm thức ăn ở các bãi chuối trong rừng đảo.

Trưa đó, chúng tôi ngồi trò chuyện với các sĩ quan trên ghế đá dưới bóng cây bàng xanh mát tại sân doanh trại. Nhà văn Đức Ban là người mê đắm với thiên nhiên, ông hay nói đến đề tài “sinh thái”. Sinh thái xã hội, sinh thái nhân văn và sinh thái môi trường.

Ông đặt vấn đề với đảo trưởng: Sao trước sân doanh trại các anh không trồng hoa cho đẹp mà toàn “tráng” xi măng bê tông hết thế này? Trưa nắng chói chang, hừng hực thì làm sao mà chịu nổi?

Chúng tôi chịu nổi hết anh ạ! Một sĩ quan trẻ bắt chuyện hào hứng - Vì hoa ở đây không thể chịu nổi những cơn bão, kể cả cây cối. Sau trận bão số 10 vừa rồi, nhìn ra xung quanh, ngoài những ngôi nhà kiên cố như lô cốt thì bạt ngàn cây cối ở đây bật gốc trống trải đến rợn người.

Trống và trắng, sỏi đá trơ trọi trên mặt đất. Chỉ có mấy cây dương uốn mềm ngọn nằm rạp xuống mặt đất thì mới cưỡng dậy lại được nhưng cũng tơ táp lắm, chuốt hết lá chỉ còn trơ lại cái cành dẻo dai xoắn như dây thừng. Và chúng tôi chịu nổi, khi đêm hè nóng bức không bật quạt vì máy phát điện chỉ có vài tiếng đồng hồ xem thời sự.

Anh em ngoài những người trực chiến, còn lại phải khiêng giường, khiêng phản ra sân ngủ đón chút gió hiếm hoi từ biển thổi vào. Nói thật là chắt chiu gió như chắt chiu nước ngọt vậy. Đêm, mắt đảo, mắt người lính chong chong nhìn lên gặp mắt trời, mắt những ngôi sao ráo hoảnh...

Mắt đảo Sơn Dương

Thời tiết khắc nghiệt, cuộc sống thiếu thốn nhưng các chiến sỹ trên đảo luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tôi cứ ấn tượng mãi hình ảnh một ngư dân ở xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh) qua câu chuyện với đảo trưởng hiện lên thật rõ nét, thật hồn hậu như cổ tích. Đó là ngư dân Mai Bảo ở thôn Đông Yên, mà những người lính nơi đây gọi cái tên thân mật trìu mến là “bố Bảo”. Căn nhà nhỏ của “bố Bảo” nằm giữa thôn trở thành nơi tập kết hàng hóa, nhu yếu phẩm chở ra cho bộ đội trên đảo.

Duyên của ông Bảo gắn liền với lính đảo Sơn Dương từ năm 1972. Một đêm mưa, gió lớn, biển động dữ dội, có ba người lính vào làng chài xóm ông Bảo nhờ người chở ra đảo Sơn Dương. Ngày đó chưa có thuyền gắn máy mà phải chèo bằng tay. Khoảng cách từ làng chài ra đến đảo gần 5 cây số. Nếu ra đảo vào thời điểm này rất nguy hiểm.

Là ngư dân thường xuyên đi đánh cá gần đảo Sơn Dương, ông Bảo thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người lính đang làm nhiệm vụ trên đảo, chắc có tình huống gì khẩn cấp nên ông quyết định chèo thuyền đưa các anh ra đảo. Sau lần đó, nhà ông trở thành địa chỉ tin cậy để bộ đội trên đảo gửi gắm và nhờ cậy.

Ngoài những chuyến tự nguyện đưa đón bộ đội ra, vào đất liền đều đặn hai ngày một lần không kể ngày biển động, ông một mình chèo thuyền đưa lương thực, thực phẩm tiếp tế cho đảo.

Ông coi việc chèo đò giúp bộ đội như một nhiệm vụ của mình, không đòi hỏi một chế độ đãi ngộ nào cả. Có lần nhận được tin anh Tỵ - bộ đội trên đảo bị rắn lục cắn, lòng ông Bảo như có lửa đốt, nhưng thời điểm đó máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Ông một mình đi tìm y tá rồi chèo thuyền ra đảo.

Máy bay Mỹ bổ nhào hai quả bom rơi gần thuyền nan khiến thuyền lật úp. Nếu lúc đó trên đất liền thì chắc chắn ông và cô y tá đã chết. Nhưng cũng may trên biển nên hai người chỉ bị ù tai, choáng váng rồi ngoi ngóp lật lại thuyền chèo tiếp. Cảm kích trước tấm lòng của ông đã cứu sống mình, anh Tỵ nhận ông là anh em kết nghĩa.

Mắt đảo Sơn Dương

Cán bộ chiến sĩ đảo Sơn Dương đón khách ra thăm quan

Lại có lần đã 28 tết, biển động liền hai tuần lễ chẳng có thuyền bè nào ra biển được. Trên đảo lúc này có 12 cán bộ, chiến sĩ, gạo đã hết ba bốn ngày, chỉ cháo loãng cầm hơi. Ông Bảo quyết định cho gạo vào bao ni lông và liều mình chèo thuyền ra đảo. Mất gần 12 tiếng đồng hồ vật lộn với sóng gió, ông mới đến nơi. Bây giờ, người giáo dân “kính Chúa, yêu nước” này đã thành người thiên cổ nhưng trong lòng mọi người vẫn vẹn nguyên hình ảnh “bố Bảo”.

Tôi biết thêm: Lính đảo ở đây còn được giao một nhiệm vụ rất quan trọng nữa là công tác dân vận. Gần nhất là có xã Kỳ Lợi, quê “bố Bảo”. Cách đây mấy năm xảy ra sự cố môi trường biển, tình hình rất phức tạp, các anh đã thay nhau vào đất liền, xuống cùng ở với dân, làm tốt công tác tuyên truyền. Vì dân Kỳ Lợi với lính đảo Sơn Dương có mối tình cảm đặc biệt.

Có lần tổ công tác của đảo đang tuần tra, đến gần 1 giờ sáng, chợt nghe tiếng kêu cứu ngoài biển đã phát hiện chiếc thuyền chết máy đang trôi dạt vào bãi đá ngầm. Mặc dù trời tối, sóng to, gió lớn, các anh đã quên mình đối mặt với nguy hiểm, đưa các nạn nhân vào bờ an toàn.

Người dân ca ngợi mãi tấm gương của các anh: “Đêm ấy nếu không có bộ đội đảo Sơn Dương cứu thì bây giờ bầy tui xanh cỏ rồi. Các chú là những người sinh ra chúng tôi lần thứ hai”.

Chúng tôi còn được lên đài quan sát với ống kính hiện đại thu gọn vào tầm mắt hàng chục ki-lô-mét, phân biệt được các tàu lạ, theo dõi được sít sao hành trình đánh cá của ngư dân. Thu vào tầm mắt của các anh là non nước biển trời Tổ quốc. Và xa xa, cảng biển Vũng Áng nhô ra những cần trục khổng lồ, những ống khói cao vút của nhà máy nhiệt điện, luyện gang thép.

Đảo Sơn Dương không chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ Tổ quốc mà còn là “Con mắt thần” án ngữ một vị trí chiến lược trọng yếu, là điểm tựa ấm áp của tình cảm quân dân. Bất chợt vang lên trong tôi khúc hát về đảo xa mà các chiến sĩ trên đảo Sơn Dương đã ca vang trong buổi giao lưu văn nghệ trước khi chia tay đoàn chúng tôi: “Nơi anh đến là biển xa/ Nơi anh tới ngoài đảo xa/ Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà...”.

Chủ đề 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Đọc thêm

Đề án 06 - cuộc cách mạng chuyển đổi số

Đề án 06 - cuộc cách mạng chuyển đổi số

Sau 3 năm thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những địa phương có cách làm hay, ghi dấu ấn, tạo tiền đề quan trọng trong cuộc cách mạng chuyển đổi số.
Có một Trường Sa trù phú giữa trùng khơi!

Có một Trường Sa trù phú giữa trùng khơi!

Vượt hơn 200 hải lý, niềm mơ ước trong tôi về một lần được đặt chân đến quần đảo Trường Sa đã trở thành hiện thực. Trong tầm mắt tôi và các đồng nghiệp, hình ảnh một Trường Sa thân thương và căng tràn sức sống, hiên ngang giữa trùng khơi đã xua tan những mệt mỏi sau một hành trình dài lênh đênh trên biển cả.
Công an tỉnh Bolikhămxay chúc Tết Công an Hà Tĩnh

Công an tỉnh Bolikhămxay chúc Tết Công an Hà Tĩnh

Nhân dịp đón Tết cổ truyền của Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Công an tỉnh Bolikhămxay (CHDCND Lào), Đại tá Khên Von Lo Văn Xay - Phó Giám đốc Công an tỉnh gửi đến cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Tĩnh lời chúc năm mới an khang, thịnh vượng.
Xuân biên cương ấm tình quân dân

Xuân biên cương ấm tình quân dân

Những người lính quân hàm xanh trên hai tuyến biên giới đang có nhiều hoạt động ý nghĩa, trách nhiệm hướng về Nhân dân khu vực biên giới để Tết cổ truyền nơi đây ấm áp, thắm đượm tình quân dân.