Mắt thần của S-400 trong hệ thống phòng không Việt Nam

Dù được thiết kế với radar 76N6, tuy nhiên Việt Nam đã chọn radar 96L6E cho hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU1 của mình.

Đài radar nhìn vòng mọi độ cao 96L6E là sản phẩm của Phòng thiết kế KB Lira, sản xuất tại nhà máy LEMZ. Nó được phát triển để thay thế các đài radar tìm kiếm mục tiêu tầm cao 36D6 và radar tìm kiếm mục tiêu tầm thấp 76N6.

Theo giới thiệu của nhà sản xuất Nga, radar 96L6E có ưu điểm là kết hợp cả tính năng bắt thấp và bắt cao của 2 loại radar trên trong cùng một thiết kế. Radar nhìn vòng 96L6E hoạt động ở băng tần C, bộ vi xử lý của nó có thể nhảy tần số cho khả năng kháng nhiễu cao và phân biệt mục tiêu trong môi trường lộn xộn tốt.

mat than cua s 400 trong he thong phong khong viet nam

Radar 96L6E trong hệ thống S-300 Việt Nam.

Ngoài ra, thiết kế ăng ten mảng pha còn có khả năng lái chùm tia cơ khí ở góc phương vị và lái chùm tia điện tử về độ cao. 96L6E phát hiện được các vật thể bay với đầy đủ 3 tham số (cự ly, phương vị và độ cao).

Ưu điểm vượt trội của 96L6E là khả năng bắt thấp và rất thấp, đây là tính năng quan trọng trong việc phát hiện tên lửa đường đạn chiến thuật - chiến dịch. Trong chế độ bắt thấp, vận tốc mục tiêu giới hạn từ 30 - 1.200 m/s.

Bên cạnh đó, 96L6E còn có chế độ chuyên tìm kiếm ở độ cao thấp với khả năng bao quát 3600 trong vòng 6 giây, góc phương vị từ -3 - 1,50. Ở chế độ này, vận tốc mục tiêu giới hạn từ 50 - 2.800 m/s. Radar 96L6E có khả năng phát hiện đồng thời 100 mục tiêu, tầm trinh sát tối đa 300 km.

Toàn bộ ăng ten, phòng điều khiển lắp trên khung gầm xe tải MZKT-7930 có khả năng cơ động cao. Thời gian triển khai chiến đấu và thu hồi chỉ trong vòng 5 phút, đây là yêu cầu quan trọng trong chiến thuật “bắn - chạy” nhằm tránh đối phương đáp trả.

96L6E có thể sử dụng nguồn điện độc lập từ máy phát điện SEP-2L khi triển khai trên xe tự hành. Radar này có thể triển khai ăng ten trên tháp 40V6M cao 24 mét hoặc tháp 40V6MD cao 40 mét. Ở cấu hình trên, radar sử dụng máy phát điện SES-75M thông qua hệ thống cáp kết nối dài 100 mét. Hệ thống còn có máy phát điện dự phòng 98E6U.

Với khả năng của radar 96L6E có thể thấy đây là công cụ hiệu quả để phát hiện sớm mối đe dọa từ tên lửa hành trình và tên lửa đường đạn chiến thuật - chiến dịch. Các loại tên lửa hành trình tấn công mặt đất thường bay ở độ cao thấp nên sự có mặt của một radar bắt thấp như 96L6E là rất quan trọng.

mat than cua s 400 trong he thong phong khong viet nam

Hệ thống S-300 Việt Nam.

Bên cạnh khả năng bắt thấp, radar 96L6E còn bám bắt tốt các mục tiêu vận động tốc độ cao, đặc trưng của tên lửa đường đạn chiến thuật - chiến dịch.

Một trong những ưu điểm nổi bật của tổ hợp S-300PMU1 là khả năng đánh chặn tên lửa hành trình và tên lửa đường đạn chiến thuật - chiến dịch. Đó là lý do Việt Nam đầu tư trang bị radar 96L6E nhằm tối ưu hóa khả năng này của S-300PMU1.

Ngoài ra, radar 96L6E tích hợp nhiều tính năng phù hợp với việc nâng cấp lên các tiêu chuẩn hiện đại hơn, giao diện dữ liệu tiên tiến hơn. Về bản chất, 96L6E là radar tìm kiếm mục tiêu tiêu chuẩn cho tổ hợp phòng không tầm xa S-400 Triumf, nó cũng có thể tùy chọn cho tổ hợp S-300PM/ PMU/ PMU1 và S-300PMU2 Favorit.

Theo nhận định của truyền thông Nga, với việc lựa chọn radar 96L6E thay vì 76N6, có thể Việt Nam đã dự phòng cho tình huống nâng cấp S-300PMU1 lên tiêu chuẩn S-300PMU2 Favorit hay mua sắm hệ thống S-400 Triumf trong tương lai.

Theo baodatviet.vn

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.