Bến sông Thạch Hãn - nơi nhiều cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh trong mùa hè năm 1972 giờ đây lắng sâu trong các hoạt động tri ân, tưởng nhớ.
Mỗi một lần chạm đất Quảng Trị, tôi vẫn thường nhớ đến câu nói của anh bạn đồng nghiệp ở Báo Quảng Trị: Quảng Trị là tỉnh có nhiều nghĩa trang liệt sỹ nhất. Và trong 72 nghĩa trang liệt sỹ ấy có đến 2 nghĩa trang không có bia mộ là Thành cổ Quảng Trị và sông Thạch Hãn. Tôi đã nghĩ mình sẽ đến thăm 2 nghĩa trang ấy ngay sau câu chuyện với anh bạn đồng nghiệp. Ấy vậy mà, vì nhiều lẽ, dự định đó cứ bị lần lữa cho đến mùa hè năm nay mới thực hiện được…
Đài tưởng niệm chính được xây dựng như một ngôi mộ chung trong khuôn viên Thành cổ
Không thể nói hết được những cảm xúc của chúng tôi trong buổi sáng cùng nhau đến thăm Thành cổ. Chen lấp niềm háo hức được khám phá một địa danh lịch sử là những khoảnh khắc lặng im trong những nghĩ suy về nơi thế hệ cha ông đã anh dũng chiến đấu, ngã xuống. Khi chúng tôi đang mông lung trong những xúc cảm của mình thì cầu Thành cổ hiện ra trước mắt.
Chúng tôi đồng loạt hạ kính cửa ô tô để nhìn thật rõ dòng sông Thạch Hãn và Thành cổ nằm lặng lẽ phía bờ xa… Đến giữa cầu, anh bạn đi cùng tôi bỗng dưng đọc khẽ: “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi 20 thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”... Rồi chúng tôi cứ lặng im, theo đuổi những cảm xúc riêng của mình cho đến khi xe dừng trước lối dẫn vào thành.
Trên những bức tường thành cũ kỹ còn dấu tích đạn bom, cỏ đã lên xanh và thi thầm ca hát.
Thành cổ ngày chúng tôi đến rất đông người nhưng không hề huyên náo. Ngay trước cổng thành, các vị sư và hàng nghìn phật tử, nhân dân đang cầu kinh tưởng nhớ công ơn các anh hùng, liệt sỹ. Tiếng kinh cầu hoà lẫn tiếng gió, hoà lẫn tiếng sóng nước thành hợp âm trầm lắng gợi cảm giác yên bình, thanh tịnh. Không còn mường tượng về những ngày chiến tranh ác liệt nữa, chúng tôi lặng lẽ đặt tay lên ngực trái và thì thầm cầu nguyện …
Những dấu vết đạn bom còn nguyên trên bức tường phía đông Thành cổ khiến nhiều người xúc động.
Cũng giống như nhiều địa chỉ đỏ trên khắp cả nước, mỗi ngày, Thành cổ Quảng Trị đón hàng trăm, hàng nghìn lượt du khách đến thăm. Lẫn trong bóng dáng già nua của những cựu chiến binh từng chiến đấu ở Quảng Trị và những người lính trở về từ chiến trường khác là bóng dáng trẻ trung của tuổi trẻ cả nước. Lẫn trong giọng nói miền Trung là giọng nói khắp 2 miền Nam, Bắc. Lẫn trong ánh mắt khắc khoải của các cựu chiến binh là ánh nhìn đầy hàm ơn của các em nhỏ…
Ngay khi bước qua bức tường thành cổ kính, khi biểu tượng ngôi mộ chung hiện ra trước mắt, tất cả đều trở nên lặng lẽ, nhẹ nhàng và kính cẩn. Dường như ai cũng e ngại sự ồn ào của mình sẽ làm kinh động anh linh các liệt sỹ…
Với nhiều cựu chiến binh, câu chuyện về mùa hè rực lửa ở Quảng Trị vẫn như vừa mới xẩy ra...
Như một cơ duyên, người cựu binh Đỗ Văn Thảo (Thái Bình) mà chúng tôi gặp ngay cổng thành là người đã từng có những năm tháng tuổi trẻ chiến đấu trên chiến trường Trị Thiên khói lửa. Ông Thảo cho biết: “Là cựu binh ở đơn vị Pháo binh 130 ly từng tham gia chiến đấu giải phóng Cam Lộ tháng 4 năm 1972 nên tôi nếm trải được sự ác liệt tàn bạo của giặc Mỹ.
Hồi ấy, tin tức truyền đi chậm nhưng chúng tôi vẫn có thể cảm nhận được phần nào sự ác liệt ở Thành cổ và khu vực sông Thạch Hãn. Sau này, khi tìm hiểu kỹ hơn 81 ngày đêm chiến đấu kiên cường, giành giật với kẻ địch từng bức tường, góc thành…, có chiến sỹ bị thương 3, 4 lần vẫn không rời trận địa, tôi mới biết, đó là trận chiến ác liệt nhất trong Chiến dịch xuân hè năm 1972. Bây giờ, năm nào tôi cũng trở lại Thành cổ, lặng lẽ ngồi bên dòng Thạch Hãn để tưởng nhớ và tri ân những người đã ngã xuống”.
Cựu chiến binh Đỗ Văn Thảo xúc động khi lần theo dấu bết đạn bom trên những bờ tường cổ còn sót lại.
Gọi là thành cổ nhưng dấu tích về những bức tường thành của nhà Nguyễn không còn nhiều nữa, người ta cũng không khôi phục bởi sợ chạm vào hồn cốt của các liệt sỹ. Thay vào đó là bạt ngàn màu xanh cỏ cây. Cỏ reo hát những bức tường thành cũ kỹ, mướt xanh những lối đi. Cỏ nằm yên đón đợi và rì rầm kể chuyện. Cỏ xanh như muốn nói với chúng tôi, với ức triệu người đã và đang đến Thành cổ về một cuộc sống bình yên đang sinh sôi trên vùng đất binh lửa năm nào.
Khung cảnh bình yên trong khuôn viên Thành cổ như muốn nói với tất cả mọi người về một sự hồi sinh trên vùng đất đạn bom cày xới năm nào.
Từ trên đài tưởng niệm trung tâm nhìn ra mênh mông Thành cổ, chúng tôi cảm nhận được rất rõ sự yên bình ở nơi đã từng bị đạn bom cày xới. Phía xa kia, giọng cô hướng dẫn viên người Quảng Trị vẫn đang nhắc lại 81 ngày đêm ác liệt với những câu chuyện cảm động diễn ra trong khuôn viên Thành cổ mùa hè năm 1972. Thế nhưng, chúng tôi không ai còn dám nghĩ nhiều về chiến tranh nữa, không còn muốn nghĩ đến đạn bom nữa. Trước mắt chúng tôi chỉ là những nụ cười thanh xuân, những ánh mắt tràn đầy niềm tin yêu cuộc sống và những gương mặt vô tư, hồn nhiên trong những bức ảnh các chiến sỹ từng chiến đấu, gìn giữ từng tấc đất treo ở bảo tàng Thành cổ.
Mỗi người khi đến Thành cổ Quảng Trị sẽ thấm nhận vào tâm tư mình những xúc cảm, những bài học sâu sắc.
Thành cổ Quảng Trị những ngày tháng 7 thật thiêng liêng và ấm áp trong tình cảm của nhân dân cả nước. Dòng Thạch Hãn như cũng lắng sâu hơn trong tiếng kinh cầu nguyện và hoạt động thắp nến, thả đèn tri ân. Màu xanh của hoà bình đã vùi lấp những dấu vết chiến tranh nhưng chúng tôi và các thế hệ nối tiếp sẽ không bao giờ quên sự hy sinh của các anh hùng, liệt sỹ. Để mỗi tháng 7 trở về, trái tim lại bồi hồi, mong ngóng được trở lại tri ân. Để nhận vào tâm tư mình thật nhiều giá trị của cuộc sống, để trân quý hơn giá trị của hoà bình…
Thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm từ 28/6 đến 16/9/1972 được ví như một túi bom. Trung bình mỗi ngày, địch huy động 150-170 lần chiếc máy bay phản lực, 70 – 90 lần chiếc B52 để ném bom huỷ diệt thị xã và Thành cổ Quảng Trị. Với diện tích chưa đầy 3 cây số vuông, trong 81 ngày đêm, thị xã và Thành cổ Quảng Trị phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sỹ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo. |