Clip: Nguyễn Công Minh thể hiện ca khúc "Tình ca quê hương" qua tiếng sáo
Sinh ra trong một gia đình không có ai theo nghệ thuật song từ nhỏ, Nguyễn Công Minh đã đam mê ca hát, thổi sáo. Cuối năm lớp 9, Công Minh bắt đầu mày mò học thổi sáo và bắt đầu ngày tháng “ăn sáo trúc, ngủ sáo trúc” trong niềm yêu thương da diết những giai điệu quê hương.
Không hề được đào tạo qua trường lớp, Nguyễn Công Minh tự mày mò và học thổi sáo qua mạng Internet
Như một bộ môn nghệ thuật khác, sáo trúc cần phải có một quá trình luyện tập lâu dài và liên tục. Lúc bắt đầu, Minh chỉ mới thổi được một số bản dân ca, làn điệu đơn giản như Bèo dạt mây trôi, Xa khơi.... đến nay, Minh đã lồng ghép được những giai điệu nhạc trẻ sôi động vào trong tiếng sáo của mình.
Minh chia sẻ: “Ngày đầu tập luyện cũng hơi khó khăn, nhưng sau khi tự mày mò trên Youtube hoặc qua các trang mạng xã hội thì em đã tích luỹ được một chút ít kinh nghiệm cho mình.
Sau này khi được biểu diễn văn nghệ ở trường hoặc tại các chương trình, sự kiện thì em đã mạnh dạn soạn lại các bản nhạc cho hay, trẻ trung và hấp dẫn nhưng vẫn đúng tinh thần sáo trúc”.
Phần biểu diễn tiếng sáo của Nguyễn Công Minh tại Đại hội LHTN Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh đã nhận được “cơn mưa” lời khen từ các đại biểu tham dự.
Chàng trai trẻ không hề có kỹ thuật bài bản hay sự định hướng trong âm nhạc, nhưng tiếng sáo của Công Minh ngày càng đẹp, chuẩn hơn không chỉ về nhạc lý mà còn ở nội dung và khả năng truyền tải đến người nghe.
Mỗi khi tiếng sáo của Công Minh vút lên, người ta không chỉ nghe thấy tiếng mênh mang của những giai điệu thể hiện qua nhạc cụ dân tộc mà còn là sự trong trẻo của niềm đam mê bất tận. Cậu không chỉ thổi sáo mà còn chơi đùa, say sưa với những giai điệu, mang đến cho người nghe những thanh âm xuất phát từ tâm hồn, từ trái tim của mình.
“Gia tài” của Công Minh, trong đó hơn nửa là những cây sáo tự làm bằng các vật liệu quen thuộc như ống nứa, cành cây đu đủ...
Tiếng sáo là nhạc không lời nên xưa nay, người ta vẫn mặc định là khó hiểu, khó phổ biến, chỉ dành để biểu diễn chuyên nghiệp. Tuy nhiên, qua những màn biểu diễn văn nghệ của Minh lúc ở trường hay tại các chương trình, sự kiện mà cậu tham gia, số lượng người yêu thích sáo đã tăng lên, đặc biệt là các bạn học sinh.
Ngay từ đầu năm học 12, Nguyễn Công Minh đã thành lập Câu lạc bộ Guitar - Sáo trúc tại Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu và nhận được rất đông sự quan tâm của các bạn trẻ. Hiện tại, CLB của Minh luôn có 25 thành viên cố định thường xuyên tập luyện với nhau vào thứ 2 hằng tuần. Ngoài ra, Công Minh còn thường xuyên dạy sáo cho 10 bạn trẻ tại địa phương vào cuối các buổi chiều mỗi ngày.
Công Minh thành lập CLB Guitar - Sáo trúc ở trường và dạy sáo cho nhiều bạn trẻ tại xã Kỳ Đồng
Trên những triền đê ở thôn 8, xã Kỳ Đồng (huyện Kỳ Anh) vào mỗi buổi chiều, người ta vẫn thường thấy Minh cùng nhóm bạn trẻ trút bầu tâm sự, giải toả stress sau những giờ học căng thẳng qua tiếng sáo hay đơn giản là nhờ thanh âm của nhạc cụ dân tộc để nói hộ tiếng lòng.
Mong ước của chàng trai trẻ chính là đưa sáo trúc đến gần hơn nữa với mọi người, nhất là các bạn trẻ.
“Các bạn trẻ ngày nay thường thờ ơ với âm nhạc truyền thống mà chỉ đam mê những nhạc bản nhạc trẻ, EDM sôi động. Thay vì chê trách, chúng ta cũng có thể thể hiện lại những giai điệu trẻ trung, thú vị ấy qua chính tiếng sáo để thu hút hơn”- Công Minh tâm sự.