Hiệu quả cao, anh Nguyễn Tuấn Anh mở rộng quy mô nhà màng lên 1.250 m2.
Trên vùng đất ven đô Thạch Hạ (Tp. Hà Tĩnh), anh Nguyễn Tuấn Anh (SN 1985) đang mở rộng diện tích dưa lưới từ mảnh vườn nhỏ của gia đình. Dù trên diện tích khiêm tốn nhưng toàn bộ đất trồng đều ứng dụng công nghệ cao bằng hệ thống nhà màng, thủy canh tưới tự động hiện đại…
Đưa chúng tôi tham quan vườn dưa đang vào độ thu hoạch, anh chia sẻ, trồng dưa lưới trong nhà màng tiết kiệm được rất nhiều khâu chăm sóc và ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh phá hoại cây trồng, thời tiết bất thường. Hơn nữa, hệ thống tưới tự động sẽ điều tiết và tưới chính xác cho mỗi cây nên dưa phát triển đồng đều. Cùng với đó, người trồng hàng ngày thực hiện các công đoạn chăm sóc, tỉa lá, cắt ngọn, tỉa quả nhỏ để cây tập trung nuôi quả to.
Sản phẩm dưa lưới trong nhà màng có chất lượng cao, đáp ứng đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu.
Theo anh Anh, trồng dưa trong nhà màng giúp kiểm soát được nhiều yếu tố tác động đến cây trồng như thời tiết, sâu bệnh... Nhờ đó, có thể sản xuất được từ 3 - 4 vụ/năm, giảm chi phí đầu tư, công lao động, tăng năng suất cây trồng gấp nhiều lần so với phương pháp canh tác truyền thống. Đồng thời, sản phẩm đáp ứng đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu.
Thực tế, sau thành công của vụ đầu tiên từ đầu năm 2019, đến nay anh đã sản xuất vụ thứ 2, năng suất mỗi vụ tương đối ổn định và doanh thu đạt gần 30 triệu đồng/vụ/250 m2. Vì vậy, từ 250 m2 ban đầu, hiện anh đang đầu tư hơn 400 triệu đồng để mở rộng quy mô thêm 1.000 m2.
Trồng hoa cúc trong nhà màng đạt lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/1 vụ/500m2.
Tương tự, ông Hồ Sỹ Lưu (thôn Xuân Sơn, xã Bắc Sơn) là một trong những nông dân tiên phong xây dựng nhà màng làm nông nghiệp ở Hà Tĩnh. Ông Lưu chia sẻ, mặc dù đầu tư ban đầu có phần tốn kém song nhà màng mang đến hiệu quả kinh tế rất cao. Chúng tôi không chỉ trồng dưa lưới mà vào vụ cuối trong năm còn trồng hoa cúc. Do đó, dù chỉ trên 1 sào đất, tổng lợi nhuận mỗi năm đạt gần 150 triệu đồng.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng được ứng dụng thành công tại huyện Nghi Xuân.
Tại Hà Tĩnh, mô hình xây dựng nhà màng để sản xuất nông nghiệp được Sở KH&CN Hà Tĩnh và Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà xây dựng thí điểm tại xã Bắc Sơn từ cuối năm 2017 với 5 hộ dân tham gia.
Từ hiệu quả ban đầu, mô hình đã lan tỏa đến rất nhiều địa phương khác như Đức Thọ, Nghi Xuân, Can Lộc, TP. Hà Tĩnh…
Năm 2017, công nghệ nhà màng được ngành KH&CN xây dựng thí điểm thành công tại xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà và sau đó nhân rộng đến nhiều địa phương khác.
Ông Lê Đình Doãn – Trưởng phòng Quản lý Công nghệ (Sở KH&CN) cho biết, đây là những mô hình có hàm lượng khoa học cao cả về kết cấu nhà màng, chọn, nhân giống và quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… Mô hình cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao với ước tính khoảng 200 triệu đồng/1.000 m2.
Ưu điểm lớn nhất của công nghệ nhà màng là có thể loại bỏ được 90% yếu tố mùa vụ, tạo điều kiện canh tác cây trái vụ cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, không phụ thuộc vào thời tiết do có hệ thống điều chỉnh khí hậu. Vì vậy, nhà màng là công nghệ rất phù hợp với một tỉnh nhiều thiên tai như Hà Tĩnh.
Hiện nay, hầu hết các địa phương đều có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng nhà màng.
Hiện tại, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đang được Hà Tĩnh khuyến khích mạnh mẽ. Do đó, hầu hết các địa phương đều xây dựng chính sách hỗ trợ một phần kinh phí cơ sở vật chất cho người dân. Nhiều địa phương hỗ trợ đến hàng trăm triệu đồng/1 mô hình có quy mô trên 1.000 m2.
“Về phía Sở KH&CN, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình nhân rộng mô hình nhà màng, nhà lưới bằng các chính sách hỗ trợ giống, khoa học kỹ thuật nhằm góp phần hiện đại hóa nền nông nghiệp Hà Tĩnh trong thời gian tới” - ông Doãn cho biết thêm.