Mô hình trường học mới VNEN: Thôi cũng dở, ở có xong?

(Baohatinh.vn) - Có vẻ như kế hoạch tiếp tục triển khai phương pháp dạy học theo trường học mới (VNEN) đối với những lớp đã thực hiện thí điểm từ năm học trước không hề đơn giản, bởi sau lễ khai giảng chưa lâu, trước áp lực của các bậc phụ huynh, nhiều trường đã quay về với chương trình giáo dục truyền thống.

Ở những trường học khác, nỗi lo lắng, bức xúc đang âm ỉ, bởi cuộc hành trình dang dở mang tên mô hình trường học mới đang rơi vào tình cảnh “đi cũng dở, ở không xong”.

Hơn 400 lá đơn xin thôi học VNEN

Năm học 2015-2016, Trường THCS Cẩm Trung (Cẩm Xuyên) lựa chọn 77 trên tổng số hơn 200 học sinh (HS) lớp 6 có học lực khá so với mặt bằng chung thành lập 2 lớp 6A1 và 6A2 để thực hiện thí điểm mô hình trường học mới. Đầu năm học 2016-2017, nhà trường đã có bài kiểm tra khảo sát chất lượng chung cho tất cả HS, trong đó có 7 lớp thuộc khối 7 (bao gồm cả 2 lớp VNEN). Kết quả thật đáng buồn khi chất lượng của những em học mô hình trường học mới có sự giảm sút so với HS học chương trình truyền thống. Kết quả ấy là giọt nước làm tràn ly khiến 77 phụ huynh có con học mô hình trường học mới quyết tâm làm đơn kiến nghị nhà trường và cấp trên xin dừng mô hình thí điểm VNEN.

mo hinh truong hoc moi vnen thoi cung do o co xong

Kiểu ngồi bàn tròn không phù hợp vơi những lớp học có sĩ số đông ở Hà Tĩnh, và nhiều người cho rằng sẽ làm học sinh vẹo cột sống, lác mắt khi nhìn bảng.

Ngày 10/9, trong cuộc họp phụ huynh toàn Trường THCS Nam Hồng (TX Hồng Lĩnh), phụ huynh khối 7 đã có đơn kiến nghị gửi nhà trường, phòng, sở, lãnh đạo thị xã đề nghị dừng VNEN. 2 tuần sau khi gửi đơn, một số phụ huynh cũng đã trực tiếp gặp lãnh đạo chính quyền địa phương và đến ngày 24/9, 2 cuộc họp diễn ra liên tiếp trong ngày với sự giám sát của chuyên viên phòng GD&ĐT, đại diện lãnh đạo phường Nam Hồng với các nội dung: lấy ý kiến của HS vào buổi sáng và việc bỏ phiếu của phụ huynh vào buổi chiều đã cho kết quả khách quan. Đó là 91,7% HS muốn chuyển sang chương trình hiện hành; 99,2% phụ huynh đề nghị dừng chương trình VNEN.

Trước đó, tại huyện miền núi Hương Khê, những “con sóng ngầm” phản đối mô hình trường học mới VNEN ở Trường THCS Chu Văn An cũng đã “vỡ bờ” khi 105 phụ huynh có con học thí điểm mô hình trường học mới ở khối 6 (năm nay là khối 7) cũng đã làm đơn kiến nghị gửi lên cấp trên xin dừng hẳn VNEN. Những lá đơn từ miền sơn cước được gửi đi, theo tâm sự của một số phụ huynh thì “đây cũng là điều bất đắc dĩ”, nhưng tất cả là từ thực tế đáng lo ngại, tất cả cũng để giải thoát cho con khỏi chương trình “thí điểm” quá nhiều bất cập.

Sau hơn 1 tháng bước vào năm học mới, từ hàng trăm lá đơn kiến nghị của các bậc phụ huynh và sự đồng tình của HS, đến thời điểm hiện tại đã có 4 trường THCS (Cẩm Trung, Chu Văn An, Nam Hồng, Nam Hà) dừng mô hình thí điểm VNEN. Ở một số trường học khác, có phụ huynh đã chuyển trường cho con để tránh học mô hình VNEN, có nơi đang tiếp tục chuẩn bị những lá đơn để chờ thời cơ lên tiếng...

Ngổn ngang “lội ngược dòng”!

Đầu năm học 2016-2017, không có văn bản chính thức, nhưng Sở GD&ĐT cũng đã phát lệnh “nới lỏng” quy định theo VNEN. Hiểu nôm na, ở những trường đang thực hiện các lớp học theo mô hình trường học mới, tất cả những gì coi là bắt buộc “cứng” ở năm học trước thì nay không nhất thiết phải thực hiện, như: không phải ngồi vòng tròn theo nhóm, không cần phải đập bục giảng, không cần tài liệu và không cần đầu tư cơ sở vật chất. Chẳng biết có phải “lỏng” không, chỉ nhìn ra sự rối rắm, bất nhất trong công tác quản lý, chỉ đạo đã khiến việc dạy và học ở các trường bị đảo lộn.

mo hinh truong hoc moi vnen thoi cung do o co xong

Học sinh THCS Cẩm Trung (Cẩm Xuyên) biểu quyết xin dừng triển khai mô hình trường học mới VNEN.

Một giáo viên THCS ở TP Hà Tĩnh cho biết: “Gần như tất cả đã quay trở lại phương pháp truyền thống. Học trò tuy không lạ lẫm nhưng vẫn ngỡ ngàng, mỗi năm học một cách truyền thụ kiến thức giống như phép thử HS. Điều khó nhất là nếu sắp xếp lớp học theo truyền thống sẽ khó cho việc thảo luận nhóm, còn nếu dạy theo cách thức thể hiện của sách giáo khoa VNEN thì lại phải bàn tròn, không bục giảng...”.

Và còn “cơ man” những rắc rối khác mà cô - trò phải đối mặt vì phương pháp dạy học lúc này đã trở nên “nửa dơi, nửa chuột”. Với học trò thì khỏi phải nói, cứ trải qua ngơ ngác này đến ngơ ngác khác. Em Trần Thị L. - HS ở TP Hà Tĩnh cho hay: “Những môn khoa học tự nhiên học theo sách VNEN mà lại nghe thầy cô giảng theo cách dạy trước đây nên chúng em thấy khó hiểu và khó liên hệ mở rộng bài học”.

Để “sống chung” với tình hình giáo dục hiện tại, một số phụ huynh âm thầm chuyển trường cho con, người thì cương quyết đấu tranh với nhà trường bỏ hẳn để tìm lối đi nhất quán, số còn lại chẳng còn cách nào khác là tìm thầy, tìm cô phụ đạo sau giờ học. Chị Lê Thị Hạnh (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Giáo dục phổ thông là quan trọng nhất. Thế mà, trong 2 năm học, con tôi nhận 2 cách thức giảng dạy. Tôi lo lắm, thế nên, từ năm ngoái đến nay, tôi đã gửi thầy, cô kèm riêng để củng cố kiến thức cho cháu”.

Quyết định dừng thực hiện VNEN đại trà đến khi mọi sự chuẩn bị cho năm học mới đã đâu vào đấy. Những dự tính về huy động nguồn lực để trả nợ cho năm cũ mà trường đầu tư cho VNEN cũng đành phải “ngậm đắng nuốt cay”!

Thầy Nguyễn Trọng Kỳ - Hiệu trưởng Trường THCS Hồ Tùng Mậu (Hương Sơn): “Vì lúc chuyển đổi sang mô hình trường học mới thì HS đã trang bị hết sách hiện hành rồi. Thế nên, để đảm bảo kế hoạch của phòng, trường phải bỏ tiền bù giá sách cho HS, còn sách hiện hành thì đưa vào thư viện trường. Trường hiện còn nợ 40 triệu đồng tiền sách VNEN năm học 2015-2016”.

Bà Trần Thị Thu Hà - Giám đốc Công ty CP Sách & Thiết bị trường học: “Năm học 2016-2017, công ty đã đặt hàng 1 triệu bản sách (20 tỷ đồng) VNEN, đến lúc quyết định dừng triển khai đại trà mô hình trường học mới, công ty đã nhận về 500.000 bản, tương đương 10 tỷ đồng và phần lớn đã phân phối về các trường. Công ty phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng tiền công, tiền vận chuyển để thu hồi sách về đóng thùng gửi trả Nhà xuất bản”.

Ông Nguyễn Văn Đức - phụ huynh học sinh Trường THCS Nam Hà (TP Hà Tĩnh): “Sau 1 năm học mà không chấm điểm, không có bài tập ở nhà nên cháu ngày càng chểnh mảng, không phát huy được tinh thần tự học, còn phụ huynh cũng chẳng có cơ sở để theo dõi, đốc thúc. Vì vậy, tôi đã phải mua thêm một bộ sách chương trình hiện hành để nhờ người kèm cặp cho cháu. Đến ngày 10/10, trường đã chấp nhận đơn dừng mô hình thí điểm VNEN nên chúng tôi vui lắm. Vậy là con đã không còn áp lực phải học song song cả 2 chương trình”.

(Còn nữa)

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.