Nhà khoa học người Mỹ Emily Finn và các đồng nghiệp của bà khi sử dụng phương pháp “hình ảnh hóa thần kinh bộ não” đã đưa ra kết luận: liên kết giữa các phần khác nhau của não bộ có kết cấu ổn định, nghĩa là bản đồ kết nối của chúng không thay đổi trong thời gian dài, và là duy nhất đối với mỗi người.
Các nhà nghiên cứu sử dụng máy chụp cộng hưởng từ fMRI để quét não
Finn nhận thấy: bản đồ các kết nối neuron có thể được dùng để thay thế cho nhận dạng vân tay. Trước kia người ta sử dụng nhiều phương pháp hình ảnh hóa thần kinh não bộ khác nhau để xây dựng các kết nối. Các phương pháp này đều cho phép biểu diễn được cấu trúc, chức năng, các đặc tính sinh hóa của bộ não và so sánh hoạt động não bộ của những cá thể thuộc nhiều nhóm người riêng biệt. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu lại bỏ qua những đặc tính cá nhân của bản đồ neuron thần kinh.
Trong khi nghiên cứu sâu về kết nối thần kinh, Finn và đồng nghiệp đã chứng minh được rằng: các kết nối neuron thuộc những vùng khác nhau của não bộ đều có chung đặc điểm là tính bền vững rất cao, từ đó có thể dùng để phân biệt mạng neuron của cá thể này với cá thể khác, mở ra tương lai cho kỹ thuật nhận dạng và định danh cá nhân một cách nhanh chóng và chính xác.
Trong khuôn khổ dự án “Kết nối con người” do trường đại học Oxford khởi xướng kết hợp với 2 trường đại học Washington và Minnesota, các nhà khoa học đã nghiên cứu bản đồ neuron của 126 tình nguyện viên. “Hình ảnh hóa thần kinh não bộ” được thực hiện khi các tình nguyện viên ở trong trạng thái tĩnh tâm, sau đó là trong lúc kiểm tra cảm xúc, trí nhớ và khả năng ngôn ngữ.
Kết quả là, các nhà nghiên cứu đã thu được hình ảnh của những kết nối neuron, qua đó không khó khăn gì để xác định chính xác từng vùng của bản đồ neuron.
Finn cũng lưu ý rằng các hình ảnh của kết nối thần kinh giữa các thùy trán, thái dương và thùy đỉnh của não cho phép chúng ta xác định mức độ nhạy bén “động” của con người - khả năng giải quyết các vấn đề trước đây chưa từng gặp và ghi nhớ thông tin mới.