Mối lo “phủ bóng” con đường thành nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai thế giới của Việt Nam

(Baohatinh.vn) - Việt Nam đang trên đà vượt Ấn Độ để trở thành nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai thế giới trong năm nay, chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, theo phân tích của tạp chí Nikkei Asian Review, vẫn còn quá sớm để ăn mừng lúc này.

Mối lo “phủ bóng” con đường thành nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai thế giới của Việt Nam

Chiếc áo sơ mi “Made in Vietnam” được trưng bày trong một cửa hàng đặt ở sảnh tòa nhà Trump Tower ở New York, Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Phần lớn hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam là gia công từ nguyên phụ liệu nhập khẩu. Việt Nam hiện đang đạt thặng dư thương mại với Mỹ và “bến đỗ” của gần một nửa số hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam cũng chính là thị trường Mỹ.

Theo tờ tạp chí Nhật Bản, nếu muốn mở rộng ra các thị trường mới nhằm đề phòng sự khó đoán của Mỹ - giữa bối cảnh Tổng thống Donald Trump luôn giữ quan điểm có phần cứng rắn về thương mại toàn cầu, Việt Nam sẽ cần phải thúc đẩy chuỗi giá trị dệt may bằng cách phát triển ngành sản xuất dệt may trong nước.

Sản xuất hàng dệt may là một trong những trụ cột chính của nền kinh tế Việt Nam kể từ thời kỳ đổi mới năm 1986. Ngành dệt may hiện đang giải quyết rất nhiều việc làm cho lao động nông thôn, những người đã rời ruộng đồng để vào làm việc bên trong các nhà máy. Sản phẩm dệt may Việt Nam vươn ra thế giới cũng giúp tạo nên nguồn thu ngoại tệ ổn định.

Việt Nam năm ngoái đã vượt Bangladesh, Đức và Italy để trở thành nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ ba thế giới, với kim ngạch xuất khẩu đạt 36,9 tỷ USD, chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Hàng dệt may xuất khẩu mang thương hiệu “Made in Vietnam” đã tăng gấp 4 lần trong giai đoạn 2007-2017 và có mức tăng bình quân 15% mỗi năm trong vòng 5 năm qua, theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD).

Việt Nam đang trên đà “vượt mặt” Ấn Độ trong năm nay. Theo thống kê, hàng dệt may xuất khẩu đã tăng 16,9% trong 8 tháng đầu năm nay, gấp 2 lần so với cùng kì năm ngoái.

Dệt may là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Đây cũng là lĩnh vực công nghiệp nằm trong top đầu về thuê nhân công. Mặc dù chi phí lao động đang tăng cao, ngành dệt may Việt Nam vẫn thu hút 2,7 triệu lao động tham gia, chiếm hơn 20% lao động trong khu vực công nghiệp và gần 5% tổng lực lượng lao động cả nước, theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas).

Bên cạnh chính sách mở cửa nền kinh tế của chính phủ, tiến trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (dự kiến phê chuẩn cuối năm nay) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giúp đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dệt may của Việt Nam tăng vọt.

Theo Vitas, trong tổng số tiền 15,7 tỷ USD nước ngoài đầu tư vào ngành dệt may của Việt Nam từ năm 1998 đến nay, khoảng một nửa trong số đó được đầu tư trong vòng 5 năm qua.

Mặc dù đạt được những thành tựu ấn tượng nhưng ngành dệt may Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các khó khăn, thách thức. Các doanh nghiệp dệt may trong nước đa phần làm gia công và phải nhập khoảng 70-80% nguyên phụ liệu từ nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc). Phần lớn hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam được thực hiện theo phương thức cắt - ráp - hoàn thiện. Điều này cho thấy Việt Nam đang rất mạnh trong khâu cuối cắt - may còn lĩnh vực kéo sợi, dệt, nhuộm thì lại đang rất yếu.

Theo số liệu thống kê, chỉ có khoảng 1/3 giá trị hàng hóa thành phẩm dệt may được tạo ra trong nước. Mặc dù tỷ lệ này vẫn lớn hơn so với ngành sản xuất điện thoại thông minh và đồ điện tử (20%), nó phản ánh những hạn chế của doanh nghiệp trong nước khi tham gia vào chuỗi giá trị hàng dệt may.

Không phải Việt Nam không có các nhà đầu tư muốn xây dựng các nhà máy hoạt động trong lĩnh vực dệt và nhuộm, tuy nhiên những lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường khiến cho quá trình cấp phép sản xuất gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, theo Nikkei Asian Review, Việt Nam cũng cần nội địa hoá sản xuất nguyên liệu đầu vào vì trong mọi trường hợp, lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may làm gia công sẽ phải chịu nhiều áp lực khi chi phí lao động tăng lên.

(Theo Nikkei Asian Review)

Đọc thêm

Truyện cười: Vé số

Truyện cười: Vé số

Một bà vợ hay ngoại tình, mỗi lần như vậy bà ta nói với chồng: “Em trúng xổ số nên hôm nay nhà mình ăn tươi”. 
Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Khi Lionel Messi đăng đàn phản ứng với phát biểu của Eric Abidal, thành viên BLĐ Barcelona, đó như giọt nước mắt của một thằng hề.
Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, các địa phương ở Hà Tĩnh đã tập trung triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm chủ động phòng ngừa và đối phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

Từ ngày 4/2, Bệnh viện Đa khoa Nghi Xuân mở thêm Phòng khám Nhi khoa do các bác sỹ đến từ Bệnh viện Nhi trung ương đảm nhận. Đây là một trong những nội dung thuộc dự án “Đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhi khoa ban đầu" tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân gian đoạn 2019 – 2021.
5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

Sau khi đã qua 30 ngày có dịch tả lợn châu Phi (tính đến đầu tháng 12/2019), gần đây trên địa bàn Hà Tĩnh, dịch bệnh lại tái phát tại 5 xã thuộc 3 huyện, buộc phải tiêu hủy 58 con lợn ốm chết.