Núi Hồng - Sông La

“Một đời góp nhặt” của Nhà giáo Nhân dân Bùi Thân

Một đời tận tụy, “góp nhặt” từng con chữ, Nhà giáo Nhân dân Bùi Thân (SN 1931), trú thôn La Xá, xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã để lại một “kho tàng” tri thức cho con cháu và thế hệ trẻ mai sau.

“Một đời góp nhặt” của Nhà giáo Nhân dân Bùi Thân
“Một đời góp nhặt” của Nhà giáo Nhân dân Bùi Thân

Trong ngôi nhà nhỏ đang nép mình giữa sự sầm uất của cuộc sống hiện đại, chúng tôi gặp Nhà giáo Nhân dân Bùi Thân - người được coi là “cây đại thụ” của ngành giáo dục Hà Tĩnh. Dù năm nay đã bước sang tuổi 92 song thầy vẫn còn minh mẫn, đôi mắt toát lên sự thông tuệ.

Khi nhắc đến khoảng thời gian gắn bó với sự nghiệp giáo dục, bao nhiêu kỉ niệm lại trở về đầy ắp qua lời kể tâm huyết của thầy. Thầy Thân sinh ra và lớn lên bên bến Tam Soa, là người con của làng khoa bảng Đông Thái (xã Tùng Ảnh, Đức Thọ). Thân phụ thầy là người có học hành, chữ nghĩa, đậu tú tài...

“Một đời góp nhặt” của Nhà giáo Nhân dân Bùi Thân

Thầy Thân quê ở làng khoa bảng Đông Thái (Tùng Ảnh, Đức Thọ) - vùng quê địa linh nhân kiệt đã sinh ra những danh nhân làm rạng danh quê hương, đất nước.

“Một đời góp nhặt” của Nhà giáo Nhân dân Bùi Thân

Chính gia đình và truyền thống quê hương đã hun đúc trong tâm hồn chàng thanh niên trẻ Bùi Thân bấy giờ lòng yêu quê tha thiết và khát khao lớn lên sẽ trở thành thầy giáo để truyền con chữ cho học sinh nghèo, góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp. Thế nhưng, khi thầy mới 13 tuổi, cha mất, hoàn cảnh gia đình gặp nhiều biến cố, thầy phải bỏ học giữa chừng khi vừa học hết chương trình Đệ nhất trung học (lớp đầu của bậc THCS) để lao động kiếm sống.

Dẫu vậy, với tính ham học, ngoài thời gian làm thuê, thầy Thân chăm chỉ học tập và được vào học tại Trường Sư phạm cấp tốc Hà Tĩnh. Thầy Thân nhớ lại: “Mùa thu năm 1949, sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm cấp tốc Hà Tĩnh, tôi bắt đầu thực hiện những bước đi đầu tiên trong sự nghiệp trồng người của mình, đó là dạy học ở Trường Tiểu học Quang Lĩnh (nay là Trường Tiểu học Thạch Trung, TP Hà Tĩnh). Sau 2 năm, tôi được chuyển về dạy ở Trường phổ thông Cấp 1 Thăng Bình 2, xã Thạch Tân (nay là Trường Tiểu học Tân Lâm Hương 1, huyện Thạch Hà). Những dấu mốc ấy đọng mãi trong tâm thức và ký ức của tôi”.

“Một đời góp nhặt” của Nhà giáo Nhân dân Bùi Thân

Trong thời gian theo đuổi sự nghiệp giáo dục, thầy Thân đã giảng dạy qua nhiều cấp, giữ nhiều chức vụ trong ngành.

Bằng sự nỗ lực phấn đấu của bản thân, chỉ sau thời gian ngắn, thầy Thân được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường phổ thông cấp 1 Thăng Bình 2. Đến tháng 9/1959, thầy được điều về làm cán bộ phụ trách chuyên môn cấp 1 của Ty Giáo dục Hà Tĩnh (1959 - 1962).

Sau 4 năm công tác tại đây, tháng 9/1963, thầy được điều động về công tác ở Trường Cấp 2 Thạch Việt (nay là Trường THCS Nguyễn Thiếp, xã Việt Tiến, Thạch Hà). Thời gian này, thầy vừa trực tiếp lên lớp vừa đảm nhiệm Tổ trưởng Tổ khoa học xã hội.

Video: Nhà giáo Nhân dân Bùi Thân chia sẻ về những cống hiến cho ngành giáo dục

“Một đời góp nhặt” của Nhà giáo Nhân dân Bùi Thân

Từ tháng 9/1967 - tháng 8/1989, thầy Thân được bầu giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông Cấp 1, 2 Thạch Linh (nay là Trường THCS Thạch Linh, TP Hà Tĩnh). Khoảng thời gian công tác tại đây, thầy Thân đã đầu tư công sức xây dựng trường trở thành lá cờ đầu của ngành giáo dục tỉnh nhà. Đặc biệt, thư viện trường kiểu mẫu do thầy Thân đầu tư công sức, trí tuệ và tâm huyết trở thành mô hình học tập cho các trường học trên địa bàn tỉnh...

Đến tháng 9/1989, thầy được điều động về làm Hiệu trưởng Trường phổ thông Cấp 1 Thăng Bình 2, cho đến năm 1991 thì nghỉ hưu. Trải qua nhiều môi trường công tác nhưng dù ở đơn vị nào và làm nhiệm vụ gì, thầy Thân cũng luôn gương mẫu, nhiệt tình và tâm huyết với nghề. Nhiều học trò của thầy khi trưởng thành đã đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong cơ quan nhà nước hay trở thành những doanh nhân thành đạt, nhà giáo giỏi, những y, bác sỹ tài năng...

“Một đời góp nhặt” của Nhà giáo Nhân dân Bùi Thân

Nhớ về những tháng ngày trên bục giảng, gắn bó với bảng đen, phấn trắng, trong lòng Nhà giáo Nhân dân Bùi Thân vẫn rưng rưng một nỗi niềm khó tả. “Với tôi, dạy học là một “mệnh lệnh” từ trái tim mà tôi phải là người đi đầu, bước trước. Dù nay đã ở cái tuổi “gần đất xa trời” nhưng những ngày tháng đó với tôi vẫn như mới còn hôm qua. Nhìn lại sự phát triển của giáo dục Hà Tĩnh như ngày hôm nay, trong đó có một phần đóng góp nhỏ bé của mình, tôi hãnh diện và tự hào vô cùng” - thầy Thân chia sẻ.

“Một đời góp nhặt” của Nhà giáo Nhân dân Bùi Thân

Trong căn phòng làm việc được bài trí đơn giản, những kệ, tủ sách được sắp xếp, gói ghém cẩn thận và những tấm huân chương, bằng khen, giấy khen... về sự nghiệp giáo dục mà thầy Thân đã gặt hái được. Suốt 42 năm công tác trong ngành, thầy Thân luôn tự mình rèn ý thức tự học với phương châm gói gọn trong 3 chữ: “đọc, đi và ghi”.

“Một đời góp nhặt” của Nhà giáo Nhân dân Bùi Thân

Cũng chính vì lẽ đó mà dù thời gian đã phủ nhuộm mái tóc bạc màu nhưng ánh mắt của thầy Thân vẫn luôn rực sáng ngọn lửa nhiệt huyết và đam mê với sách. Đều đặn mỗi ngày, thầy dành từ 3-4 giờ đọc sách, báo. Những gì cần nhớ phục vụ cho giảng dạy, thầy ghi lại vào tập sách nhỏ theo từng bộ môn như: Văn học, Địa lý, Lịch sử...

Thầy cũng là người đam mê nghiên cứu khoa học với các đề tài như: cải tiến phương pháp giảng dạy lớp 1; biên soạn lịch sử giáo dục Hà Tĩnh; giảng dạy khoa học thường thức... Trong đó, đề tài giảng dạy khoa học thường thức được báo cáo tại hội thảo các nước nói tiếng Pháp khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

“Một đời góp nhặt” của Nhà giáo Nhân dân Bùi Thân

Dù đã ở tuổi 92 nhưng thầy Thân vẫn say mê viết sách.

Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, song thầy Thân vẫn cố gắng bắt nhịp thời đại, sử dụng thông thạo máy tính để đọc báo, lướt web và “chat” với bạn bè, học trò qua Facebook. Bởi với thầy, nghỉ hưu không có nghĩa là nghỉ làm việc. Mọi diễn biến đời sống đều được thầy cập nhật thường xuyên.

Thầy Thân chia sẻ: "Tôi rất tâm đắc với 2 câu thơ của nhà thơ Huy Cận: “Cây cổ thụ không về hưu với đất/ Người về hưu không hưu trí với đời”. Chính vì lẽ đó, với tôi, còn sống là còn cống hiến”.

“Một đời góp nhặt” của Nhà giáo Nhân dân Bùi Thân

“Một đời góp nhặt” của Nhà giáo Nhân dân Bùi Thân

Thầy Thân cho biết: “Với tôi, sách là người bạn tri âm. Hồi còn sức khỏe, còn có thể đi công tác hay tham quan, tôi đều tranh thủ ghi chép thu thập tư liệu, bổ sung vào gần 100 bộ sưu tập của mình. Dẫu nhiều năm sống trong thời bao cấp hay chiến tranh vô cùng thiếu thốn, tôi vẫn dành dụm tiền mua sách phục vụ cho việc giảng dạy. Đến nay, tủ sách cá nhân của tôi đã có trên 3.000 đầu sách và nhiều tư liệu quý”.

Với kho tư liệu ấy, thầy Thân luôn miệt mài nghiên cứu và viết sách, nhiều cuốn sách của thầy đã được xuất bản như: Giảng dạy lịch sử địa phương (1984); Sách dành cho cha mẹ có con vào lớp 1 (1993); Một đời góp nhặt (2020)... Và hiện tại, thầy vẫn đang ấp ủ, nghiên cứu, hoàn thiện bản thảo “Câu đối đó đây” và có thể xuất bản vào cuối năm nay.

“Một đời góp nhặt” của Nhà giáo Nhân dân Bùi Thân

Với thầy Thân, nghỉ hưu không có nghĩa là nghỉ làm việc.

Trong câu chuyện với chúng tôi, thầy Thân luôn tâm đắc cuốn “Một đời góp nhặt” với một ánh mắt hoài niệm. Thầy Thân chia sẻ: “Một đời góp nhặt” là cuốn sách chất chứa những gì tôi “góp nhặt” suốt một đời cống hiến vì sự nghiệp giáo dục của mình. Nó tựa như kỷ yếu về cuộc đời, về những năm tháng giảng dạy và hoạt động xã hội của tôi. Và đó cũng chính là “dấu mốc” lớn nhất trong cuộc đời tôi khi bước vào tuổi 90”.

Cuốn sách "Một đời góp nhặt” dày gần 500 trang; qua những câu chuyện ngắn gọn, súc tích kể về cuộc đời của mình, Nhà giáo Nhân dân Bùi Thân đã cho người đọc cảm nhận những giá trị cuộc sống, sự bản lĩnh, kiên cường vượt qua mọi khó khăn để sống vui, có ích cho gia đình và xã hội.

“Một đời góp nhặt” của Nhà giáo Nhân dân Bùi Thân

Cuốn sách “Một đời góp nhặt” của Nhà giáo Nhân dân Bùi Thân dày gần 500 trang.

“Một đời góp nhặt” của Nhà giáo Nhân dân Bùi Thân

Ở cuối sách, Nhà giáo Nhân dân Bùi Thân đã gửi gắm tâm nguyện, mong muốn cái tên của mình luôn được khắc ghi trong lòng con cháu. “Khi đó, con cháu có thể hỏi: Ông “ra đi” để lại cái gì? Tôi sẽ nói rằng: Cha chắt chiu, gom góp suốt đời chỉ có một tài sản duy nhất để lại cho các con, đó là CÁI TÊN của một người trai đã sống trên đời”. (trích trang 479, cuốn "Một đời góp nhặt").

Bằng những cố gắng không ngừng nghỉ của mình cho sự nghiệp giáo dục, thầy Thân đã ba lần vinh dự được nhận Giải thưởng Bác Hồ (năm 1972, 1974, 1975); được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất (năm 1976).

“Một đời góp nhặt” của Nhà giáo Nhân dân Bùi Thân

Với thầy Thân, phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời chính là được cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Ngoài ra, thầy còn được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và 1 năm sau được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đặc biệt, năm 2010, thầy được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Dẫu vậy, với thầy Thân, phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời chính là được cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

“Một đời góp nhặt” của Nhà giáo Nhân dân Bùi Thân

Tuổi xế chiều, thầy Thân sống an nhiên, hạnh phúc cùng gia đình và bên những tủ sách, khu vườn nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Ninh - Chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà) chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi, ai cũng đều biết đến thầy Thân - một nhà giáo luôn tận tụy, hết mình vì sự nghiệp trồng người. Dù tuổi đã cao nhưng thầy vẫn có nhiều đóng góp tích cực cho ngành giáo dục Hà Tĩnh và địa phương. Chính nhân cách, lối sống gần gũi của thầy đã tô đẹp thêm hình ảnh người giáo viên nhân dân luôn miệt mài bên mỗi chuyến đò”.

Trình bày: Thanh hà

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…