Hiền là du học sinh Hà Tĩnh ở Venice, Italy. (Ảnh: NVCC)
Đặng Hiền vừa sang Italy được một tháng, hiện là sinh viên trường Đại học Ca’Foscari Venezia ở thành phố Venice, thủ phủ của vùng Veneto. Cô gái trẻ chưa kịp thích nghi với cuộc sống ở châu Âu đã phải làm bạn với bốn bức tường. Hai bạn nữ cùng phòng người Việt Nam cũng chung cảnh ngộ như Hiền.
Nữ du học sinh Hà Tĩnh kể, nếu như mấy ngày trước chỉ có toàn bộ vùng Lombardy và một phần vùng Veneto, Piedmont, Emilia-Romagna và Marche được xếp vào nhóm “vùng đỏ” bị hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 thì giờ đây, lệnh phong tỏa đã được áp dụng trên toàn quốc.
Các địa phương Italy nằm trong “vùng đỏ” bị hạn chế đi lại trước lệnh phong tỏa toàn quốc hôm 9/3. (Đồ họa: CNN)
Một ngày mới của Hiền giờ đây bắt đầu từ 8h sáng, muộn hơn hai tiếng so với những hôm trước. Sau khi vệ sinh cá nhân, thay vì chuẩn bị đồ đạc, tư trang lên giảng đường, cô gái trẻ mở mạng xã hội, gọi về cho người thân ở Việt Nam hỏi thăm và thông báo về tình hình dịch bệnh, sức khỏe để người nhà an tâm.
Kết thúc cuộc trò chuyện hơn 10 phút, Hiền vẫy tay chào bố mẹ, hứa sẽ chăm chỉ, cố gắng học thật tốt. Cô gái sau đó tắt máy, cùng hai người bạn trong phòng chuẩn bị bữa ăn giữa buổi lúc 10h, là những món đồ ăn sẵn như bánh mỳ, spaghetti (mỳ Ý) đã tích trữ từ nhiều ngày trước khi có lệnh phong tỏa.
Một số bữa ăn do Hiền và các bạn chuẩn bị. (Ảnh: NVCC)
“Chân ướt chân ráo sang Italy, những ngày đầu khi dịch bệnh hoành hành, mình hụt hẫng và lo lắng, hoang mang. Sau khi hít một hơi dài lấy lại tinh thần, mình nghĩ đây chỉ là một điều không may thôi, cần phải vững tâm và thích nghi với hoàn cảnh để đối mặt với thực tại”, Hiền nói.
Ăn xong, Hiền mở máy tính ôn bài. Cô gái 22 tuổi kể trường Ca’Foscari Venezia đã tạm thời đóng cửa, chuyển sang hình thức học trực tuyến và thảo luận từ xa hơn một tuần nay. Để kịp tiến độ chương trình, các sinh viên trong trường phải làm báo cáo và chuẩn bị cho bài thi cuối kỳ.
Trong lúc ôn bài trực tuyến, thỉnh thoảng Hiền tranh thủ lên Facebook trò chuyện với những người bạn đang sống ở Việt Nam, và làm quen thêm nhiều bạn mới ở Italy để dần thích nghi với văn hóa tại đây. Hiền xác định cần có tư tưởng thoải mái, thay vì lo lắng bận tâm về dịch, hãy để thời gian quý giá đó làm những việc có ích.
Khoảng 14h, Hiền lên giường chợp mắt. Theo Hiền, nếp sống của người châu Âu là ít ăn trưa, chỉ ăn lúc giữa buổi, thay cho cả buổi sáng và trưa. Cô và các bạn cũng đang tập thích nghi với phong cách ấy. “Hàng ngày chỉ quanh quẩn trong phòng, cũng không phải đi lại và lao động nhiều, nên mình không đói. Lúc nào cảm thấy ruột cồn cào thì ăn chiếc bánh mỳ lúc giữa chiều là đủ”, nữ du học sinh cho hay.
Theo cô gái quê Cẩm Xuyên, dù rất thèm các món ăn Việt Nam nhưng thời điểm này không đủ nguyên liệu chế biến, vì những loại thực phẩm đó chỉ bán ở trung tâm thành phố, rất khó để mua vì lệnh phong tỏa không thể di chuyển. Trước đây, cô và các bạn đi siêu thị mỗi tuần một lần để mua đồ ăn, giờ chuyển hẳn sang mua hàng online. Rất may một số hệ thống siêu thị ở Italy nhận giao hàng tận nhà nên rất tiện.
Giấc ngủ buổi trưa của Hiền khoảng 1 tiếng, cô tỉnh dậy lúc hơn 15h. Sau quãng thời gian ôn bài, Hiền cùng hai người bạn cùng dùng thức ăn sẵn có trong tủ để chế biến ra một số món ăn dùng cho buổi tối. Để tránh bị mệt mỏi và sức ì khi ngồi một chỗ quá lâu, Hiền thường rủ bạn tập thể dục trong phòng, đọc sách, chơi đàn và xem phim.
“Trong phòng có cô bạn biết xem bói bài Tarot. Mỗi khi bạn ấy “trổ nghề”, cả nhóm túm lại xem rất vui. Tầm 18h30, ba cô gái ngồi quây quần lại ăn tối. Khi truyền thông trong nước cập nhật các thông tin, diễn biến mới nhất về dịch Covid-19, bọn mình cùng nhau đọc và bàn luận sôi nổi”, Hiền tâm sự.
“Thành phố của các kênh đào” Venice nơi Hiền đang sống là điểm du lịch nổi tiếng thế giới. Mặc dù ở vùng ngoại ô, nhưng trước khi dịch Covid-19 bùng phát, các con đường ở đây thường xuyên nhộn nhịp người và phương tiện giao thông qua lại. Khi lệnh phong tỏa được ban hành, mọi thứ đột nhiên trở nên vắng vẻ lạ kỳ. Nhà chức trách địa phương khuyên mọi người hạn chế ra đường và tương tác với người khác nhằm hạn chế sự lây lan của virus.
Hiền đi chơi Lễ hội hóa trang Carnival nổi tiếng ở Venice trước khi có lệnh phong tỏa. (Ảnh: NVCC)
Hiền cho biết thêm, để phòng dịch, bà chủ trọ đã cung cấp thêm nước rửa tay sát khuẩn và đều đặn vào thứ Năm hàng tuần đến giúp nhóm của cô dọn dẹp nhà một lần. “Mỗi lần đến, bà chủ sẽ sử sử dụng cồn để lau dọn phòng bếp, phòng ngủ, cửa sổ, nhà tắm, thay hết ga, gối, vỏ chăn. Điều này khiến mình rất an tâm”, Hiền nói.
Sống trong lệnh phong tỏa, nữ sinh Hà Tĩnh chia sẻ cảm giác mỗi ngày trôi qua thật nhanh. Trước khi tắt máy tính đi ngủ lúc 22h, trong tiềm thức của Hiền luôn hy vọng bằng ý thức của mỗi người dân, Italy và các quốc gia trên thế giới sẽ sớm đẩy lùi được dịch Covid-19, để mọi hoạt động thường ngày được trở về như vốn có.
Italy hiện là ổ dịch Covid-19 lớn thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc. 21 vùng tại Italy đã ghi nhận trường hợp dương tính với virus corona chủng mới SARS-CoV-2, với hơn 10.100 ca nhiễm và hơn 630 ca tử vong.
Thủ tướng Italy Guiseppe Conte ngày 9/3 ký thông qua luật yêu cầu dân chúng ở nhà đến ngày 3/4, dừng di chuyển trên toàn quốc trừ lý do khẩn cấp hoặc vấn đề sức khỏe. Mọi hoạt động tập trung đông người bị cấm và toàn bộ trường học phải lập tức đóng cửa. Lệnh phong tỏa ảnh hưởng đến khoảng 60 triệu người đang sinh sống ở Italy, trong đó có cả những du học sinh Việt Nam.