Khoảng 3 năm trở lại đây, thảo nguyên Suôi Thầu, thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, được ví như “Thụy Sĩ thu nhỏ” của Hà Giang.
Suôi Thầu nằm ở độ cao 1.200 m so với mực nước biển, thuộc xã Nàn Ma, nơi kết nối huyện Xín Mần (Hà Giang) với huyện Bắc Hà (Lào Cai). Thảo nguyên rộng hơn 90 ha, cách thị trấn Cốc Pài gần 5 km.
Mỗi mùa, thảo nguyên lại khoác lên mình những mảng màu khác nhau. Mùa xuân, hoa cải vàng nở rộ. Mùa hè là sắc xanh của nương ngô, ruộng lúa, đồng cỏ. Mùa thu là thời điểm Suôi Thầu đẹp và rực rỡ nhất với sắc trắng hồng của hoa tam giác mạch xen lẫn những hàng sa mộc vươn cao.
Du khách có thể nhìn thấy quang cảnh các xã Pà Vầy Sủ, Chí Cà, Thèn Phàng, Cốc Rế, thị trấn Cốc Pài hay dòng sông Chảy uốn quanh ba phía của thảo nguyên.
Tam giác mạch là loài hoa đặc trưng, báo hiệu Hà Giang vào mùa đẹp nhất trong năm. Hoa nở thành chùm, cánh hoa chụm lại thành hình chóp nón, ban đầu có màu trắng, phớt hồng. Đến cuối mùa, khi không khí lạnh bao trùm, những cánh hoa chuyển sang màu tím hồng, sắc độ đậm hơn.
Không chỉ mang đến vẻ đẹp cho Hà Giang, hoa tam giác mạch còn được sử dụng như một loại lương thực, làm thành bánh hay một số món ăn địa phương khác.
Khi biết hoa tam giác mạch đã nở, anh Nguyễn Công Uy (33 tuổi, Hà Nội) đã đến Suôi Thầu để lần đầu tiên được tận mắt ngắm nhìn loài hoa nổi tiếng nhất của vùng cao nguyên đá. Từ Hà Nội, anh đi xe khách đến TP Hà Giang và thuê xe máy cùng bạn đến Suôi Thầu. Quãng đường từ TP Hà Giang đến đây khoảng 140 km.
Sau 7,5 tiếng di chuyển, anh đến chân núi Suôi Thầu. Lúc đó trời mưa lớn, đường đất lầy lội và mây mù dày đặc, anh nghỉ chân tại một quán cà phê. Đến khoảng 16h30 mưa tạnh, trời hửng nắng, anh có hơn một giờ để đi dạo, chụp ảnh và chiêm ngưỡng vẻ đẹp mộng mơ của thảo nguyên vào mùa hoa tam giác mạch.
Lần đầu đến Suôi Thầu ngắm hoa tam giác mạch, Uy bị ấn tượng bởi phong cảnh vừa rực rỡ vừa dịu dàng. “Tam giác mạch trắng hồng, lúa, ngô chín vàng hoà với màu xanh của thiên nhiên núi rừng, những cây sa mộc vươn cao tạo nên khung cảnh thơ mộng”, anh nói.
Dù đã đi nhiều nơi ở vùng núi phía Bắc nhưng anh cho biết, chưa nơi nào mang lại cho anh cảm giác nhẹ nhàng, nên thơ như vậy. Phải đến tận nơi nhìn ngắm mới hiểu vì sao người ta gọi Suôi Thầu là “Thụy Sĩ thu nhỏ”, khung cảnh thiên nhiên cực kỳ yên bình như trong truyện cổ tích.
Vào cuối mùa khi sắp tàn, những sắc hoa trắng hồng chuyển sang màu đỏ thẫm. Đây là thời điểm cánh đồng hoa tam giác mạch ở Suôi Thầu vào độ đẹp nhất, màu sắc rực rỡ, rõ nét dưới những màn sương mù bay lơ lửng.
Vũ Đăng Phượng (26 tuổi, Thái Bình) là hướng dẫn viên có 6 năm kinh nghiệm dẫn khách đến Hà Giang. Phượng cho biết Suôi Thầu thường bước vào mùa hoa tam giác mạch sớm hơn các nơi khác. Năm nay, mùa hoa bắt đầu từ khoảng đầu tháng 9 và kéo dài đến khoảng cuối tháng 10.
Hoa tam giác mạch nở vào tháng 10 đến tháng 12. Nếu bỏ lỡ mùa hoa tam giác mạch ở Suôi Thầu, du khách có thể đến một số địa phương khác như Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn.
Dù thu hút lượng lớn khách du lịch trong vài năm gần đây, Suôi Thầu vẫn là thảo nguyên hoang sơ, chưa có nhiều dịch vụ, tiện ích. Anh Uy và nhóm bạn chủ yếu đi dạo xung quanh để chụp ảnh. Từ chân núi lên đến đỉnh có một số quán cà phê để du khách nghỉ chân và lưu trú.
Giá dịch vụ tại đây tương đối mềm. Chi phí cho chuyến đi trong hai ngày của anh Uy là khoảng hai triệu đồng, bao gồm xe khách hai chiều khoảng 500.000 đồng một người, chi phí thuê xe máy khoảng 250.000 đồng một xe một ngày, còn lại là chi tiêu cá nhân và tiền phòng nghỉ.
Trên quãng đường từ TP Hà Giang đến Suôi Thầu, đoạn đường tỉnh 177 đang thi công, nhiều bùn đất, sỏi đá, du khách lưu ý tránh đi vào đây. Nếu xuất phát từ Bắc Quang hoặc Bắc Hà đến Suôi Thầu, khoảng cách sẽ ngắn hơn. Đồng thời, du khách nên kiểm tra dự báo thời tiết trước khi đi, tránh đi vào ngày mưa vì đường đèo, núi nguy hiểm, đặc biệt với những người tay lái yếu.
Suôi Thầu được đánh giá sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn của huyện Xín Mần với các loại hình du lịch tiềm năng như cắm trại, xe đạp địa hình, dù lượn và du lịch nông nghiệp. Chính quyền địa phương đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ tiếp tục đẩy mạnh khai thác Suôi Thầu bằng cách đầu tư xây dựng thêm các cơ sở cung cấp dịch vụ lưu trú, dịch vụ du lịch, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho cộng đồng địa phương, theo trang thông tin điện tử Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang.