Vách đồi dựng đứng nằm ngay phía sau nhà đang khiến bà Lê Thị Hảo ở tổ dân phố 6, thị trấn Vũ Quang bất an trong những ngày mưa gió kéo dài.
Mùa mưa lụt trước, nhà bà Lê Thị Hảo ở tổ dân phố 6, thị trấn Vũ Quang đã bị đất đá từ quả đồi phía sau sạt lở tràn vào. Tuy may mắn không ảnh hưởng đến người nhưng đã làm gia đình bà một phen khiếp đảm, hư hại nhiều tài sản, phải mất nhiều công sức dọn đất đá. Biết là mất an toàn nhưng chẳng biết làm sao bởi khu đồi phía sau là vùng đồi trồng cây ăn quả lâu năm của gia đình khác, không thể can thiệp.
Gia đình bà Lê Thị Hảo luôn bất an, thấp thỏm khi đến mùa mưa lũ, nhất là trong mấy ngày mưa lớn gần đây. Bởi ngay phía sau nhà, vẫn là vách đồi dựng đứng, đất ngấm nước mưa đã mềm, các vết lở cũ rất dễ bị cuốn trôi tiếp, nguy cơ sạt lở có thể xẩy ra bất cứ khi nào...
Đất đá từ đồi sạt lở xuống huyện lộ 552 (Vũ Quang) gây ảnh hưởng lớn đến giao thông và an toàn đối với người dân
Cách đó chưa đầy 100m, sáng ngày 4/9, trên trục huyện lộ 552 cũng đang xẩy ra một điểm sạt lở đất đồi. Tại hiện trường, đất, đá, nước từ một khu đồi trọc chảy xuống mặt đường.
Đá sỏi đổ xuống đã làm cho một xe tải cỡ nhỏ mất lái, lao ra lề đường, rơi xuống rãnh nước không thể di chuyển. Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiên qua lại, một số công nhân đã phải dọn dẹp, khắc phục sự cố trong trời mưa tầm tã.
Mưa to làm sạt lở đất đá trên đường Hồ Chí Minh, đoạn giáp ranh giữa huyện Hương Khê và Vũ Quang (ảnh chụp lúc 10h ngày 4/9/2019)
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có mưa to kéo dài, gây lũ lụt, ngập úng, làm nền đất nhão nên nguy cơ sạt lở rất cao.
Đặc biệt, trên địa bàn các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang và một số địa phương khác với hàng trăm điểm lớn nhỏ đang phải đối diện với nguy cơ mất an toàn.
Con đường vận xuất keo nguyên liệu bị nước cuốn theo đất đá trôi xuống chân đồi và trục đường chính, gây sạt lở (ảnh chụp ở Phú Gia, Hương Khê)
Trước thực trạng này, trong các phương án phòng chống thiên tai, kế hoạch bảo vệ dân và tài sản trong mưa lũ, các địa phương đã đặc biệt tập trung chỉ đạo và xem đây là một trong những vấn đề cần phải được quan tâm nhất.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc phòng chống sạt lở hiện gặp rất nhiều khó khăn, khó có thể kiểm soát chặt chẽ được tình hình và hạn chế thiệt hại do sạt lở đất đá.
Những quả đồi bị "gọt trước, đẽo sau" để làm đường giao thông, nhà ở nên khi mưa lớn thì có thể sụt lún theo bất cứ hướng nào (ảnh chụp ở thôn 7, xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang)
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngoài thiên tai diễn biến bất thường thì nguyên nhân dẫn đến nguy cơ sạt lở đất tăng, nguy cơ mất an toàn lớn là do: đồi núi đã bị "cạo trọc" để trồng cây ăn quả, trồng rừng nguyên liệu, dẫn đến tầng đất phủ bề mặt bị tác động nghiêm trọng.
Người dân miền núi thường có thói quen sinh sống gần sông suối để tiện cho sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi, trong khi đây là những nơi tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao nhất; một số hộ bất chấp an toàn đã cải tạo, đào múc chân đồi để làm nhà ở...