Đồi núi được bao phủ bởi màu vàng rực của những quả cam vào độ chín
Ươm vàng đồi núi...
Cuối năm, về xã Hương Đô (Hương Khê) - “thủ phủ” của thương hiệu cam Khe Mây nức tiếng, trước mắt chúng tôi là bát ngát đồi cam được bao phủ bởi màu vàng rực, chín mọng. Cận tết cũng là lúc các vườn cam rộn ràng bởi thương lái khắp nơi tấp nập ra, vào mua hàng, còn nhà vườn tất tả vào cao điểm mùa thu hoạch.
Dẫn chúng tôi đi giữa vườn cam rực sắc vàng, ông Đinh Văn Nhâm - Giám đốc Hợp tác xã Cam Khe Mây Long Nhâm phấn khởi: “Với 68 ha cam của 29 hộ thành viên, sản lượng cam hợp tác xã đưa ra thị trường tết năm nay đạt hơn 700 tấn, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Chất lượng đảm bảo, mỗi quả cam trước khi đưa ra thị trường đều dán tem truy xuất nguồn gốc nên được giá hơn”.
Vườn cam của ông Đinh Văn Nhâm - Giám đốc Hợp tác xã Cam Khe Mây Long Nhâm năm nay đạt hơn 700 tấn
Các nhà vườn cho biết, để có được vườn cam đạt sản lượng, chất lượng cao, người trồng luôn phải có mặt ở vườn để cắt tỉa, điều tiết tỷ lệ hoa ngay từ đầu. Năm nay, hạn hán kéo dài, sau đó lại mưa triền miên nên việc chăm sóc thêm phần vất vả.
Giữa đồi núi bạt ngàn, từng gốc cam được người trồng tỉ mẩn chăm sóc, “mắc màn” để tránh côn trùng tấn công… mới giữ được những quả ngon đến với người dùng dịp tết.
Ông Đinh Văn Nhâm tự hào khoe: “So với nhiều vùng khác, sản lượng cam Khe Mây có thể thấp hơn, nhưng về độ ngọt, ít nơi nào sánh bằng. Bên cạnh lợi thế về thổ nhưỡng, mỗi gốc cam luôn được chúng tôi chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật để bảo đảm duy trì và nâng cao được giá trị thương hiệu cam Khe Mây”.
Cam Khe Mây (Hương Khê) được “mắc màn” bảo vệ khỏi côn trùng đốt chích
Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê Lê Quang Vinh, toàn huyện hiện có 1.890 ha cam, trong đó, 1.240 ha cho quả. Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và được dán tem truy xuất nguồn gốc, thương hiệu cam Khe Mây khi đưa ra thị trường đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng.
Với sản lượng 11.000 tấn, năm nay, người trồng cam Hương Khê ước thu khoảng 270 tỷ đồng. Ngoài xã Hương Đô, cam còn được trồng ở các xã lân cận như: Phúc Trạch, Lộc Yên…”.
Những xe cam chuẩn bị lên đường ra thị trường
Bỏ túi bạc tỷ...
Nhắc đến đặc sản cam Hà Tĩnh thì không thể bỏ qua thương hiệu cam Thượng Lộc (Can Lộc). Những năm gần đây, Thượng Lộc được biết đến là một trong những vựa cam lớn của tỉnh với giống cam giòn, cam chanh có vị ngọt thanh, mùi thơm đặc trưng và khi chín cho màu vàng ươm.
Ngày cuối năm, các vườn cam Thượng Lộc lại nhộn nhịp bởi không chỉ có người mua, người bán mà còn rất đông du khách từ khắp nơi tìm đến tham quan.
Những vườn cam rực vàng trĩu quả
Đến thăm vườn cam của gia đình chị Phan Thị Hiền ở thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc, ai ai cũng bị mê hoặc trước những cây cam quả trĩu cành. Mùa cam năm nay, vườn của gia đình chị Hiền thu về hơn 1 tỷ đồng.
Niềm vui thể hiện rõ trên gương mặt, chị Hiền cười tươi, hào hứng chia sẻ: “Xác định sản phẩm tốt mới được người tiêu dùng tin tưởng nên chúng tôi luôn dõi theo cây cam từ quá trình ra hoa, kết trái cho đến khi thu hoạch. Bởi vậy, mỗi quả cam đều chất chứa bao tâm huyết, công sức của người trồng. Cũng nhờ đó, thương hiệu cam Thượng Lộc ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, được người dân khắp nơi biết đến”.
Cam Thượng Lộc nức tiếng với vị ngọt thanh và màu da chín vàng ươm
Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Diệu, nói đến Thượng Lộc là nhắc đến vùng đất một thời gắn với khó khăn, nghèo đói. Thế nhưng, Thượng Lộc hôm nay đã chuyển mình, trở thành điểm hẹn hút hồn du khách với những đồi cam trải dài đẹp đến ngỡ ngàng. Và, cam cũng là loại cây chủ lực giúp nhiều hộ dân trở thành “đại gia” với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Các chủ vườn cam Thượng Lộc phấn khởi với mùa cam năm nay cho năng suất cao
Không khí thu hoạch cam ngày cuối năm ở xã Đức Lĩnh - vựa cam lớn nhất của huyện Vũ Quang với diện tích hơn 450 ha cũng sôi nổi không kém. Niềm phấn khởi được mùa ngập tràn trên những đường làng, ngõ xóm.
Sự tĩnh lặng vốn của vùng cao được thay bằng khung cảnh nhộn nhịp người ra, vào tấp nập tại các vườn cam. Vụ năm nay, vựa cam Đức Lĩnh ước thu hơn 100 tỷ đồng.
Đặc sản cam Hà Tĩnh bày bán trên thị trường...
Nâng niu từng quả cam chín vàng, anh Nguyễn Trọng Thân (Tổ phó Tổ hợp tác cam VietGAP Đức Lĩnh) không giấu được niềm vui: “Tổ hợp tác có 10 hộ thành viên với hơn 30 ha cam. Năm ngoái, chỉ mới 15 ha cam cho thu hoạch, năm nay đã có thêm 5 ha.
Nhờ dày công chăm sóc, mỗi ha cam cho năng suất từ 10-12 tấn. Đặc biệt, nhiều cây sai quả, sản lượng lên đến vài tạ cam. Tính ra thu nhập gần chục triệu đồng”.
... và trưng bày tại Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh năm 2019
Một mùa xuân lại về trong thắng lợi của bà con nông dân. Không ai khác, chính họ đang góp phần định danh cho một loài cây nổi tiếng trên mảnh đất “khô cằn đá sỏi”.