Mỹ chiếm hơn một nửa thương mại vũ khí toàn cầu

Doanh thu của 42 hãng vũ khí Mỹ nằm trong top 100 và chiếm 51% tổng doanh số bán vũ khí toàn cầu, trong khi các công ty Nga chỉ chiếm gần 3,5%.

Mỹ chiếm hơn một nửa thương mại vũ khí toàn cầu

Dữ liệu cho thấy Mỹ đang thống trị buôn bán vũ khí toàn cầu. Ảnh minh hoạ: Getty Images

Theo một báo cáo do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 4/12, doanh số bán vũ khí và dịch vụ quân sự của 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới đạt tổng trị giá 597 tỷ USD vào năm ngoái. Theo cơ quan giám sát, các công ty Mỹ tiếp tục thống trị thị trường mặc dù tổng doanh thu của họ có giảm.

Con số tổng doanh thu của 100 công ty vũ khí hàng đầu đã đánh dấu mức giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn cao hơn 14% so với tổng số được ghi nhận trong năm 2015.

Các công ty Mỹ chứng kiến mức giảm tổng cộng 7,9% xuống còn 302 tỷ USD, nhưng vẫn chiếm 51% tổng doanh thu vũ khí vào năm 2022, với 42 công ty Mỹ nằm trong Top 100 công ty hàng đầu thế giới. Doanh thu của 26 nhà sản xuất vũ khí châu Âu trong bảng xếp hạng tăng nhẹ 0,9% lên 121 tỷ USD.

Trong khi đó, Nga chỉ có có hai công ty lọt vào Top 100 của SIPRI là công ty vũ khí nhà nước Rostec và United Shipbuilding Corporation. Tổng doanh thu của họ đạt 20,8 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, và chỉ chiếm gần 3,5% trong tổng doanh số của Top 100.

Theo SIPRI, sự sụt giảm toàn cầu chủ yếu là do doanh thu của các nhà sản xuất vũ khí lớn ở Mỹ giảm, nơi lĩnh vực này phải vật lộn với “các vấn đề về chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu lao động” liên quan đến đại dịch COVID-19.

SIPRI nhấn mạnh rằng sản xuất vũ khí toàn cầu đã thấp hơn so với nhu cầu, vốn đã tăng mạnh vào năm ngoái do cuộc xung đột Ukraine và căng thẳng địa chính trị toàn cầu.

Hơn nữa, nhiều quốc gia đã đặt hàng vũ khí và dịch vụ quân sự vào cuối năm 2022, doanh thu từ các đơn hàng đó dự kiến sẽ chỉ được phản ánh trong tài khoản công ty trong thời gian từ hai đến ba năm.

SIPRI cho biết, các nhà sản xuất vũ khí ở châu Á và Trung Đông đã chứng kiến doanh thu của họ tăng đáng kể trong năm ngoái, đồng thời cho biết điều này chứng tỏ “khả năng đáp ứng nhu cầu gia tăng của các nước này trong khung thời gian ngắn hơn”.

Trong khi đó, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ lần thứ 28 (COP28), các nhà vận động ủng hộ tài chính khí hậu đã kêu gọi các quốc gia giàu có nên chuyển 5% ngân sách quân sự của họ sang tài trợ cho chống biến đổi khí hậu.

Lời kêu gọi được đưa ra khi các nhà lãnh đạo dự COP28 ở Dubai tập trung cho một ngày có chủ đề đặc biệt về “cứu trợ, phục hồi và hòa bình” hôm 3/12, đánh dấu lần đầu tiên vấn đề xung đột được đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị khí hậu quốc tế.

Những người tham gia sẽ thảo luận về sự cần thiết phải viện trợ trực tiếp cho “các cộng đồng rất dễ bị tổn thương, mong manh và bị ảnh hưởng bởi xung đột” vì ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thảm họa khí hậu khiến các khu vực có nguy cơ chiến tranh cao hơn và trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở Palestine cũng như Ukraine, Sudan và các quốc gia khác trong khu vực.

Nick Buxton, nhà nghiên cứu của Viện Xuyên quốc gia, cho biết: “Tiền đang được chi cho quân sự hóa hơn là hành động vì khí hậu, mặc dù khủng hoảng khí hậu là mối đe dọa an ninh lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt ngày nay”.

Tổ chức này nhận thấy rằng bằng cách chỉ chuyển 5% ngân sách quân sự toàn cầu, thế giới có thể huy động được 110,4 tỷ USD cho tài chính khí hậu - quá đủ để đáp ứng mục tiêu tài chính khí hậu hàng năm nhiều lần bị phá vỡ là 100 tỷ USD.

Quân đội trên thế giới thải ra ít nhất 5,5% lượng khí thải nhà kính – nhiều hơn tổng lượng khí thải của Nhật Bản – theo một ước tính vào năm 2022. Nhưng không quốc gia nào bị yêu cầu cung cấp dữ liệu về lượng khí thải quân sự sau cuộc vận động hành lang thành công của Mỹ tại hội nghị khí hậu Kyoto năm 1997. Các nhà lãnh đạo đã loại bỏ quyền miễn trừ vào năm 2015 nhưng lại ủng hộ việc báo cáo về lượng khí thải quân sự là tùy chọn.

Chi tiêu quân sự đã tăng hơn 25% trong thập kỷ qua, vượt quá 2,2 nghìn tỷ USD vào năm 2022. Trong cùng khoảng thời gian đó, các nỗ lực huy động vốn cho tài chính khí hậu lại bị chùn bước. Ví dụ, vào năm 2009, các nước giàu đã đồng ý chi 100 tỷ USD cho tài chính khí hậu hàng năm cho các nước đang phát triển vào năm 2020, nhưng họ đã thất hứa khi chỉ cung cấp 90 tỷ USD cho tài chính khí hậu vào năm 2021.

Theo Báo Tin tức

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.