Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào hôm nay. (Ảnh minh họa: Reuters)
Việc Mỹ - quốc gia có lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai thế giới - rút ra khỏi Hiệp định Paris đã hiện thực hóa cam kết kéo dài nhiều năm của Tổng thống Donald Trump.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được thông qua tại hội nghị lần thứ 21 của Liên Hiệp Quốc về chủ đề này tại thủ đô Paris, Pháp hồi năm 2015. Cho đến nay, Hiệp định Paris đã được 197 quốc gia ký kết và hơn 180 nước thông qua.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6/2017 tuyên bố rút khỏi hiệp định vì cho rằng nó không công bằng khi hạn chế việc phát triển ngành công nghiệp sản xuất ở Mỹ.
Phát biểu về quyết định “ra đi” của Mỹ, bà Patricia Espinosa, Thư ký điều hành Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cho biết: “Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định sẽ để lại một khoảng trống trong chỉnh thể của chúng tôi và những nỗ lực toàn cầu nhằm đạt được các mục tiêu và tham vọng của Hiệp định Paris”.
Bà Espinosa cho biết UNFCCC này sẽ “sẵn sàng hỗ trợ Mỹ trong bất kỳ nỗ lực nào để tái gia nhập Hiệp định Paris”. Ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Mỹ Joe Biden đã cam kết sẽ đưa Mỹ tham gia trở lại Hiệp định nếu đắc cử.
Sự ra đi của Mỹ đánh dấu việc quốc gia đầu tiên trong số 197 nước ký kết rút khỏi Hiệp định. Tại thời điểm ký kết hiệp định, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đặt mục tiêu rằng tới năm 2025, Mỹ sẽ cắt giảm 26-28% lượng phát thải thải so với mức của năm 2005.
Hầu hết các nhà khoa học tin rằng thế giới phải cắt giảm lượng phát thải một cách mạnh mẽ và nhanh chóng để tránh những tác động thảm khốc nhất của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu gần đây đã tăng cường các mục tiêu cắt giảm lượng phát thải CO2 của mình.