Nắm bắt dư luận xã hội là nội dung quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị. Xác định vai trò, vị trí quan trọng của nắm bắt dư luận xã hội, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc ban hành kế hoạch, thành lập đội ngũ cộng tác viên, tổ cộng tác viên dư luận với quy chế hoạt động rõ ràng.
Đến nay, đội ngũ cộng tác viên cấp tỉnh có 32 đồng chí, cấp huyện có 310 người. Đội ngũ này được kiện toàn đảm bảo cơ cấu hợp lý, đại diện cho các ngành, đoàn thể và các giai tầng trong xã hội theo đúng hướng dẫn của cấp trên. Qua theo dõi từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đội ngũ cộng tác viên hoạt động nền nếp, hiệu quả; cung cấp nhiều thông tin hữu ích, khách quan, kịp thời về tư tưởng cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là vấn đề nổi cộm, bức xúc được dư luận quan tâm.
Là địa bàn có nhiều dự án trọng điểm triển khai, để công tác giải phóng mặt bằng thực hiện thuận lợi, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân, Thạch Hà luôn quan tâm nắm bắt dư luận xã hội. Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lê Văn Sơn cho biết: “Hiện nay, Thạch Hà có 18 cộng tác viên dư luận xã hội cấp huyện, ngoài ra còn có hơn 700 báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp. Chúng tôi huy động sự vào cuộc của đội ngũ này để nắm bắt đa chiều tâm tư, tình cảm của các tầng lớp nhân dân. Từ đó, tham mưu hiệu quả các giải pháp phù hợp nhằm làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động, tháo gỡ những nút thắt trong tư tưởng người dân. Khi tư tưởng đã thông, lòng dân đồng thuận, công tác bàn giao mặt bằng được thực hiện nhanh hơn, các dự án vì thế được đẩy nhanh tiến độ”.
Để phát huy hiệu quả đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội, ban tuyên giáo các cấp thường xuyên quan tâm, chỉ đạo thực hiện đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng công tác dư luận xã hội; yêu cầu việc nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội kịp thời, phù hợp với tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh và các địa phương, đơn vị.
Theo đó, việc nắm bắt, tổng hợp tình hình dư luận xã hội được thực hiện thông qua nhiều kênh khác nhau như: thông qua báo cáo của ban tuyên giáo các cấp và đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội; tổng hợp thông tin, tình hình tư tưởng, dư luận từ trên các trang mạng xã hội; điểm báo hàng ngày; các phương tiện truyền thông đại chúng; thành lập nhóm zalo cộng tác viên, nhóm cán bộ phụ trách dư luận xã hội; báo cáo qua điện thoại khi nắm bắt được vấn đề, vụ việc...
Cùng với nắm bắt tâm tư, phản ánh tình hình dư luận, đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội cũng là cánh tay đắc lực chuyển tải các thông tin chính thống, khách quan và phản bác những thông tin sai lệch, xuyên tạc, bịa đặt trên các trang mạng xã hội.
Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối CCQ&DN tỉnh Trần Công Hoan chia sẻ: “Đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội của Đảng ủy Khối CCQ&DN ngoài nắm bắt, tổng hợp dư luận trong cán bộ, đảng viên, người lao động thì còn là lực lượng quan trọng lan tỏa các thông tin chính thống và theo dõi nắm bắt dư luận từ hoạt động này. Ngoài ra, phối hợp thực hiện các cuộc điều tra dư luận xã hội bằng nhiều hình thức phục vụ nhiệm vụ chính trị”.
Có thể thấy, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh đã đạt những kết quả quan trọng, trên cơ sở đó cung cấp những thông tin quan trọng từ thực tiễn để tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo có các chủ trương phù hợp, tạo ổn định tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Văn Khánh cho biết: “Để công tác nắm bắt dư luận xã hội tiếp tục phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác điều tra, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội. Đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm bắt, phân tích, dự báo, định hướng dư luận xã hội qua truyền thông đại chúng và mạng xã hội.
Công tác dư luận xã hội phải bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, địa phương, đơn vị. Cần tăng cường phối hợp Ban Chỉ đạo 35, các cơ quan chức năng trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; chú trọng công tác quản lý, định hướng dư luận xã hội qua Internet, các trang báo điện tử, blog cá nhân, diễn đàn trên mạng xã hội… Phát huy tính chủ động trong phản ánh thông tin của đội ngũ cộng tác viên và cán bộ làm công tác điều tra, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội với cấp ủy và cơ quan tuyên giáo cấp trên trực tiếp. Đặc biệt, thông qua nắm bắt dư luận xã hội, cơ quan tuyên giáo các cấp cần kịp thời tham mưu cấp ủy giải pháp giải quyết các vấn đề phát sinh tại cơ sở".