Giàu nhờ kinh tế vườn đồi
Những mô hình trang trại phát huy hiệu quả kinh tế cao đã thúc đẩy phong trào trồng cây ăn quả tại Hà Linh phát triển.
Việc phát triển các loại cây ăn quả, chăn nuôi thời gian qua đã khẳng định con đường đúng đắn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của Hà Linh. Đây được xác định là tiền đề quan trọng để người dân địa phương tiếp tục phát triển kinh tế vườn đồi.
Năm 2014, ông Thái Công Danh (thôn 12) tiên phong sẻ đồi hoang lập trang trại trồng cây ăn quả, chăn nuôi lợn. Sau hơn 6 năm vất vả cày xới, trang trại hiện nay đã có quy mô 1.000 con lợn/lứa, 200 cây cam, 100 cây bưởi Phúc Trạch cho thu hoạch.
Gia đình ông Thái Công Danh đầu tư hơn 600 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, công nghệ chăn nuôi gà liên kết, quy mô 10.000 con/lứa.
Ông Danh tâm sự: “Thời gian đầu có nhiều vất vả, nhưng đến nay, thành quả đã hơn mong đợi. Đầu năm 2020, gia đình tiếp tục đầu tư hơn 600 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng, công nghệ chăn nuôi gà theo hình thức liên kết, quy mô 10.000 con/lứa.
Tính ra, doanh thu trang trại hằng năm phải lên đến hàng tỷ đồng. Để đảm bảo phát triển bền vững, chúng tôi chi cho việc tái đầu tư cũng rất lớn, lợi nhuận hằng năm đạt khoảng 500 triệu đồng”.
Công việc có nhiều vất vả, nhưng doanh thu mỗi năm lên đến hàng tỷ đồng.
Những mô hình trang trại phát huy hiệu quả kinh tế cao đã thúc đẩy phong trào trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây bưởi Phúc Trạch, cam bù, cam chanh. Anh Trần Đình Tường (thôn 4) chia sẻ: “Hơn 0,5 ha đất vườn trước đây của gia đình chủ yếu là cây tạp, bỏ hoang, không có thu nhập nay đã được phủ kín bởi 150 gốc bưởi Phúc Trạch. Sau 4 năm trồng, năm nay, cả vườn có khoảng 6.000 quả bưởi đang phát triển tốt. Nếu giá bán tương đương năm 2019 sẽ thu về ít nhất 150 triệu đồng”.
Những mô hình trang trại phát huy hiệu quả kinh tế cao đã thúc đẩy phong trào trồng cây ăn quả tại Hà Linh, riêng cây bưởi Phúc Trạch, toàn xã hiện có 118,3 ha.
Ông Đặng Văn Cúc - Chủ tịch UBND xã Hà Linh cho hay, địa phương xác định, vườn đồi là mũi nhọn phát triển kinh tế nông thôn, xóa đói, giảm nghèo. Để làm tốt chủ trương này, những năm qua, xã tiến hành điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp từng vùng, từng loại đất.
Nhờ đó, kinh tế vườn đồi phát triển mạnh, nhiều hộ nông dân từ nghèo túng đã trở nên khá giả. Tổng giá trị sản xuất trên lĩnh vực nông nghiệp trong 5 năm qua đạt 83,74 tỷ đồng. Trong đó, riêng diện tích cây ăn quả đạt 265,6 ha (bưởi Phúc Trạch 118,3 ha, cam các loại 45,5 ha). Toàn xã hiện có 121 mô hình kinh tế vườn và trang trại có hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, xã cũng tập trung đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi, với tổng đàn trâu bò hiện đạt 2.887 con; 6.450 con lợn; 29.450 con gia cầm các loại.
Xã Hà Linh ngày càng khởi sắc
Phấn đấu xã đạt chuẩn NTM
Ông Lê Xuân Phú - Bí thư Đảng ủy xã Hà Linh cho biết, mặc dù là xã khó khăn nhưng nhiệm kỳ tới, địa phương vẫn phấn đấu đạt mức thu nhập bình quân đầu người 65 triệu đồng/năm. Khi người dân có thu nhập ổn định, công tác xây dựng NTM chắc chắn sẽ đạt kết quả cao.
Để đạt những mục tiêu đó, Hà Linh tiếp tục áp dụng tiến bộ KHKT, tập trung thâm canh, tăng năng suất cây trồng gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm. Tạo các chuỗi giá trị ổn định, sản xuất khối lượng sản phẩm lớn chất lượng đạt chuẩn VietGAP, xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Nuôi ong là một trong những nghề được xã Hà Linh chú trọng phát triển trong thời gian tới.
“Chuyển đổi một số diện tích cây hàng năm sang trồng cây ăn quả, nâng diện tích bưởi Phúc Trạch, cam các loại) lên 300 ha. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, đưa chăn nuôi trâu, bò, lợn trở thành mũi nhọn đột phá trong phát triển kinh tế, chuyển mạnh theo hướng liên kết với doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác tạo khối lượng sản phẩm lớn.
Đến năm 2025, phấn đấu tổng đàn trâu, bò có 3.050 con, đàn lợn 6.000 con, gia cầm 31.500 con, đàn hươu 250 con, ong 890 tổ“ - Bí thư Đảng ủy xã Hà Linh cho biết thêm.
Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xã Hà Linh xác định một trong những nhiệm vụ đột phá quan trọng là: Phát huy tiềm năng, lợi thế đất đai, tài nguyên gắn với chuyển đổi đất đai, ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển sản phẩm chủ lực; khai thác tiềm năng, lợi thế về hệ thống giao thông để phát triển dịch vụ - thương mại... Một số chỉ tiêu cụ thể: Tăng trưởng bình quân 12,8%, tổng giá trị sản xuất đạt 430 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng/năm; tổng sản lượng lương thực ổn định hằng năm trên 2.700 tấn... Hằng năm, Đảng bộ xếp loại “hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên”; chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xếp loại “hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên”; tỷ lệ thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên đạt 85% trở lên. |