Nâng cấp, đảm bảo ý nghĩa di tích chứng tích tội ác chiến tranh Trường cấp III Lý Tự Trọng

(Baohatinh.vn) - Cách đây 54 năm, 16 học sinh lớp 9A, Trường Cấp III Lý Tự Trọng (Thạch Hà - Hà Tĩnh) bị tử nạn do trúng bom Mỹ. Các thế hệ hôm nay quyết tâm xây dựng, tôn tạo, nâng cấp khu di tích chứng tích tội ác chiến tranh để giáo dục truyền thống.

Những mất mát khôn nguôi

Trường cấp III Lý Tự Trọng (nay là Trường THPT Lý Tự Trọng) được thành lập vào năm 1966, đóng trên địa bàn xã Thạch Tiến - nay là xã Việt Tiến (Thạch Hà). Trường được thành lập trên cơ sở chia tách từ Trường cấp III Phan Đình Phùng (đang ở địa điểm sơ tán xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà).

Thời gian đầu, trường chỉ có ba lớp 8 và một lớp 9 với gần 160 học sinh ở các xã phía Bắc và các xã vùng ven biển Thạch Hà.

Nâng cấp, đảm bảo ý nghĩa di tích chứng tích tội ác chiến tranh Trường cấp III Lý Tự Trọng

Hố bom nơi 16 học sinh lớp 9A, Trường Cấp III Lý Tự Trọng tử nạn

Sáng 19/8/1968, theo kế hoạch của nhà trường, Đoàn trường cấp III Lý Tự Trọng tổ chức quán triệt nhiệm vụ chuẩn bị năm học mới cho tất cả học sinh tại lán học trung tâm lớp 9A. Buổi chiều cùng ngày, các chi đoàn chia về các lán học để thảo luận thêm.

Khoảng 15h30 phút, sau những tiếng kẻng phòng không báo động liên hồi, một tốp máy bay phản lực Mỹ bất ngờ nhào tới ném bom xuống khu vực Trường cấp III Lý Tự Trọng. Một quả bom sát thương đã rơi trúng lán hội trường nơi lớp 9A đang tổ chức thảo luận khiến 16 em bị tử nạn, 15 em còn lại đều bị thương. Lớp trưởng Lê Văn Chất đi hội ý ở đoàn trường nên thoát nạn.

Nâng cấp, đảm bảo ý nghĩa di tích chứng tích tội ác chiến tranh Trường cấp III Lý Tự Trọng

Thầy Ký hiện đang sinh sống tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ.

Nhớ lại thời khắc đau thương này, thầy Phạm Xuân Ký (86 tuổi) - giáo viên chủ nhiệm lớp 9A (lúc bấy giờ) vẫn không khỏi nghẹn ngào: “Ngày đó, tôi vừa là giáo viên chủ nhiệm của lớp vừa là Bí thư Đoàn trường, khi chi đoàn đang thảo luận tại lán thì cách đó khoảng 200m tôi đang chủ trì cuộc hội ý BCH Đoàn trường. Bỗng một tiếng nổ lớn rung chuyển các lán trại, rồi khói bụi tỏa ra mù mịt. Ít phút sau, khi mọi người định thần chạy ra thì thấy cảnh tượng tang thương đổ nát. Tôi bàng hoàng, đau xót bởi đó là nơi những “đứa con” của tôi đang ngồi”.

Nén đau thương, thầy Ký cùng lực lượng dân quân tự vệ, người dân địa phương, các cán bộ y tế tức tốc bới đất tìm học sinh. Một nửa số học sinh của lớp 9A còn sống sót sau khi hồi phục vết thương được phân vào các lớp khác.

Nâng cấp, đảm bảo ý nghĩa di tích chứng tích tội ác chiến tranh Trường cấp III Lý Tự Trọng

Một trong những mảnh bom sát hại các học sinh lớp 9A khi xưa đang được lưu giữ tại phòng truyền thống Trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà).

16 học sinh may mắn sống sót ngày đó, nay người mất người còn. Tâm thức mỗi người vẫn luôn hướng về trường cũ, bạn xưa bằng những hoạt động ý nghĩa như dâng hương về nguồn, đóng góp kinh phí tôn tạo di tích... Mỗi người trong số họ đều luôn nỗ lực để sống, học tập và cống hiến để làm vui lòng những người bạn đã mất.

Bảo tồn di tích đảm bảo ý nghĩa giáo dục truyền thống

Năm 2009, được sự quan tâm của tỉnh và sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, di tích chứng tích tội ác chiến tranh trường cấp III Lý Tự Trọng được xây cất tại vị trí lán hội trường cũ với diện tích khuôn viên 800 m2 (nay thuộc thôn Trửa, xã Việt Tiến).

Ngày 26/8/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3371-QĐ/UBND cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Nơi đây trở thành địa chỉ lịch sử, giáo dục truyền thống cho các thế hệ, là nơi về nguồn của các thế hệ giáo viên, học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà).

Nâng cấp, đảm bảo ý nghĩa di tích chứng tích tội ác chiến tranh Trường cấp III Lý Tự Trọng

Ông Nguyễn Bá Bốn - cựu học sinh trường cấp III Lý Tự Trọng khóa 1966-1968 xúc động mỗi khi về thăm di tích.

Để phát huy giá trị di tích, năm 2016, UBND xã Thạch Tiến cũ (nay là Việt Tiến) mở rộng thêm 200m2 làm bãi đậu xe phục vụ du khách. Năm 2020, xã tiếp tục mở rộng thêm khuôn viên di tích lên đến 1.500m2.

Tiếp đó, năm 2021, nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã hỗ trợ kinh phí xây dựng hàng rào, sân vườn, trồng cây xanh và bố trí dụng cụ vui chơi cho thanh thiếu niên trên khuôn viên đất vừa được mở rộng.

Nâng cấp, đảm bảo ý nghĩa di tích chứng tích tội ác chiến tranh Trường cấp III Lý Tự Trọng

Nhà tưởng niệm với thiết kế 3 gian, 8 mái được xây dựng trong khuôn viên di tích đang tích cực được thi công.

Cũng trong thời gian này, thầy Phạm Xuân Ký - giáo viên chủ nhiệm, thân nhân của học sinh tử nạn và hội cựu học sinh trường cấp III Lý Tự Trọng (cũ) đã hỗ trợ kinh phí hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà tưởng niệm để đặt bàn thờ, bài vị các bạn học tử nạn. Hiện nay, nhà tưởng niệm với thiết kế 3 gian, 8 mái đang tích cực được thi công, phấn đấu đến tháng 8/2022 sẽ khánh thành.

Là cựu học sinh của trường khóa 1966-1968, ông Nguyễn Bá Bốn - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Trần Phú vẫn luôn đau đáu, trăn trở và dành nhiều tâm huyết trong việc xây dựng, phát huy giá trị di tích. Ông Bốn chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn di tích sẽ được nâng cấp, bảo tồn xứng tầm, như một nén tâm nhang gửi đến các bạn tử nạn và xoa dịu nỗi đau với thân nhân các gia đình. Di tích phải được đầu tư xứng tầm hơn nữa để làm tốt vai trò giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ con cháu mai sau”.

Không phụ niềm mong chờ đó, mới đây nhất, tháng 4/2022, hướng về tưởng niệm 55 năm ngày các học sinh tử nạn (19/8/1968-19/8/2023), Sở GD&ĐT, Sở VH-TT&DL, UBND huyện Thạch Hà, Đảng ủy xã Việt Tiến đã họp bàn thống nhất chương trình, kế hoạch phối hợp nâng cấp và phát huy giá trị di tích.

Nâng cấp, đảm bảo ý nghĩa di tích chứng tích tội ác chiến tranh Trường cấp III Lý Tự Trọng

Một số hiện vật, tài liệu của lớp học Trường cấp III Lý Tự Trọng được lưu giữ tại phòng truyền thống Trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà).

Ngày 9/5/2022, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh ban hành văn bản số 860/SGDĐT-CTTT về việc nhận chăm sóc, ủng hộ trùng tu, tôn tạo Khu di tích chứng tích tội ác chiến tranh Trường cấp III Lý Tự Trọng. Trong đó, giao các trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn toàn tỉnh lồng ghép tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên về giá trị lịch sử của Khu di tích Trường cấp III Lý Tự Trọng. Đồng thời, phát động cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh thiếu nhi trong toàn ngành đóng góp, ủng hộ để trùng tu, tôn tạo Khu di tích với tinh thần tự nguyện.

Nâng cấp, đảm bảo ý nghĩa di tích chứng tích tội ác chiến tranh Trường cấp III Lý Tự Trọng

Bia ghi tên các học sinh lớp 9A tử nạn được xây dựng ở sân Trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà) hôm nay đang trở thành nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ học sinh nhà trường.

Những ngày qua, phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà đã kêu gọi các cán bộ, giáo viên, nhân viên ủng hộ gần 160 triệu đồng; giáo viên, học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà) ủng hộ gần 69 triệu đồng.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà Nguyễn Thanh Nga cho biết: “Bằng tình cảm, tinh thần trách nhiệm của mình, Phòng GD&ĐT huyện đã ban hành công văn huy động nguồn lực trong các trường học trên địa bàn. Chúng tôi cũng chỉ đạo các nhà trường triển khai hoạt động về nguồn, ngoại khóa về khu di tích; giao 2 trường THCS trên địa bàn xã Việt Tiến phối hợp với Ban quản lý di tích để định kỳ hàng tháng tổ chức các hoạt động dọn vệ sinh, chăm sóc khu di tích”.

Nâng cấp, đảm bảo ý nghĩa di tích chứng tích tội ác chiến tranh Trường cấp III Lý Tự Trọng

Khuôn viên Trường THPT Lý Tự Trọng hôm nay.

Cùng với Thạch Hà, các hoạt động hướng về khu di tích chứng tích tội ác chiến tranh trường cấp III Lý Tự Trọng cũng đang được toàn ngành giáo dục Hà Tĩnh triển khai sôi nổi. Tin rằng, với những nỗ lực đó khu di tích khang trang, rộng rãi hơn sẽ sớm được hoàn thành vào dịp tưởng niệm 55 năm ngày 16 học sinh tử nạn (năm 2023) để phần nào làm ấm lòng người đi, yên lòng người đang ở lại.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Chủ đề 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng

Đọc thêm

Harry Potter mới lộ diện

Harry Potter mới lộ diện

HBO vừa công bố Hình ảnh đầu tiên về "cậu bé phù thủy" trong series phim truyền hình Harry Potter. Phim dự kiến ra mắt vào năm 2027.
Podcast: Truyện ngắn - Tiếng còi tàu đêm

Podcast: Truyện ngắn - Tiếng còi tàu đêm

Trong những năm tháng chiến tranh, với nhiều mất mát hi sinh những người vợ, người mẹ vẫn chịu đựng trong âm thầm lặng lẽ. Họ là nguồn động viên tinh thần to lớn cho những người lính nơi tiền tuyến.
Podcast tản văn: Nắng xiên khoai

Podcast tản văn: Nắng xiên khoai

Khoai lang không chỉ là món ăn mà là đặc trưng quê hương, gợi nhớ sự tảo tần của mẹ, tình cha, và tuổi thơ lấp lánh không thể quên.
Podcast truyện ngắn: Rừng và em

Podcast truyện ngắn: Rừng và em

Giữa núi rừng bạt ngàn, niềm tin và tình người ấm áp lấp lánh hơn nắng. Đây là câu chuyện thắp sáng ước mơ nơi bản làng, nơi khát vọng vươn lên luôn cháy bỏng.
Podcast truyện ngắn: Nhật ký của một hạt mưa

Podcast truyện ngắn: Nhật ký của một hạt mưa

“Nhật ký của một hạt mưa” của tác giả Anh Đức kể về một thế giới đầy màu sắc qua góc nhìn nhân hóa của hạt mưa với những thông điệp sâu sắc về cuộc sống, tình bạn và sự sẻ chia.
Nỗ lực trao truyền ví, giặm cho thế hệ trẻ

Nỗ lực trao truyền ví, giặm cho thế hệ trẻ

Giữa guồng quay của cuộc sống, có những lớp nghệ nhân ở Hà Tĩnh vẫn thầm lặng cống hiến, gìn giữ tinh hoa nghệ thuật truyền thống. Với họ, đó không chỉ là lòng nhiệt huyết, niềm đam mê mà còn là sứ mệnh giữ lửa, trao truyền các giá trị của di sản quê hương.
"Rệu rã" di tích gần 400 tuổi

"Rệu rã" di tích gần 400 tuổi

Chùa Tịnh Lâm (phường Hà Huy Tập, tỉnh Hà Tĩnh) được xây dựng từ thế kỷ thứ XVII, nay đã xuống cấp nghiêm trọng.
Ươm mầm dân ca ví, giặm

Ươm mầm dân ca ví, giặm

Phát huy vai trò là những hạt nhân trong bảo tồn, gìn giữ di sản, nhiều nghệ nhân trên địa bàn Hà Tĩnh đã tình nguyện tham gia, mở các lớp học miễn phí để truyền dạy dân ca cho các em học sinh.