Lực lượng chức năng kiểm tra điểm chữa cháy công cộng tại thôn Bình Định, xã Thanh Bình Thịnh.
Dịp trước, trong và sau tết là thời điểm tấp nập nhất của làng nghề mộc Thái Yên, thuộc xã Thanh Bình Thịnh. Thời điểm này, các xưởng sản xuất tăng cường làm ngày làm đêm để chuẩn bị nguồn hàng; các cửa hàng đã bày bán nhiều bàn, ghế, giường, tủ... phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân khi tết đến gần. Làng mộc truyền thống vốn tập trung nhiều vật liệu dễ cháy nên nguy cơ cháy, nổ rất cao.
Để hạn chế cháy, nổ xảy ra, xã Thanh Bình Thịnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân cẩn trọng với lửa, thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Tất cả các hộ kinh doanh đồ mộc liền kề tại Cụm công nghiệp Thái Yên đều được trang bị các hệ thống PCCC.
Thôn Bình Định - nơi có Cụm công nghiệp Thái Yên, đang tập trung hàng trăm hộ sản xuất, kinh doanh đồ gỗ nên công tác PCCC&CNCH luôn đặt ở chế độ “trực chiến”. Ông Nguyễn Viết Duyến - Đội trưởng Đội dân phòng PCCC thôn Bình Định cho biết: “Cháy, nổ luôn là mối đe dọa tiềm ẩn với các hộ làm nghề mộc. Nếu để xảy ra cháy là có thể tán gia, bại sản. Vì thế, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các hộ sản xuất, kinh doanh cần có ý thức, trách nhiệm, thực hiện nghiêm các quy định về công tác PCCC, đảm bảo an toàn cho khu vực xưởng sản xuất của gia đình cũng như những hộ xung quanh”.
Nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức trong công tác PCCC, ngoài các hộ sản xuất, kinh doanh, xã Thanh Bình Thịnh cũng thường xuyên tuyên truyền, đôn đốc các tổ liên gia, đội dân phòng PCCC nhắc nhở các hộ dân kiểm tra rà soát, giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an tỉnh kiểm tra và hướng dẫn các hộ dân tại làng nghề cách bảo quản, sử dụng bình cứu hỏa xách tay.
Ông Đoàn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND xã Thanh Bình Thịnh cho biết: “Trên địa bàn xã có gần 1.100 hộ làm nghề mộc với hơn 2.176 lao động. Giá trị sản phẩm kinh doanh từ nghề mộc truyền thống chiếm 45% tổng sản phẩm ở địa phương. Nhận thức rõ vai trò của công tác PCCC, đảm bảo an toàn cho ngành kinh tế chủ lực của địa phương, UBND xã đã quán triệt, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về công tác PCCC&CNCH trên địa bàn đến toàn thể cán bộ, người dân, đặc biệt là các hộ sản xuất, kinh doanh tại cụm công nghiệp thực hiện các quy định theo Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới. Nhờ đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân đối với công tác PCCC&CNCH được nâng lên rõ rệt”.
Xưởng phun sơn PU là một trong những khu vực dễ xẩy ra cháy nổ nhất nên công tác PCCC ở các cơ sở này được thực hiện một cách hết sức nghiêm ngặt.
Đại úy Lê Viết Dũng - Công an xã Thanh Bình Thịnh cho biết: “Nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC&CNCH tại làng nghề, chúng tôi đã tham mưu cho UBND xã Thanh Bình Thịnh thành lập 46 mô hình Tổ liên gia an toàn về PCCC, 15 đội dân phòng; xây dựng 15 điểm chữa cháy công cộng tại các khu vực trọng điểm; đồng thời vận động các hộ dân trong cụm công nghiệp và các hộ kinh doanh liền kề lắp đặt hệ thống chuông, đèn, nút ấn báo cháy, lắp đặt kẻng báo động nhằm thông báo và huy động nhân dân khi có sự cố cháy nổ xẩy ra”.
Công an xã cùng với tổ trưởng các tổ liên gia, đội dân phòng đến tận các xưởng sản xuất đồ mộc trong Cụm công nghiệp Thái Yên để kiểm tra và nhắc nhở các hộ sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định PCCC.
Nhờ công tác tuyên truyền, nhiều hộ gia đình, hộ kinh doanh đã tự trang bị bình chữa cháy xách tay các loại, nghiên cứu về kỹ năng xử lý ban đầu các tình huống cháy nổ, do đó phong trào toàn dân tham gia PCCC được nâng cao. Tại các ngõ lối hẹp và sâu, nơi tập trung nhiều hộ sản xuất, kinh doanh, xe chữa cháy không tiếp cận được khi có cháy nổ xẩy ra, địa phương bố trí xây dựng các điểm chữa cháy công cộng để chủ động chữa cháy tại chỗ khi có cháy, nổ xẩy ra.
Ông Phan Lương Yên - chủ cửa hàng sản xuất, kinh doanh đồ mộc Yên Xanh (Cụm công nghiệp Thái Yên) cho biết: “Nhận thức rõ những hệ lụy của hỏa hoạn nên trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến công tác PCCC. Ngoài trang bị bình chữa cháy công nghiệp, xây dựng bể chứa nước ngay cạnh nhà xưởng, chúng tôi còn đầu tư nâng cấp hệ thống dây dẫn điện phục vụ sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn an toàn; khi không sản xuất hoặc vào ban đêm trước khi đóng xưởng thì tôi cho cắt toàn bộ hệ thống điện để tránh tình trạng chập điện dẫn đến cháy nổ”.
Trong dịp cuối năm, Công an xã phối hợp với các tổ trưởng tổ liên gia, đội dân phòng đến tận các hộ sản xuất, kinh doanh nhắc nhở các hộ vệ sinh công nghiệp, vệ sinh các ổ điện đảm bảo tiếp xúc tốt, thay thế cầu dao bằng aptomat, đặt ống gen bảo vệ hệ thống dây điện, giảm nguy cơ chập điện và đảm bảo an toàn lao động; yêu cầu cắt nguồn điện khi xưởng không hoạt động hoặc là vào ban đêm; kiểm tra định kỳ bình chữa cháy...
Một chủ hộ kinh doanh xưởng sơn PU vệ sinh bình cứu hỏa công nghiệp.