Nắng tháng 5 oi ả tưởng như vắt kiệt sức người, nhưng diêm dân thôn Châu Hạ, xã Thạch Châu (Lộc Hà - Hà Tĩnh) vẫn tất bật trên những ruộng muối. Với họ, nắng chính là đặc ân mà thiên nhiên đã ban tặng để vụ muối thêm bội thu.
Cái nắng đỉnh điểm của tháng 5 khiến nhiều người không khỏi khó chịu nhưng với diêm dân Châu Hạ đó lại là sự ưu ái của thiên nhiên, bởi nắng nóng đồng nghĩa với việc họ sẽ được mùa muối...
Vụ muối ở Châu Hạ thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 8. Để làm ra được những hạt muối trắng ngần, diêm dân Châu Hạ thường bắt đầu công việc từ sáng sớm đến chập tối. Họ ra đồng sớm là để đổ nước biển đã được lọc từ hôm trước lên các ô nại phơi cho kịp nắng lên.
Giữa cái nắng oi ả, gió thổi rát ràn rạt, hầm hập vị mặn chát phả thẳng vào mặt, ông Nguyễn Hồng Tuân (SN 1958) vẫn miệt mài bên từng công đoạn. Gia đình ông Tuân làm 5 sào muối, mỗi ngày, vợ chồng ông đều bắt đầu công việc từ 5 giờ sáng đến 6 giờ tối.
Theo ông Tuân, để làm ra được một mẻ muối phải trải qua nhiều công đoạn và công đoạn nào cũng vất vả, tốn công sức. Bắt đầu từ việc chuẩn bị ruộng, đầm đất, lấy nước biển vào ruộng, phơi cát, ngâm cát, cho đến lắng lọc nước rồi múc đưa lên ô nại phơi. Chỉ cần phơi nắng đủ một ngày là những hạt muối kết tinh trắng ngần dần dần hiện ra trong từng ô nại dưới từng vạt nắng vàng ươm.
Gắn bó với nghề đã hơn 40 năm, ông Tuân chia sẻ: “Nghề muối vất vả lắm. Nếu chăm chỉ, nghề này cũng giúp diêm dân có thêm đồng ra đồng vào, tuy không dư dả nhưng cũng đủ để trang trải cuộc sống. Mùa này gia đình tôi làm 5 sào, hết vụ cho sản lượng khoảng 35 tấn muối. Với giá 1.200 đồng/kg, vụ muối năm nay gia đình tôi thu về được khoản thu nhập khá”.
Nghề muối phụ thuộc vào thời tiết, nên trong suốt thời gian mùa vụ, từ sáng đến tối ông Tuân và những diêm dân khác trong thôn chỉ có thể nghỉ ngơi được chừng hơn một tiếng, còn lại luôn thấp thỏm canh nắng, canh mưa, túc trực ngoài ruộng. Ông Tuân tâm sự: “Được mùa cũng nhờ ông trời, thất bát cũng tại ông trời. Có những năm khi mùa muối về mới thu hoạch được vài đợt thì bị mưa như trút nước, phút chốc những cánh đồng muối trở thành biển nước trắng xóa, mênh mông, bà con diêm dân chỉ biết ngậm ngùi đứng cửa nhìn ra... ".
Với nhiều người, nắng nóng là “khắc nghiệt”, nhưng với diêm dân hễ năm nào mưa bão nhiều, nắng kém là bà con lại thấp thỏm không yên. Vì đây là nghề cần nhiều nắng. Trái ngược với phần lớn các ngành nghề khác, nắng gắt, số ngày nắng kéo dài luôn là niềm mong mỏi của diêm dân Châu Hạ trên những cánh đồng muối.
Dù đã ở cái tuổi “gần đất xa trời” nhưng cụ Nguyễn Thị Chắt (81 tuổi) vẫn cố gắng làm 1,5 sào muối để kiếm thêm thu nhập. Hằng ngày, từ 5 giờ sáng, tay cụ Chắt đã xắm nắm nào xẻng, nào xe kéo, nước uống... để ra đồng làm muối. Cầm trên tay Tỷ trọng kế đo độ mặn của nước, cụ Chắt chia sẻ: “Nghề muối bao nỗi gian truân, khi trời nắng to, người ta nghỉ ngơi mình lại xách đồ nghề ra đồng làm liền tay, liền chân đến tối mịt mới về. Những hôm trời nắng to, nếu làm cật lực tôi có thể thu được hơn 1 tạ muối, cho thu nhập hơn 100 nghìn đồng".
Cụ Chắt cho biết, từ 12h - 14h là khoảng thời gian người dân sử dụng công cụ đo độ mặn của nước biển để xác định nồng độ muối, khi độ mặn trong nước đạt 20 độ thì diêm dân cho nước vào hệ thống lu lọc để sản xuất muối. Trời thuận nắng thì còn cho muối đậu lớp này, lớp khác, chứ kém nắng, mát trời muối lại không đông. Ðôi khi đang giữa chính vụ, những cơn mưa trái mùa bất chợt ập tới, thì bao nhiêu công sức lại thành công... dã tràng.
Những lúc mệt mỏi, mồ hôi đổ nhiều, cụ Chắt vào lán dựng tạm bên ruộng muối nghỉ ngơi, uống nước lấy sức. Hơn 70 năm làm muối, đồng nghĩa với việc cụ Chắt đã đi qua 70 mùa hè khắc nghiệt, nhưng chưa bao giờ cụ thử đo nhiệt độ cánh đồng muối lúc ban trưa, chỉ biết rằng, mồ hôi đổ càng nhiều, nắng càng rát mặt thì càng thu hoạch được nhiều muối hơn.
Muối bắt đầu kết tinh vào khoảng 14h hằng ngày, thời điểm này, diêm dân hối hả bắt tay vào công đoạn thu hoạch. Từng ô muối trắng tinh như những “hạt ngọc” được diêm dân gom lại cẩn thận. Theo nhiều diêm dân, giá muối nhiều năm nay vẫn chưa thoát khỏi sự phập phù, lên xuống. Ðiệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa cứ luẩn quẩn với diêm dân nơi đây. Ðầu mùa, ít muối, nhiều tiểu thương đến tận ruộng hỏi mua. Giữa mùa, muối rộ lại “đỏng đảnh” làm giá.
Những ngày nắng 39 - 40 độ C, cánh đồng muối bốc hơi nghi ngút, mặc cho hơi mặn của muối và cái nóng như rang chảo phả vào mặt mỗi ngày, diêm dân Châu Hạ vẫn kiên trì dầm gót chân trần dưới những ruộng muối.
Có lẽ, không có nghề nào dãi dầu nắng nóng như nghề làm muối. Hạt muối trắng mặn mòi là kết tinh hương vị của biển cả và những giọt mồ hôi của diêm dân rỏ xuống cánh đồng. Diêm dân Châu Hạ bao đời nay vẫn oằn mình “cõng nắng”, cõng cả những vất vả của cuộc sống trên vai. Và với họ, làm muối không chỉ có thu nhập mà còn để lưu giữ nghề truyền thống...
Hiện tại, toàn thôn Châu Hạ có khoảng 110 hộ dân làm nghề muối, với tổng diện tích hơn 13 ha. Nghề làm muối nơi đây đã có hơn 50 năm, từ nghề muối đã giúp nhiều gia đình ở đây ổn định cuộc sống, nuôi dạy con cái ăn học trưởng thành.
Nói là vậy, nhưng những người làm muối ở Châu Hạ giờ chỉ có những đàn ông, phụ nữ “có tuổi” gắn bó với nghề. Ông Nguyễn Minh Châu (SN 1961) tâm sự: “Lớp trẻ trong làng khi học hết phổ thông, nếu không học đại học hoặc cao đẳng thì đều vào miền Nam lập nghiệp, trên cánh đồng muối bây giờ chỉ còn bóng dáng của những người già. Biết là làm muối thu nhập không cao, nhưng tôi cùng nhiều hộ khác trong thôn không nỡ bỏ, vì muốn giữ nghề truyền thống của cha ông”.
Với hơn 30 năm gắn bó với nghề muối, bà Lê Thị Tý (SN 1962) cho biết: “Nghề muối phụ thuộc vào những “con nắng”, việc tiêu thụ bấp bênh, diêm dân chúng tôi luôn mong chính quyền các cấp có chính sách hỗ trợ bà con trong việc tìm thị trường tiêu thụ ổn định, để nghề muối không bị mai một, bỏ nại".
Cũng theo bà Tý, bao năm qua, diêm dân nơi đây đã nếm đủ mặn đắng của nghề làm muối, nhưng nếu không làm muối thì họ cũng không biết làm gì, vì không có đất nông nghiệp, không có nghề phụ. Hạt muối làm ra phải cõng trên lưng bao nhiêu thứ nên có được đầu ra và giá cả ổn định, không bị tư thương ép giá là mong muốn lớn nhất của bà con diêm dân hiện nay.
Theo nhiều diêm dân, giá muối lên, xuống thất thường, nhiều người dân khi hết mùa muối phải xoay sang làm nhiều công việc thời vụ khác như thợ xây, bốc vác, đánh cá... để đắp đổi mưu sinh. Dẫu vậy, tất cả họ vẫn không bỏ nghề muối bởi sự nhọc nhằn, mặn mòi trên cánh đồng khuya, sớm đã trở nên quen thuộc với họ.
Bằng sự chăm chỉ và yêu nghề của mình, những người “đội nóng, ngóng trời” ở đồng muối Châu Hạ đang từng ngày chắc lọc sự tinh túy của biển cả để mưu sinh và giữ nghề. Gắn bó với hạt muối mặn, cuộc sống của những diêm dân nơi đây vẫn còn nguyên sự vất vả, nhọc nhằn, dẫu vậy, hiện lên trên mỗi khuôn mặt của họ vẫn luôn là nụ cười lạc quan.
Bà Lê Thị Châu (SN 1963) chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 người con nhưng không đứa nào tiếp bước bố mẹ làm nghề truyền thống. Chồng tôi vẫn thường hay đùa: “Thôi thì cố gắng đến khi nào mắt còn tỏ, tay còn chưa run để giữ lấy nghề, để không phụ công việc đã nuôi sống cả gia đình mình suốt gần cả cuộc đời“. Còn sức khỏe, vợ chồng tôi sẽ không bỏ nghề, bỏ nại”.
Với diêm dân Châu Hạ, những kho muối trắng ngần chính là những “gánh quà” mà biển cả, nắng vàng ban tặng cho họ. Và có lẽ, cũng bởi lý do đó mà nghề muối dẫu có nhọc nhằn, bấp bênh, diêm dân nơi đây vẫn không nỡ bỏ nghề, trái lại, họ xem muối như là một phần của cuộc sống.