Sau hơn 7 năm triển khai (2013-2020), đề án Phát triển sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu tỉnh Hà Tĩnh đã phát huy hiệu quả ở thực tiễn, tạo thêm một nghề mới - nghề sản xuất nấm. Theo đó, “nấm Hà Tĩnh” chính thức được ghi tên trong các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 15 cơ sở đầu tư sản xuất và cung ứng giống nấm; gần 120 tổ chức, cá nhân đang sản xuất nấm thương phẩm.
Dù số lượng tổ chức, cá nhân tham gia ngành hàng nấm ở Hà Tĩnh khá đa dạng nhưng thực tế sản phẩm chính trong các kênh phân phối vẫn là nấm tươi (nấm rơm, nấm sò, mộc nhĩ tươi, kim châm, đùi gà). Chỉ riêng nấm mộc nhĩ và linh chi được tiêu thụ ở dạng khô. Đây là hạn chế lớn làm cho chuỗi giá trị tham gia thị trường không phong phú. Cùng với đó, các loại nấm rất giàu dinh dưỡng, được mệnh danh là “vua của các loại rau” nhưng do đặc tính khó bảo quản nên thị trường tiêu thụ chỉ chủ yếu trong tỉnh, thông qua các kênh bán lẻ.
Thực trạng này chính là nguyên nhân làm cho thị trường ngành hàng nấm Hà Tĩnh chưa có sự bứt phá trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay. Yêu cầu đặt ra là, phải có các biện pháp chế biến sâu để sản phẩm từ nấm có thể vươn xa hơn, từ đó gia tăng giá trị kinh tế.
Ông Lê Ngọc Nhân - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, phát triển Nấm và Tài nguyên sinh vật (Sở KH&CN) cho biết, thời gian qua, đơn vị đã xây dựng, hoàn thiện quy trình sản xuất 2 loại nấm có tính dược liệu rất cao là nấm linh chi đỏ và nấm vân chi. Đặc biệt, nấm linh chi được sử dụng như một dược liệu để chống xơ hóa, tiêu diệt các gốc tự do, bảo vệ gan... Sản phẩm còn có tác dụng chống khối u, chữa bệnh bạch cầu, ngăn chặn sự phát triển của ung thư hay tác hại của chất phóng xạ… Còn dược tính của nấm vân chi có khả năng chữa trị ung thư, tăng miễn dịch cơ thể, chống các phản ứng phụ của xạ trị và hoá trị, ức chế sự nhân lên của HIV… Theo nghiên cứu, nấm vân chi có khả năng chống lại khối u lên đến 77%, nấm linh chi là 63%
Theo đó, Trung tâm Nghiên cứu, phát triển Nấm và Tài nguyên sinh vật đã xây dựng và hoàn thiện quy trình sản xuất trà túi lọc nấm linh chi và trà túi lọc nấm vân chi bằng công nghệ hiện đại. Sản phẩm được sản xuất qua các quy trình: phơi – sấy – nghiền – tạo hạt – đóng gói. Hiện nay, trà nấm linh chi đã được thị trường một số địa phương như: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An… chấp nhận.
Ông Lê Ngọc Nhân cho biết thêm: "Là đơn vị tự chủ, chúng tôi xác định việc chế biến sâu, mở rộng thị trường là yếu tố quyết định để tăng doanh thu và phát triển Trung tâm trong thời gian tới. Do đó, Trung tâm đang ưu tiên phát triển bộ phận maketing để quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm trà túi lọc. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu chế biến sâu các sản phẩm khác từ nấm, trước mắt là một số sản phẩm chế biến từ nấm đông trùng hạ thảo".
Bên cạnh đơn vị sự nghiệp, một số doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất nấm trên địa bàn tỉnh cũng đã thử nghiệm chế biến sâu sản phẩm từ nấm. Đơn cử, năm 2022, Công ty CP Đầu tư phát triển Phú Cường Đạt (huyện Thạch Hà) triển khai dự án “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình chế biến, tiêu thụ nấm ăn tại huyện Thạch Hà”.
Ông Lê Đăng Cường, Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Phú Cường Đạt chia sẻ: "Chúng tôi đã sản xuất thành công các sản phẩm nấm sò muối chua, mứt nấm sò và trà túi lọc nấm linh chi, được thị trường đón nhận và mang lại lợi nhuận đáng kể. Trong năm 2023, doanh thu của các sản phẩm chế biến sâu từ nấm đạt khoảng 730 triệu đồng. Trung bình, sản phẩm chế biến sâu sẽ tăng khoảng 30-35% giá trị so với việc bán tươi, thô. Chúng tôi nhận thấy, việc chế biến sâu sẽ góp phần giải quyết được bài toán khó về thị trường tiêu thụ nấm tươi qua đó nâng tầm các sản phẩm từ nấm. Tuy nhiên rào cản là để chế biến sâu đòi hỏi nguồn lực lớn để đầu tư máy móc, thiết bị".
Từ những thử nghiệm ban đầu của các trung tâm, doanh nghiệp, hộ sản xuất cho thấy, khi mạnh dạn đầu tư các sản phẩm ở dạng chế biến sâu, cây nấm có thị trường rộng mở hơn, giá trị kinh tế cao hơn. Để thương hiệu “nấm Hà Tĩnh” vươn ra thị trường lớn, hướng đến xuất khẩu với giá trị tối ưu nhất, người sản xuất và các đơn vị, địa phương cần có giải pháp cơ cấu lại ngành hàng nấm. Song song với mở rộng sản xuất cần chú trọng mở rộng chế biến sâu sản phẩm; xây dựng chiến lược quảng bá, marketing, định vị thương hiệu.