Nẻo về Tết xưa...

(Baohatinh.vn) - Khi cây mận trong vườn nhà tôi bung đầy hoa trắng, ấy cũng là lúc xuân về.

Làng tôi ở dưới chân núi Nầm. “Trong làn nắng ửng khói mơ tan/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng” đã hiện lên những ô ruộng bàn cờ, xanh non màu lá mạ. Dường như chẳng ai bảo ai, nhưng tất cả đều chạy đua với công việc nhà nông để hoàn tất trong tháng chạp.

neo ve tet xua

Tết là dịp để sum họp gia đình (Ảnh: internet)

Bao giờ cũng vậy, kết thúc năm cũ, đón năm mới, không khí trong làng rộn ràng, tất bật hơn. Người lớn lo đủ thứ việc để gia đình đón Tết vui vẻ, đầm ấm. Dường như đã thành thói quen: Ngày 28 Tết, mọi người đưa tất cả nồi đồng, mâm đồng, thau nhôm ra bờ suối kỳ cọ… Chiếc “mươn” ăn cơm trong nhà cũng khuân đi cùng để đánh bóng cho thơm tho, sạch sẽ…

Không chỉ ở bờ suối, tại các giếng làng đều tíu tít người tụ tập vo gạo nếp, rửa lá dong xanh. Những hạt nếp trắng ngần, tích tụ giọt mồ hôi lam lũ nhà nông qua “năm nắng, mười mưa” để làm nên những chiếc bánh chưng linh thiêng, đặt trước bàn thờ tiên tổ. Câu chuyện về những đứa con xa quê, đang ở chiến trường, năm nay không về vui Tết, được nhiều người thăm hỏi và nhắc tới bên giếng làng. O Thoan, o Lý không giấu được niềm vui, rút trong túi áo mình ra bức thư chồng ở chiến trường Khe Sanh, đường Chín (Quảng Trị) vừa gửi về, đọc cho mọi người cùng nghe… Tin chiến thắng trong bức thư của người lính trẻ lan ra nóng hổi bên giếng làng tôi, lòng người như cánh én trời xuân chấp chới.

Những ngày này, phiên chợ Đình làng tôi đông nghịt. Hàng nồi đất, hàng kiềng, hàng cá trích từ biển lên, hàng cá mát từ thượng nguồn xuống, ai cũng đon đả chào mời. Dân làng tôi nghèo nên sắm Tết theo “kiểu nghèo”. Không ít gia đình dành dụm cả năm chỉ được vài ba đồng bạc, nhà khá hơn cũng chỉ năm, bảy đồng nên khi sắm Tết, các bà, các cô “chi li” từng hào một. Hào nào dành để mua chai nước mắm, hào nào mua vài thìa ruốc, hào nào mua tỏi, mua hành. Có bà cụ cao tuổi chỉ đủ tiền mua nổi 5 con cá trích về ăn Tết. Ngày ấy tuy nghèo nhưng ai cũng vui…

Càng cận ngày 30, không khí chuẩn bị Tết càng tất bật hơn. Hầu hết mọi đứa trẻ trong gia đình đều được bố mẹ giao nhiệm vụ cắt đủ 3-5 gánh cỏ đầy cho trâu bò. Đối với gia đình tôi, năm nào cũng vậy, ngay từ trung tuần tháng chạp, mẹ tôi đã chuẩn bị thức ăn cho từng con vật nuôi trong gia đình. Con gà được đãi bằng một hũ tấm, con lợn được đãi nồi cám vàng ninh nhừ với những hạt mít phơi khô…

Cứ mỗi lần sắp đến Tết, đội tôi lại được ông chủ nhiệm hợp tác xã phân phối cho một con lợn để giết thịt, trọng lượng khoảng 50 kg. Thứ lợn “giống cỏ” có bộ lông đen nhánh, nuôi suốt cả năm trong trại lợn Cửa Khâu. Con lợn được 4 nam thanh niên trong làng gánh về tận sân kho đội sản xuất. Suất chia được lên danh sách theo nhân khẩu từng gia đình. Phần xương, phần thịt, phần lòng đều được chia công bằng với con dao phay thái thịt lợn sắc ngọt.

Tôi và thằng Danh thường “cuộc” nhau: Ngày nào thì ông Du đội trưởng sẽ gọi xã viên đến chia khẩu phần thịt lợn cho xã viên. Sáng 27 hay sáng 29? Nếu ai đoán đúng, thì người thua phải nộp cho bạn mình 5 chiếc pháo “tép”. Tôi thường bị thua cuộc nên phải đưa pháo ngay cho Danh. Nhưng khi nghe lợn “éc” thì tôi lại nhanh chân hơn Danh để kịp đến xin ông đội trưởng chiếc “bong bóng” lợn đưa về thổi. Những lúc ấy, thằng Danh cũng không rời tôi với chiếc “bong bóng” lợn. Hai đứa thi nhau thổi phồng mang, phồng má, đến khi nào quả bóng to lên, căng tròn mới thôi. Rồi 2 đứa chúng tôi giơ tay búng bóng lên không trung và cười nắc nẻ.

Đêm 29 Tết, hầu hết mọi gia đình đều thức trắng để nấu bánh chưng, làm bánh dày, làm “giò quết”, giò da, chế biến mứt gừng, mứt bí, bánh nổ... Tiếng nhịp chày gỗ thậm thịch vang lên, tiếng cối xay quay vù vù. Tiếng lửa reo bên nồi bánh chưng lục bục... Đêm ấy, trời tối như mực, ngoài vườn, gió xuân hây hẩy thổi, mưa xuân nhè nhẹ rơi trên cành tre, cành bưởi. Đom đóm “đốt đèn” đi tìm bạn, bọn trẻ chúng tôi cũng đốt chổi trện cùn làm đuốc để tìm đến nhà nhau, cùng đánh tam cúc, tú lơ khơ bên ngọn đèn dầu hỏa, rồi lớn tiếng khoe với nhau, tết này, người lớn thưởng cho mình những gì. Hầu như đứa nào cũng tiết lộ: Bố mẹ đã dành cho mình 2 quả cam bù to nhất, đẹp nhất để sáng mồng một Tết làm quà chúc mừng thầy, cô giáo...

Thời gian trôi đi, bao nhiêu người thân của tôi và bà con, cô bác trong ký ức tuổi thơ những ngày Tết ấy giờ đã thành thiên cổ. Tết nay, không còn nghe tiếng lợn kêu “eng éc” ở sân kho hợp tác xã như xưa nữa, không còn tiếng pháo nổ đì đùng như xưa nữa. Thời của công nghệ thông tin nên trò chơi lớp trẻ bây giờ đã khác chúng tôi nhiều. Trẻ con thời hiện tại chẳng thể nào hình dung được “bức tranh xuân” của làng tôi ngày ấy. Ngày ấy, làng tôi tuy thiếu thốn, đói nghèo nhưng tình người nhân hậu, đằm thắm, đẹp như chuyện cổ tích.

Đọc thêm

Thành Sen bình yên ngày mùng 1 Tết

Thành Sen bình yên ngày mùng 1 Tết

Đường phố trung tâm tỉnh lỵ Hà Tĩnh sáng mùng 1 Tết tĩnh lặng, bình yên tạo một bầu không khí khoan khoái, tin tưởng vào những điều tốt đẹp trong năm mới.
Mãn nhãn màn pháo hoa đêm Giao thừa ở Hà Tĩnh

Mãn nhãn màn pháo hoa đêm Giao thừa ở Hà Tĩnh

Trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ với năm mới, màn pháo hoa rực sáng trên bầu trời Hà Tĩnh thể hiện niềm tin, khát vọng về một năm mới thịnh vượng và phát triển.
Năm Tỵ nói chuyện rắn

Năm Tỵ nói chuyện rắn

Trong các nền văn hóa trên thế giới, hình tượng con rắn thể hiện những hình ảnh khác nhau: thần hiền, thần ác, điều tốt, điều xấu, sự hủy diệt, tái sinh... Nhân dịp xuân Ất Tỵ, Báo Hà Tĩnh giới thiệu đến độc giả một số mẩu chuyện đặc sắc về con vật này.
Podcast truyện ngắn: Những trái cau non

Podcast truyện ngắn: Những trái cau non

Bà Mùi lén lau mắt, nhìn ra đường, người người đang hối hả về nhà. Trong nhà, ông Thời đã châm lên cây hương trầm cỡ đại, mùi thơm dâng lên ấm cả khoảnh sân rộng mênh mông, ấm lan cả ba trái cau non nhà bà...
Bài chòi Trung Bộ: Câu hò xứ Quảng

Bài chòi Trung Bộ: Câu hò xứ Quảng

Tiết mục "Câu hò xứ Quảng" là loại hình hò khoan đối đáp, dân ca Quảng Nam do Thu Mây biên tập và sáng tác lời mới, dựa trên làn điệu dân ca cổ. Biên đạo: Như Hà. Đoàn ca kịch Quảng Nam biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Đặc sắc mâm cỗ tết của các dân tộc

Đặc sắc mâm cỗ tết của các dân tộc

Mỗi dịp Tết đến, xuân về, đồng bào các dân tộc ở Việt Nam lại rộn ràng chuẩn bị mâm cỗ Tết. Báo Hà Tĩnh giới thiệu đến độc giả một số mâm cỗ đặc sắc của các dân tộc trên cả nước.
Podcast truyện ngắn: Cánh đồng mùa xuân

Podcast truyện ngắn: Cánh đồng mùa xuân

Anh thấy lòng rộng mở. Mọi ngại ngần đột nhiên biến mất. Trên cánh đồng làng mùa xuân, bó hoa trên tay Tín báo hiệu cho anh một cơ hội mới đã lại bắt đầu…!
Hát xoan Phú Thọ: Bỏ bộ

Hát xoan Phú Thọ: Bỏ bộ

Tiết mục hát xoan Phú Thọ "Bỏ bộ" do các nghệ nhân dân gian phường Xoan An Khái, Kim Đức, Phú Thọ biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Podcas tản văn: Xuân quê hương

Podcas tản văn: Xuân quê hương

Đã bao mùa xuân trôi qua nơi đất khách, nay trở về quê nhà, tôi như thấy mình lạc bước vào một thước phim cũ, nơi mà từng khung hình đều nhuốm màu ký ức...
Hát xoan Phú Thọ: Trống quân đón đào

Hát xoan Phú Thọ: Trống quân đón đào

Tiết mục hát xoan Phú Thọ "Trống quân đón đào" do các nghệ nhân dân gian phường Xoan An Khái, Kim Đức, Phú Thọ biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
"Anh hùng xạ điêu: Hiệp chi đại giả" lập kỷ lục

"Anh hùng xạ điêu: Hiệp chi đại giả" lập kỷ lục

Mặc dù bị chê lạm dụng kỹ xảo và diễn viên chính không hợp vai, "Anh hùng xạ điêu: Hiệp chi đại giả" vẫn lập kỷ lục là tác phẩm nội địa có doanh thu đặt trước cao nhất điện ảnh Trung Quốc.
Mùa vui nay đã về

Mùa vui nay đã về

Còn gì đẹp hơn trong khung cảnh mùa xuân ấm áp, thanh bình, lứa đôi hò hẹn. Còn gì hạnh phúc hơn khi xuân về, nhà nhà đoàn viên trong một đất nước hòa bình, ấm no. Mùa vui nay đã về...
Podcast truyện ngắn: Chiều đông

Podcast truyện ngắn: Chiều đông

Trái tim bà Tuyết bỗng rộn ràng, cái giá lạnh của mùa đông dường như tan biến. Bà cứ thế ôm lấy đứa trẻ, chạy thật nhanh qua con đường, băng qua bóng tối và giá lạnh. Bà Tuyết tin rằng, trước mắt mình chắc chắn là ánh sáng.