Okhotnik, có nghĩa là “Thợ săn” trong tiếng Nga, là drone tấn công cùng loại với Dassault nEUROn của Pháp và Boeing Loyal Wingman của Mỹ, có thể hoạt động như một cánh tay nối dài, mở rộng năng lực của máy bay có người lái, đặc biệt là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5. Những chiếc drone tấn công này về cơ bản có thể mở rộng phạm vi cảm biến và vũ khí của máy bay chiến đấu có người lái, cho phép chiến đấu cơ chính có phạm vi hoạt động và tiêu diệt lớn hơn trong mỗi sứ mạng.
Theo truyền thông Nga, loạt thử nghiệm nói trên đã đưa Okhotnik trở thành một máy bay chiến đấu đánh chặn với tên lửa không đối không mô phỏng, cho phép đánh giá khả năng kết hợp giữa hệ thống điện tử hàng không của nó với hệ thống dẫn đường tên lửa và dẫn đường cho tiêm kích chiến đấu Su-57. báo cáo. Trước đó, Okhotnik đã được kiểm tra chất lượng bay và hoạt động của các hệ thống trên máy bay.
Okhotnik, có thiết kế cánh bay được làm bằng vật liệu “tàng hình”, làm giảm khả năng theo dõi của radar đối phương, được dự kiến là máy bay không người lái tấn công hạng nặng đầu tiên phục vụ trong Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga. Quá trình phát triển chiếc dron này bắt đầu từ năm 2011 và nó đã lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng trong những hình ảnh trên mạng xã hội vào tháng 1/2019.
Nga được cho là đang tụt hậu so với phương Tây ở mảng máy bay không người lái chiến lược như MQ-9 Reaper của Mỹ, loại máy bay được tối ưu hóa cho các cuộc tấn công chính xác tầm xa. Theo giới phân tích quân sự, Moskva vẫn chưa làm chủ được các công nghệ máy bay không người lái chiến lược quan trọng, như quang học, hệ thống điện tử cho máy bay hạng nhẹ và vật liệu composite.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích tin rằng Nga đang đi trước phương Tây về máy bay không người lái chiến thuật, như đã thấy trong xung đột đang diễn ra ở Ukraine và các cuộc xung đột đóng băng ở Abkhazia và Nam Ossetia.
Tại Ukraine, phe ly khai ở Donbass được Nga ủng hộ, sở hữu các máy bay không người lái bao gồm các mẫu thương mại và quân sự như Forpost, Granat series, Orlan-10, Tachyon và Zastava. Các máy bay không người lái này hoạt động theo cách tích hợp với pháo binh, bộ binh, lực lượng đặc biệt và tác chiến điện tử. Chúng được tích hợp trong một khái niệm mới của Nga được gọi là nhóm tác chiến tiểu đoàn bán tự trị (BTG).
Sự tích hợp đó nhằm mục đích đẩy nhanh các luồng thông tin báo cáo về và hoạt động như một mô hình tấn công - trinh sát, thông qua kết hợp chặt chẽ các máy bay không người lái với mục tiêu tấn công, đẩy nhanh tốc độ hỏa lực áp đảo để hỗ trợ các chỉ huy chiến thuật.
Tại Abkhazia và Nam Ossetia, Nga đã vận hành máy bay không người lái chiến thuật từ các căn cứ quân sự trong khu vực. Mặc dù có thể không xảy ra một cuộc chiến máy bay không người lái tinh vi giữa Nga và Gruzia, nhưng chúng đang được sử dụng để giám sát các Đường Ranh giới Hành chính (ABL).
Khả năng bay không người lái và mô hình tấn công trinh sát của Nga đã được thể hiện một cách sinh động vào tháng 7/2014 tại Zelenopillya. Ba cơ sở lớn của quân đội Ukraine đóng tại đây đã bị phá hủy bởi các loại pháo binh và tên lửa của lực lượng ly khai. Trước cuộc tấn công, binh sĩ Ukraine đã báo cáo rằng máy bay không người lái do thám trại của họ và một máy bay không người lái Orlan-10 do Nga sản xuất đã bị bắn hạ.
Những khả năng này một lần nữa được thể hiện trong Trận chiến Debaltseve năm 2015, nơi máy bay không người lái kết hợp với lực lượng đặc biệt, pháo binh và thiết giáp để áp đảo lực lượng Ukraine sau các trận giao tranh ác liệt kéo dài. Cũng như ở Zelenopillya, máy bay không người lái đã hoạt động tích cực trên không trước các cuộc tấn công ác liệt của tên lửa và pháo binh vào các vị trí của Ukraine.
Với những thành công của máy bay không người lái chiến thuật Nga ở Ukraine, Nam Ossetia và Abkhazia, chương trình phát triển máy bay không người lái của Moskva được đánh giá tốt nhất trong bối cảnh môi trường chiến lược và học thuyết quân sự của nước này.
Mặc dù Nga có thể tụt hậu so với phương Tây trong việc phát triển máy bay không người lái chiến lược, nhưng môi trường chiến lược và các cuộc xung đột đang diễn ra vẫn đặt ra những yêu cầu khác nhau đối với sự phát triển công nghệ máy bay không người lái của Nga, một lý do khiến đến nay Moskva vẫn ưu tiên drone chiến thuật hơn là chiến lược.