Truyền thông Nga ngày 27/11 dẫn cơ sở dữ liệu của Bộ Nội vụ cho biết phát ngôn viên Meta Andy Stone nằm trong danh sách bị truy nã. Bộ Nội vụ Nga đã mở điều tra hình sự với Stone, nhưng không nêu các cáo buộc nhằm vào người này.
Hồi tháng 3/2022, Ủy ban Điều tra Nga thông báo mở điều tra hình sự “chống lại các hành động bất hợp pháp của nhân viên Meta” và đề cập tới phát ngôn viên Stone. Ủy ban Điều tra Nga nói rằng Stone đã dỡ bỏ lệnh cấm kêu gọi bạo lực nhằm vào quân đội Nga trên các nền tảng của Meta, từ đó kích động những hành vi cực đoan.
Theo các điều tra viên, Meta có thể vi phạm Điều 280 và 205.1 của Bộ luật Hình sự Nga, trong đó có cáo buộc kêu gọi công chúng tham gia những hoạt động cực đoan và hỗ trợ các hoạt động khủng bố.
Logo Meta được chụp ở Paris, Pháp, hồi tháng 6/2022. Ảnh: Reuters
Nga liệt Meta, chủ sở hữu các nền tảng mạng xã hội Facebook và Instagram, vào danh sách những tổ chức “khủng bố và cực đoan” hồi tháng 10/2022. Facebook và Instagram cũng đã bị chặn ở Nga với cáo buộc tiếp tay cho các phát ngôn thù địch nhằm vào công dân Nga và giúp lan truyền những thông tin sai lệch về quân đội Nga sau chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine hồi tháng 2/2022.
Hãng thông tấn Reuters hồi tháng 3/2022 đưa tin rằng Meta đã quyết định nới lỏng các quy định ở một số quốc gia, cho phép người dùng Facebook và Instagram “kêu gọi bạo lực chống lại người Nga và binh lính Nga”.
Phát ngôn viên Meta Stone khi đó gọi thông tin của Reuters là “giật gân” và giải thích rằng do cuộc xung đột ở Ukraine, Meta đã tạm thời cho phép các bài đăng thể hiện quan điểm về quân đội Nga, nhưng vẫn không cho phép các nội dung bạo lực nhắm vào dân thường Nga.