Ngắm “siêu trăng” sau 68 năm mới xuất hiện

Mặt trăng sẽ ở gần Trái đất nhất trong vòng 68 năm qua, vào lúc 20g52 (giờ Việt Nam) ngày thứ hai, 14-11.

ngam sieu trang sau 68 nam moi xuat hien

Trăng tròn thông thường (trái) so với trăng tại cận điểm/siêu trăng - Ảnh: do Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam cung cấp

Trăng tròn vào tối 14-11 này sẽ lớn hơn bình thường, với diện tích lớn hơn khoảng 30%, độ sáng cũng lớn hơn khoảng 30%, được giới thiên văn học gọi là siêu trăng. Liệu sự xuất hiện lần này của siêu trăng có gây ra những hiện tượng như sóng thần, động đất... như nhiều đồn đoán trên mạng xã hội?

Siêu trăng là gì?

Theo nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn - chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam, siêu trăng (super moon) là sự trùng hợp, khi Mặt trăng đi vào điểm cận địa (điểm gần Trái đất nhất trên quỹ đạo elip của nó quanh Trái đất) vào đúng hoặc lân cận thời điểm trăng tròn hay không trăng.

Với người quan sát trên Trái đất, thời điểm không trăng là không thể quan sát được, chỉ có thể quan sát sự trùng hợp này vào thời điểm trăng tròn.

Khi siêu trăng diễn ra vào đêm trăng tròn, đĩa sáng Mặt trăng có đường kính lớn hơn vào thời điểm Mặt trăng ở điểm viễn địa (điểm xa nhất trên quỹ đạo) khoảng 14% (diện tích lớn hơn sẽ vào khoảng 30%), và độ sáng lớn hơn khoảng 30%.

Trên thực tế, so với hầu hết những lần trăng tròn thông thường, siêu trăng chỉ có đường kính lớn hơn dưới 10%, không gây ra khác biệt đáng kể khi quan sát trực tiếp.

Ảnh hưởng thế nào đến Trái đất?

Như mọi lần trùng hợp khác, Mặt trăng vào đêm 14-11 này sẽ đạt điểm trăng tròn (full moon) chỉ sau khoảng hơn hai giờ, kể từ thời điểm nó đạt cận địa.

Thời điểm cận địa của Mặt trăng sẽ rơi vào lúc 18g30 ngày 14-11, còn điểm trăng tròn sẽ là 20g52 hôm đó (giờ Việt Nam).

Tại cận địa lần này, Mặt trăng sẽ cách Trái đất 356.536km. Việc này được cho là đặc biệt, vì đây là lần Mặt trăng đến gần Trái đất nhất kể từ năm 1948 (68 năm trước), khi đó nó còn tới gần Trái đất hơn lần này đến 48km. Lần tiếp theo Mặt trăng đến gần Trái đất như vậy là ngày 25-11-2034.

Nghe qua thì có vẻ Mặt trăng rất gần Trái đất. Nhưng hãy nhớ rằng, khoảng cách trung bình từ Mặt trăng tới Trái đất là 384.000km, còn khoảng cách trung bình của các lần cận địa là khoảng 360.000km.

ngam sieu trang sau 68 nam moi xuat hien

So sánh Mặt trăng khi ở vị trí cận điểm và viễn điểm

Như vậy, độ chênh lệch giữa lần cận địa này so với những lần cận địa khác là không hề nhiều, chỉ khoảng 1%. Do đó, các nhà khoa học đều khẳng định: thông tin siêu trăng sẽ tác động đến các thiên tai trên Trái đất như sóng thần, động đất đều là bịa đặt, không chính xác.

Thực tế, lực hấp dẫn giữa hai thiên thể gần như không tăng lên, nếu có thì chỉ đủ làm cho thủy triều cao hơn một chút, nhưng cũng không đủ để có thể nhận ra bằng quan sát thông thường. Về cơ bản, siêu trăng không gây ra bất cứ ảnh hưởng nào cho hoạt động của con người cũng như các điều kiện tự nhiên của Trái đất.

Nói về ảnh hưởng của hiện tượng thiên nhiên này đến Trái đất, GS.TSKH Lê Minh Triết, phó chủ tịch Hội Vật lý TP.HCM, cho biết sức hấp dẫn của Mặt trăng có những ảnh hưởng đến thủy triều, địa triều và khí triều trên Trái đất; nhưng trong đời sống con người thì được biết nhiều nhất là thủy triều.

Ngoài ra, người ta cũng cho rằng hiện tượng này có mối tương quan nào đó đến sức khỏe con người và thời tiết trên Trái đất, nhưng đó chưa phải là lý thuyết hoàn chỉnh, rõ ràng và khoa học.

“Đó là sự vần vũ của tự nhiên, và chúng ta cũng đã từng chứng kiến nên sẽ không có những biến động lớn gì” - GS.TSKH Lê Minh Triết nhắn nhủ.

Quan sát, chụp ảnh siêu trăng ra sao?

Đối với việc quan sát Mặt trăng vào tối 14-11, so với những lần trăng tròn thông thường, đường kính biểu kiến của Mặt trăng trên bầu trời sẽ lớn hơn khoảng 7%, và độ sáng sẽ lớn hơn khoảng 14%.

GS.TSKH Lê Minh Triết cho biết ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, nếu muốn chọn địa điểm lý tưởng ngắm siêu trăng thì cần phải chọn một nơi ít ánh sáng nhân tạo nhất.

“Trăng lúc to, tròn, sáng nhất sẽ rất đẹp. Nếu không có điều kiện ra ngắm trăng ở ngoại thành, bạn có thể chọn một nơi cao, ít ánh sáng nhân tạo nhất để ngắm được hiện tượng thiên nhiên thú vị này” - GS.TSKH Lê Minh Triết cho biết thêm.

Nếu như trăng không bị mây hoặc thời tiết không thuận lợi che lấp, người yêu thiên văn học cũng có thể ngắm trăng bằng mắt thường vào đêm 14-11. Nhưng nếu có kính viễn vọng (kính thiên văn) thì sẽ quan sát Mặt trăng rõ, đẹp và cảm nhận ánh sáng của nó rực rỡ hơn.

Khi đến những vị trí tốt để ngắm trăng, người quan sát cũng có thể quay phim, chụp ảnh về siêu trăng, vì ánh sáng của Mặt trăng thực sự thân thiện với hầu hết các loại ống kính máy ảnh.

NGUYỄN TÂN KHẢI (22 tuổi, chuyên chụp ảnh thiên văn, TP.HCM): Nên ngắm siêu trăng vào lúc 18 giờ

Đối với dân thiên văn như mình, siêu trăng cũng không quá đặc biệt. Nó là hiện tượng thường xuyên xảy ra. Qua phép tính toán khoa học, chúng ta mới biết Mặt trăng to hơn lúc này, chứ bằng mắt thường thì hoàn toàn không dễ nhận ra.

Có một mẹo nhỏ của dân chụp ảnh Mặt trăng là nên ngắm Mặt trăng từ 17-18g, lúc 18g30 là lúc cực đại. Khi đó Mặt trăng nằm sát đường chân trời, cộng thêm kích thước to hơn bình thường nên sẽ gây ảo giác cho người ngắm, người chụp ảnh là Mặt trăng rất lớn.

Tôi cũng sẽ đón siêu trăng lần này nhưng không quá háo hức, vì đã “săm soi” Mặt trăng nhiều lần rồi.

TƯỜNG HÂN

Theo tuoitre.vn

Đọc thêm

Tản văn: Chiếc nón của mẹ

Tản văn: Chiếc nón của mẹ

Khi đã trải qua quá nhiều va vấp trên đường đời, tôi càng thấm thía hơn những nghĩa tình ấy. Chợt nhận ra, mẹ cũng chính là một chiếc nón vĩ đại che chở tôi đến hết cuộc đời…
Hoa hậu AI đầu tiên trên thế giới lộ diện

Hoa hậu AI đầu tiên trên thế giới lộ diện

Kenza Layli - một nhân vật hoàn toàn được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo, vừa giành giải Hoa hậu AI. Người đẹp ảo này vốn có sức ảnh hưởng về mảng phong cách sống, thu hút lượng người theo dõi đông đảo trên Instagram, TikTok.
Vòng xòe nở hoa

Vòng xòe nở hoa

Đến Nghĩa trang Liệt sỹ Điện Biên Phủ, bà không tin là trong đời mình, có ngày lại được tự tay thắp hương lên mộ những vị anh hùng dân tộc...
Tản văn: Căn nhà tuổi thơ

Tản văn: Căn nhà tuổi thơ

Tôi lớn lên, cảm giác như không gian nhỏ hẹp đi. Cái man mác buồn bơ vơ của ngày nhỏ cũng không còn nữa. Thiếu thốn qua đi, kỷ niệm không còn nguyên sơ nữa...
Khoảnh khắc

Khoảnh khắc

Đêm tàn dần. Bình minh bắt đầu lên từ phía bên kia thành phố. Huyên đi qua một đêm thức trắng, kỷ niệm chầm chậm trôi trong đầu như một cuốn phim...
Tản văn: Hừng nắng sau cơn mưa

Tản văn: Hừng nắng sau cơn mưa

Sau mỗi lần trời mưa, tôi thường có thói quen ngồi ở một chỗ nào đó thật cao để đón lấy cái hừng nắng đầu tiên. Cái hừng nắng trông non nớt mà lại vô cùng mạnh mẽ...
Vienna tiếp tục là thành phố đáng sống nhất thế giới

Vienna tiếp tục là thành phố đáng sống nhất thế giới

Thủ đô Vienna của Áo một lần nữa được “xướng tên” là thành phố đáng sống nhất trên thế giới, theo bảng xếp hạng thường niên của Economist Intelligence Unit (EIU) - cơ quan nghiên cứu kinh tế thuộc tập đoàn dịch vụ thông tin và truyền thông toàn cầu The Economist, trong đó có báo The Economist.
Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông

Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông

Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh khẳng định ‘khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông’, mà bắt đầu từ chính triết lý, văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức…