Ngành Tư pháp triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các mặt công tác

(Baohatinh.vn) - Tại Hà Tĩnh, trong năm 2023 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác tư pháp đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; chất lượng văn bản QPPL của tỉnh ngày càng được nâng cao.

Chiều 25/12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2023, đánh giá kết quả công tác giữa nhiệm kỳ; định hướng nhiệm vụ đến hết nhiệm kỳ 2021 - 2026, triển khai công tác năm 2024.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và các Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì tại điểm cầu Hà Nội. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia tham dự.

Ngành Tư pháp triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các mặt công tác

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: baodientuchinhphu).

Trong năm 2023 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành Tư pháp được thực hiện thống nhất, đồng bộ, bám sát mục tiêu phát triển KT-XH của Đảng, Quốc hội, phương châm hành động nhiệm kỳ và nghị quyết hằng năm của Chính phủ; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị toàn quốc về triển khai công tác tư pháp hằng năm; sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Tính chung từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 2.198 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). Ở các địa phương, đã ban hành 12.873 văn bản QPPL cấp tỉnh, 7.891 văn bản QPPL cấp huyện, 5.4733 văn bản QPPL cấp xã. Toàn ngành đã kiểm tra theo thẩm quyền 37.153 văn bản QPPL.

Ngành Tư pháp triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các mặt công tác

Hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tiếp tục được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 1.464.569 cuộc PBGDPL trực tiếp cho hơn 100 triệu lượt người. Toàn quốc đã chứng thực hơn 255 triệu bản sao; thực hiện được 25.987.715 việc chứng thực chữ ký, hợp đồng, giao dịch.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cả nước đã tiếp nhận 302.172 vụ việc hoà giải, trong đó, số vụ việc hoà giải thành là 259.554 vụ việc và tỷ lệ hòa giải thành tăng liên tục trong các năm. Các cơ quan THADS đã nỗ lực thi hành xong 1.609.462 việc, tương ứng với hơn 211.073 tỷ đồng. Kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế: đã thi hành xong hơn 6.856 việc, với hơn 40.488 tỷ đồng.

Ngoài ra, các công tác trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật; công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về pháp luật; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng... đạt nhiều kết quả tích cực.

Ngành Tư pháp triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các mặt công tác

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Hội nghị cũng đã định hướng nhiệm vụ công tác đến hết nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, ngành Tư pháp tiếp tục kế thừa, phát huy những kết quả đạt được của Bộ, ngành Tư pháp trong tham mưu xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật trong những năm qua, trên cơ sở bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thi hành án. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS được Quốc hội, Chính phủ giao hằng năm.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế; Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 13/1/2023 của Thủ tướng phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS đối với các bản án, quyết định kinh doanh, thương mại giai đoạn 2023 - 2028”...

Ngành Tư pháp triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các mặt công tác

Đại biểu theo dõi hội nghị.

Trước mắt, trong năm 2024, kịp thời quán triệt, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp, nhất là tiếp tục tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Tiếp tục tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Tư pháp theo Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Tư pháp giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030...

Tại Hà Tĩnh, trong năm 2023 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác tư pháp đã đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Chất lượng văn bản QPPL của tỉnh ngày càng được nâng cao; hình thức, nội dung PBGDPL ngày càng đa dạng, hiệu quả.

Công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, số lượng, chất lượng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở được tăng cường. Các nhiệm vụ thuộc Đề án 06 được triển khai quyết liệt, kịp thời, nhất là việc triển khai chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; kết nối dịch vụ công thiết yếu trong lĩnh vực lý lịch tư pháp, hộ tịch, liên thông 2 nhóm thủ tục hành chính đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử... thống nhất, đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh.

Đặc biệt, vai trò của ngành Tư pháp trong việc tham gia giải quyết các vấn đề phức tạp, tồn đọng, kéo dài trong quá trình phát triển KT-XH của địa phương và tham gia ý kiến đối với các hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh ngày càng được khẳng định, là căn cứ tin cậy để UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đưa ra phương án giải quyết các vụ việc.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị Bộ, ngành Tư pháp ngoài thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra tại hội nghị, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các việc có điều kiện thi hành án, nhất là các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài. Tham mưu giúp Chính phủ thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về thi hành án hành chính.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; bổ trợ tư pháp; lý lịch tư pháp... Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng chỉ đạo của Đảng và quy định của pháp luật, tập trung vào lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Thực hiện tốt việc kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học pháp lý; có cơ chế thu hút nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp, trình độ chuyên môn cao về làm việc tại Bộ, ngành Tư pháp...

Chủ đề Hà Tĩnh 24h

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast