Ngày cuối năm với chiến sĩ biên phòng Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Cái rét se sắt những ngày cuối đông không cản được bước chân chúng tôi đến với các chiến sĩ biên phòng Hà Tĩnh. Càng đi càng hiểu hơn những vất vả của người lính canh giữ biên ải nơi “thâm sơn cùng cốc’ và nơi đầu sóng ngọn gió, cảm phục tinh thần vì dân, sự thông minh, quả cảm của họ.

“Ốc đảo” giữa điệp trùng núi non

Đồn Biên phòng Hương Quang nằm sâu trong rừng đại ngàn Vũ Quang. Muốn đặt chân đến đây, chúng tôi phải vượt lòng hồ Ngàn Trươi mùa lạnh với cái gió núi thổi ràn rạt trên mặt hồ. Nhờ được hẹn trước, sau 2h đồng hồ ngồi trên thuyền, 11h trưa, chúng tôi cập bến Cò và được xe ôtô của đồn chở xuyên rừng trên con đường lầy lội. Hai chiếc ôtô cũ này cũng phải “ngồi thuyền” vào đây bởi sau khi ngăn đập Ngàn Trươi, chỉ còn cách duy nhất là phải “quá giang”.

Nằm lọt thỏm giữa núi rừng âm u quanh năm sương mù, Đồn Biên phòng Hương Quang nổi lên như một vùng ánh sáng vàng tươi.

Ngày cuối năm với chiến sĩ biên phòng Hà Tĩnh

Đường vào Đồn Biên phòng Hương Quang. Ảnh BMH

Thiếu tá Đoàn Đức Long - Đồn trưởng cho biết: Khu vực tuần tra của đơn vị trải rộng trên vùng núi rừng điệp trùng hơn 46 km đường biên giới Việt - Lào. Vài năm trước, người ta biết đến là đồn “4 không” (không điện thoại, không sóng truyền hình, không đường, không dân), nay chỉ còn “hai không” (không có đường, không dân).

Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ rừng, chống người nước ngoài xâm nhập, nhất là trong dịch Covid-19, giữ vững an ninh vùng biên của 2 xã Quang Thọ”.

Ngày cuối năm với chiến sĩ biên phòng Hà Tĩnh

CBCS Đồn Biên phòng Hương Quang trò chuyện với cán bộ Hội LHPN Hà Tĩnh. Ảnh: BMH

Nằm lọt thỏm giữa đại ngàn thâm u, men vào đường rừng khe suối nên việc tuần tra ngày mưa gió vô cùng vất vả, thực phẩm phần lớn phải tự túc. Đường đi lại cách trở nên việc về phép thăm nhà của các chiến sĩ rất hạn chế.

Vậy mà ở đây, các anh luôn làm tốt nhiệm vụ tuần tra biên giới, phối hợp tốt với Vườn Quốc gia Vũ Quang bảo vệ rừng, hồ Ngàn Trươi. Các anh đã nuôi 45 con trâu, 80 con lợn rừng, 300 con gà. Phong trào văn hóa văn nghệ sôi nổi. Chiến sĩ còn làm báo tường phục vụ các sự kiện lớn của Đồn.

Ngày cuối năm với chiến sĩ biên phòng Hà Tĩnh

Chiến sĩ còn làm báo tường phục vụ các sự kiện lớn của Đồn. Ảnh: BMH

Ngồi cùng thuyền với chúng tôi trên đường trở về là Thiếu tá Chu Trọng Đình. Anh tranh thủ “quá giang” về thăm vợ ở thị xã Hồng Lĩnh, bởi “ở đây nếu được cho về, nhiều người cũng không thể vì phải thuê thuyền của dân vượt hồ mất 4h.

Cả đi và về hết tiền triệu, rồi còn phải tìm phương tiện chở ra bến xe, quãng đường vài ba chục km, mà không phải khi nào cũng sẵn xe. Anh em phải tranh thủ lúc có người đi mua thực phẩm hoặc có đoàn công tác xin đi cùng thì mới về thăm nhà được. Ở nhà vợ đau con ốm cũng chịu”

Ngôi nhà xanh bên Cảng biển Sơn Dương

Nằm bên cảng biển Sơn Dương rộng lớn với những ống khói nhà máy, cầu cảng, những con tàu sơn đủ ký hiệu, có một ngôi nhà xanh thoáng đẹp như một bức tranh, đó là Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cảng Vũng Áng - Sơn Dương, đơn vị điển hình xanh, sạch đẹp, văn minh của biên phòng Hà Tĩnh.

Trung tá Hồ Sĩ Thắng, một người điềm đạm và chỉn chu dẫn tôi đi thăm các khu vực của đồn. Mặt tiền là khoảng sân rộng, vuông vức, bề thế. Cây bóng mát, cây cảnh, cây ăn quả đủ loại được bố trí như một công viên. Vườn rau, vườn thanh long, vườn thuốc nam, khu trồng cây dược liệu, khu chế biến nước mắm, khu chăn nuôi... nhìn vào đâu cũng đẹp mắt, sạch sẽ.

Ngày cuối năm với chiến sĩ biên phòng Hà Tĩnh

Tác giả trò chuyện cùng Trung tá Hồ Sĩ Thắng - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy BĐBP Cửa khẩu Cảng Vũng Áng - Sơn Dương. Ảnh Minh Toàn

Công việc của CBCS ở đây diễn ra âm thầm mà không kém phần phức tạp. Các anh có nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự tại các cảng, tạo điều kiện cho các dự án trong khu kinh tế Vũng Áng hoạt động. Công việc hàng ngày của những người lính áo xanh là kiểm soát tàu thuyền, người ra vào cảng, giám sát hoạt động xuất nhập cảnh với thủy thủ và thuyền viên. Khu vực tuần tra rộng lớn 50 ha, buộc các trạm phải chia khu vực để kiểm soát.

Ngày cuối năm với chiến sĩ biên phòng Hà Tĩnh

Vườn rau xanh của Ban Chỉ huy BĐBP Cửa khẩu Cảng Vũng Áng - Sơn Dương. Ảnh: BMH

Các anh còn tham gia cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền, thuyền viên, ngăn chặn nạn đánh bắt, hủy diệt hải sản bằng tàu giã cào. Lại còn tham gia tuyên truyền vận động Nhân dân các xã di dời giải phóng mặt bằng.

Ngày cuối năm với chiến sĩ biên phòng Hà Tĩnh

CBCS Trạm Biên phòng cảng Sơn Dương làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tàu và thuyền viên nhập cảnh. Ảnh Minh Toàn

Năm 2020, một năm đầy khó khăn bởi thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, đại dịch Covid-19 hoành hành. Khu kinh tế Vũng Áng tập trung nhiều người nước ngoài. Là địa bàn trọng điểm cần tập trung phòng chống, CBCS của đồn phải tham gia ngăn chặn không để thủy thủ, thuyền viên lên bờ. Bóng những chiếc áo xanh nhỏ bé ngày ngày vẫn lặng lẽ đi bên cạnh những chiếc tàu lớn, góp phần làm cho cảng biển Vũng Áng, Sơn Dương sôi động mà vẫn bình yên.

Những người ngồi trên sóng dữ

Khu nhà của Hải đội 2 Biên phòng Hà Tĩnh nằm hướng mặt ra biển như tâm thế xung kích của những người lính nơi đây. Lần đầu gặp và trò chuyện với Thiếu tá Nguyễn Đức Trí, Hải đội trưởng, tôi không khỏi ngạc nhiên bởi đằng sau dáng vẻ thư sinh, mảnh khảnh ấy là một người khỏe sóng khỏe gió vào bậc nhất của Hải đội.

Trí quê Thạch Châu, Lộc Hà, tốt nghiệp Học viện Hải quân. Mới 36 tuổi nhưng anh đã có 11 năm đối mặt với sóng gió trên những con tàu cứu hộ, cứu nạn và tuần tra vùng biển Hà Tĩnh.

Ngày cuối năm với chiến sĩ biên phòng Hà Tĩnh

Thiếu tá Nguyễn Đức Trí (Người đứng) ra chỉ lệnh liên lạc với tàu tuần tra trên biển . Ảnh BMH

Hiện Hải đội 2 có đội tàu 3 chiếc gồm 3000 CV, 4000 CV, 350 CV và 9 ca nô. Các CBCS thường xuyên phải ăn ở trên tàu, đi lại trên biển. Với họ “tàu là nhà, biển cả là quê hương”. Cứ mỗi lần đài báo gió mùa Đông Bắc hay báo bão, ngày hay đêm, tất cả đều “có lệnh là đi, tư thế sẵn sàng”, lên tàu vật lộn với sóng dữ gió to để cứu thuyền và ngư dân ra khỏi vùng nguy hiểm, cập bến an toàn.

Những giờ phút cấp bách nhất, Trí thường trực tiếp xuống tàu chỉ huy. Anh không nhớ rõ mình đã lái tàu cứu hộ cứu nạn bao nhiêu chuyến, bao nhiêu lần đối mặt với hiểm nguy. “Đi biển nhiều nhưng tôi nhớ nhất là vào tháng 6/2013, trong cơn bão số 6, chúng tôi nhận được lệnh đi cứu thuyền ngư dân thị xã Hoàng Mai, Nghệ An. 1h chiều đi mà mãi đến 7h sáng hôm sau mới trở về bởi khi ra ngược sóng, gặp phải sóng cồn trắng xóa trùm qua thân tàu, tưởng nhấn chìm tàu xuống biển.

Là dân hàng hải có 6 năm học nghề đi biển, tôi phải lái tàu một tay giật, một tay nghiêng, lựa chiều sóng để thuyền không bị lật. Thuyền trưởng lúc đó là anh Ngô Đức Đông, nguyên Hải đội trưởng. Thấy tình hình nguy nan, anh bảo chúng tôi mặc quần áo dài, áo phao vào, thấy chúng tôi ngạc nhiên, anh bảo khi nào vào được bờ anh sẽ nói lý do. Sau khi vào bờ, chúng tôi mới hiểu anh bảo làm vậy để lỡ có rơi xuống biển, thi hài còn nguyên vẹn bộ xương. Dân đi biển kiêng nói chuyện chết. May chúng tôi đã qua khỏi và tuy rất mệt nhưng vui mừng là đã cứu được 12 ngư dân.”

Ngày cuối năm với chiến sĩ biên phòng Hà Tĩnh

Hải đội 2 đã kịp thời cứu sống ngư dân ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, đưa vào bờ để chuyển đi cấp cứu. Ảnh: Minh Toàn

Ngày 29/7/2019, Hải đội 2 đã kịp thời cứu một ngư dân ở Quỳnh Lưu, Nghệ An bị tai biến trên tàu NA 92626 TS, cách bở 70 hải lý. Trong trận lũ lịch sử 2020 vừa qua, các anh đã cử 15 lượt phương tiện với 60 CBCS tham gia cứu trợ tại Cẩm Xuyên, thành phố Hà Tĩnh và TX Kỳ Anh.

Với lính Hải đội 2, tết đến 3 tàu phải trực chiến, các bộ phận còn lại nghỉ tết 30%. Anh em đón tết trên tàu, bộ phận trực ở nhà thì đón tết tại đồn bộ. Lính thông tin thường xuyên phải trực bộ đàm, ăn ngủ cùng máy móc. “Nhiệm vụ mà, ai cũng xác định như vậy nên đều vui vẻ” - Chính trị viên Phan Kim Hà cho biết thêm.

Ngày cuối năm với chiến sĩ biên phòng Hà Tĩnh

Khi tôi ngồi viết những dòng này, cơn gió mùa Đông Bắc lại ràn rạt thổi. Báo đài liên tục báo tin về đợt rét đậm, rét hại diễn ra vào những ngày cuối cùng của năm cũ 2020. Tôi biết, những người lính áo xanh lại phải đối mặt với những con gió lạnh tê tái như quất vào da thịt, những con sóng hung dữ như thủy thần.

Và những người lính biên phòng lại căng mình đối mặt với gió, với sóng. Bởi với họ, “giúp dân, cứu dân, bảo vệ an ninh biên giới, bờ biển là mệnh lệnh của trái tim, dẫu biết rằng mình có thể hy sinh nhưng không thể làm khác được” như lời của Thiếu tá Nguyễn Đức Trí.

Đọc thêm

Phó Thủ tướng gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà

Phó Thủ tướng gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Nguyễn Hoà Bình vừa gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh về thành tích xuất sắc triệt phá thành công đường dây buôn bán hơn 6.000 điện thoại di động giả. Trong thư Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình viết:
Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Dưới sự chủ trì phối hợp của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm lâm… đã cùng vào cuộc hiệu quả chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đối với những trẻ em mồ côi của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giúp các cháu vơi bớt khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.