Các đại biểu tham dự hội nghị
Chiều 17/12, tại khách sạn Sông Lam, UBND huyện Nghi Xuân và UBND huyện Can Lộc phối hợp tổ chức hội nghị tọa đàm kết nối phát triển du lịch. Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu, đoàn Famtrip của Tổng cục Du lịch Việt Nam, đại diện các công ty lữ hành, lãnh đạo Sở VH-TT&DL và các huyện Nghi Xuân, Can Lộc cùng dự. |
Nghi Xuân và Can Lộc là các địa phương có tiềm năng lớn về phát triển du lịch, được thiên nhiên ban tặng với nhiều cảnh quan đẹp, nhiều di tích danh thắng nổi tiếng và nhiều loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể có giá trị.
Hiện nay, huyện Nghi Xuân có trên 240 di tích văn hóa lịch sử, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du), 9 di tích cấp quốc gia, 77 di tích cấp tỉnh và nhiều di tích được khoanh vùng bảo vệ khác.
Các nghệ nhân biểu diễn tiết mục hát ca trù
Cùng đó là nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu như: ca trù Cổ Đạm, trò Kiều, dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, sắc bùa, chèo nghẹt...; các lễ hội như: trò sĩ - nông - công - thương - ngư; lễ hội cầu ngư; lễ hội đền Củi...
Huyện Can Lộc có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng như: chùa Hương Tích - Núi Hồng, hồ Cửa Thờ - Trại Tiểu, hồ Nhà Đường… Địa phường còn có dãy trà sơn hùng vĩ, sông Nghèn - Minh Giang nối Can Lộc với dòng La (Đức Thọ) với Cửa sót (Lộc Hà)…, là tiềm năng để khai thác phát triển nhiều loại hình du lịch.
Ông Hồ Tấn Trương Long – Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch): Cần ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động du lịch như: phát hành thẻ Việt - thẻ du lịch thông minh; ứng dụng du lịch Việt Nam; trang vàng du lịch Việt Nam… nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối du lịch vùng miền; minh bạch hóa trong quản trị và kinh doanh du lịch.
Can Lộc Là địa phương có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, cách mạng và là quê hương của nhiều danh nhân, khoa bảng, anh hùng dân tộc như: Đăng Tất, Đặng Dung, Lưỡng quốc Thám hoa Phan Kính, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Hà Tôn Mục, Hà Công Trình, Ngô Phúc Vạn, Xuân Diệu, 10 liệt nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc... Đây cũng là nơi có trầm tích văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng như: các làn điệu dân ca ví, giặm, hò, vè, tiêu biểu là hát ví phường vải Trường Lưu - di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại...
Can Lộc còn có các địa danh cách mạng tiêu biểu như: di tích lịch sử Xô Viết - Nghệ Tĩnh Ngã ba Nghèn, bến đò Thượng Trụ, làng K130, Khu di tích lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc, chùa Hương Tích, Mộc bản Trường Lưu...
Tại buổi tọa đàm, các thành viên trong đoàn Famtrip của Tổng cục Du lịch Việt Nam và đại diện các công ty lữ hành, các cơ quan thông tấn, báo chí đã chia sẻ nhiều ý kiến, đề xuất giải pháp phát triển du lịch của 2 huyện Nghi Xuân, Can Lộc.
Ông Nguyễn Văn Nhị - Công ty CP Du lịch và Thương mại Hải Đăng (Hà Nội): Cơ sở hạ tầng du lịch của 2 huyện còn nhiều hạn chế như: số phòng lưu trú quá ít, không đủ để giữ chân du khách nên du khách chỉ đi qua.
Các ý kiến cho rằng, cần xây dựng bản đồ du lịch, xây dựng hình ảnh có điểm nhấn, kết hợp các loại hình du lịch, đồng thời tạo ra các chuỗi cung ứng dịch vụ với giá thành hợp lý… Cùng đó, kết hợp với các hãng hàng không để có những ưu đãi cho du khách; quan tâm đầu tư đánh thức tiềm năng du lịch, nhất là các điểm du lịch di tích Nguyễn Du, Đền Củi, Chùa Hương..
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu tiếp thu ý kiến của các thành viên đoàn. Đồng thời khẳng định, những ý kiến đóng góp này là những gợi ý quý giá để du lịch Hà Tĩnh phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu phát biểu tại hội nghị
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị 2 huyện Nghi Xuân, Can Lộc cần xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, từ đó xây dựng định hướng, giải pháp chiến lược đầu tư phát triển xứng tầm, góp phần phát triển KT-XH của hai huyện nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung.