Ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới hồi sinh

Như niềm tự hào của Indonesia, Borobudur được biết đến là đền Phật giáo lớn nhất thế giới. Theo đánh giá của UNESCO, đây là kiệt tác của kiến trúc Phật giáo và nghệ thuật đền đài.

Borobudur - địa điểm tham quan ngoài trời rộng hơn 2.500 m2 và là ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới. Ảnh: Borobudur

Sau khi các quy định mới được áp dụng để bảo tồn giá trị lịch sử và văn hóa di sản của đền Borobudur (Indonesia), du khách đã có những trải nghiệm rất khác khi tham quan điểm du lịch tâm linh độc đáo này.

Kỳ quan kỹ thuật cổ xưa

Ngôi đền Phật giáo Đại thừa tuyệt đẹp này gần thành phố Yogyakarta, miền Trung Java, Indonesia.

Có niên đại từ thế kỷ VIII-IX, Borobudur được xây dựng theo hình kim tự tháp trên một ngọn đồi. Borobudur ẩn mình dưới lớp tro núi lửa và thảm thực vật rừng rậm cho đến năm 1835. Công trình được cho là đã mất 75 năm để xây dựng và được cấu tạo từ andesite (đá núi lửa màu xám), được cắt, vận chuyển và lát mà không cần vữa. Ngày nay, các nhà sử học không biết nhiều về việc xây dựng hoặc mục đích ban đầu của công trình. Họ vẫn đang nghiên cứu so sánh hàng nghìn bức phù điêu chạm khắc để tìm manh mối.

Công trình có 3 tầng chính, bao gồm 5 bậc thang vuông đồng tâm, 3 bệ tròn và một bảo tháp đồ sộ trên đỉnh. Cấu trúc trên đỉnh đồi 3 tầng có hình dạng của Mandala từ trên cao và bảo tháp phía trên có thể được nhìn thấy nhô lên so với vùng nông thôn đồi núi xung quanh. Mandala là một họa tiết hình tròn mang ý nghĩa rất đặc biệt trong Phật giáo và Ấn Độ giáo.

Về mặt thẩm mỹ, kiến ​​trúc, trí tuệ và lịch sử, đền Borobudur được cho là đáng kinh ngạc không kém gì quần thể đền Angkor Wat của Campuchia. Ảnh: Herry Sutanto/Unsplash .

Ngôi đền cũng sở hữu bộ sưu tập 504 bức tượng Phật, 72 bảo tháp. Mỗi bảo tháp có một bức tượng của Đức Phật nằm rải rác xung quanh các bậc thang. Các bức tường và lan can của Borobudur cũng được trang trí với hơn 1.600 tấm phù điêu. Chịu tác động của thời tiết tự nhiên hơn 1.000 năm, Borobudur đã trải qua một cuộc cải tạo lớn vào năm 1970.

Tượng Phật không đầu tại Borobudur. Ảnh: Penny Watson

Trong số các pho tượng còn sót lại, một số bức tượng Phật ở đền Borobudur bị mất phần đầu. Nhiều người kể rằng lý do các pho tượng Phật bị mất đầu là bởi một nhóm người địa phương đã đánh cắp và bán cho các thương lái đến từ Hà Lan, Ấn Độ và Trung Quốc.

Đền Borobudur còn có 2.670 bức tranh điêu khắc trên đá mô tả khung cảnh độc đáo của xã hội cách đây 1.200 năm. Đó là những hình ảnh cuộc sống hàng ngày ở Java vào thế kỷ thứ VIII, từ thường dân cho tới hoàng tộc, tu sĩ. Ngoài ra, ngôi đền cũng mô tả các huyền thoại trong Phật Giáo như Atula, các vị thần, Bồ Tát...

Những bức phù điêu quý giá được sử dụng như một cẩm nang tham khảo phong phú cho các nhà sử học chuyên nghiên cứu về kiến trúc, vũ khí, trang phục, tín ngưỡng, hay các phương tiện vận tải của thế kỷ VIII ở Java.

Năm 1991, địa danh này được ghi nhận là di sản thế giới của UNESCO. Ảnh: Stjernegaard .

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã công nhận đền Borobudur là Di sản Thế giới vào năm 1991. Ngôi đền cũng trải qua nhiều lần trùng tu vào thời đó, song vẫn giữ được tính chất thần thoại, huyền bí và kỳ diệu đến mức không thể nào khám phá hết được.

Đóng cửa để trùng tu

Din, một hướng dẫn viên, cho biết anh rất vui với những thay đổi của đền Borobudur kể từ khi được mở cửa trở lại vào tháng 3 năm nay.

Ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới này từng trải qua quá trình trùng tu diễn ra vào tháng 3/2020, trùng thời điểm đại dịch Covid-19 xuất hiện. Ngôi đền buộc phải đóng cửa vì tình trạng bảo tồn không tốt, bao gồm các vấn đề liên quan việc phá hoại di tích, vẽ bậy, nhai kẹo cao su...

Năm 2016, ngôi đền đã xuống cấp nghiêm trọng. Tục lệ leo lên các bảo tháp để chạm vào tượng Phật của người dân địa phương cũng là vấn đề, khiến đá dần bị mòn đi. Trước những nguy cơ ấy, tục lệ này đã bị cấm vào năm 2019.

Quy định bảo tồn mới

Theo chính phủ Indonesia, các quy định mới đã được triển khai nhằm mục đích bảo tồn ngôi đền và cũng là “bảo tồn di sản lịch sử và văn hóa”.

Hiện nay, khu phức hợp đền giới hạn chỉ đón 1.200 du khách mỗi ngày với 150 khách mỗi giờ, trong 8 khung giờ. Thuế nhập cảnh đã tăng từ mức cố định 25 USD lên 90 USD (khoảng 1,4 triệu rupiah) đối với khách du lịch nước ngoài và khoảng 50 USD đối với khách du lịch nội địa.

Indonesia yêu cầu khách du lịch đi “dép đặc biệt” tại kỳ quan Phật giáo lớn nhất thế giới. Ảnh: Penny Watson .

Du khách được phát một loại dép đặc biệt có tên “upanat" để đi và phải có hướng dẫn viên là người địa phương theo sát.

Những chiếc dép “upanat” được làm từ lá dứa dệt, thiết kế đặc biệt nhẹ và giúp đôi chân thoải mái. Bên cạnh đó, việc sử dụng dép “upanat” từ nguyên liệu địa phương được kỳ vọng mang lại lợi ích kinh tế cộng đồng.

Để ngăn chặn rủi ro gây hại cho ngôi đền như đã đề cập ở trên, du khách cần xuất trình giấy tờ tùy thân khi mua vé và thông tin cá nhân của khách được lưu trữ trong dây đeo cổ tay, được bộ phận an ninh quét để đảm bảo tuân thủ giới hạn thời gian.

Nhiều quy định mới được áp dụng để gìn giữ và bảo tồn điểm du lịch tâm linh độc đáo này. Ảnh: Alain Bonnardeaux/Unsplash.

Ngoài ra, khách du lịch không được phép mang thức ăn theo khi đi tham quan ngôi đền, vì vậy mọi người không thể xả rác bừa bãi như trước.

Học sinh chỉ được phép vào sân, không được phép vào đền để giảm thiểu tình trạng dán bả kẹo cao su hay dùng bút xóa viết vẽ bậy lên điểm tham quan.

Trước đây, du khách cũng có cơ hội lên tới đỉnh đền khi mặt trời chưa ló dạng để tận hưởng khoảnh khắc bình minh, đứng giữa những bức phù điêu cổ kính, tôn nghiêm, lấp lánh nắng vàng. Tuy nhiên, với quy định mới, đền Borobudur chỉ mở cửa từ 8-16h và người dân cũng như du khách không thể tiếp cận bảo tháp trên cùng nữa.

Liên quan đến vấn đề này, hướng dẫn viên địa phương cho biết quy định giờ mở cửa mới được đưa ra do các bậc thang ở đây rất dốc, từng có quá nhiều người lớn tuổi trượt chân, ngã và bị thương khi tham quan đền lúc trời tờ mờ sáng.

Hiện tại, ngôi đền phật giáo lớn nhất thế giới không còn mở cửa cho du khách vào đón bình minh. Ảnh: Mikkinis/Pixabay

Penny Watson, người vừa có chuyến thăm Borobudur vào tháng 11 vừa qua, chia sẻ rằng cô từng đến đền Phật giáo lớn nhất thế giới này cách đây một thập kỷ. Cô nhớ lại bản thân đã lang thang khắp nơi trong đền một cách tự do, ít khách du lịch, không có bộ phận an ninh. Nhưng chuyến thăm lần này sau khi đền Borobudur được áp dụng các quy định mới cũng thật thú vị, thấm đẫm giá trị lịch sử phong phú và những điều cổ xưa mà du khách chưa từng được biết.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

Theo Zing.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói