Người chăn nuôi Hà Tĩnh ngạc nhiên khi giá gà lên 120 ngàn đồng/kg

(Baohatinh.vn) - Nhiều người dân Hà Tĩnh có tâm lý ngại dùng thịt gia súc do lảnh hưởng dịch bệnh nên chuyển qua sử dụng các loại thịt gia cầm. Theo đó, giá nhiều loại gia cầm chăn nuôi theo hình thức thả vườn đang tăng cao.

Vừa bán 40 con vịt, thu về 4 triệu đồng, ông Trần Văn Quyết (thôn Sơn Bình, xã Thượng Lộc) phấn khởi cho biết: “Từ ra tết tới nay, thịt vịt được nhiều người ưa chuộng. Vịt trước nay chưa thấy lúc nào bán được 100.000 đồng/con nhưng đợt này bán sỉ đã được giá này, một số người bán lẻ thì giá cao hơn, tầm 120.000 – 130.000 đồng/con. Nếu như trước đây, với số lượng 40 con vịt, tôi chỉ bán được khoảng 2,5 triệu đồng. Vườn nhà có ao hồ, thuận lợi cho nuôi vịt nên tới đây, tôi sẽ tái đàn nuôi thêm”.

Vừa xuất bán 40 con vịt với giá 100.000 đồng/con, ông Trần Văn Quyết đang có ý định sẽ tái đàn nuôi thêm.

Là một trong những hộ chăn nuôi lớn của xã Thượng Lộc, gia đình ông Trần Thế Đính (thôn Anh Hùng) cũng đang có hơn 500 con gà đến dịp xuất bán.

Ông Đính cho hay: Gà chúng tôi nuôi liên tục, hiện cả gà thịt và gà lứa nhỏ có khoảng 1.500 con. Đàn vịt có 150 con và ngan 100 con. Đợt gần đây, gia cầm rất dễ bán và được giá hơn trước nhiều. Giá gà thấp nhất hiện nay là 90.000 đồng/kg, còn trước thì khoảng 80.000 đồng/kg. Gà được thương lái vào tận nhà mua. Vùng Thượng Lộc hầu như nhà nào cũng đồi rộng, gà nuôi thả vườn, thịt gà ngon nên được người tiêu dùng nhiều nơi ưa chuộng.

Gà của ông Trần Thế Đính được thương lái vào mua với mức giá thấp nhất là 90.000 đồng/kg.

Không chỉ ông Quyết, ông Đính, hơn 1 tháng nay, nhiều người chăn nuôi ở xã Thượng Lộc (Can Lộc) phấn khởi khi giá gà, vịt tăng khá cao. Theo các chủ hộ chăn nuôi, trước đây hiếm khi gà đến giá 120.000 đồng/kg và vịt trên 100.000 đồng/con như hiện nay. Nếu mức giá ổn định, nhiều hộ dân sẽ tiếp tục đầu tư thêm.

Giá gà hiện nay tăng từ 10.000 - 20.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Xuân Diệu – Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho biết: Tổng đàn gia cầm toàn xã hiện nay khoảng hơn 35.000 con. Hơn 90% các hộ dân có chăn nuôi gia cầm, trong đó khoảng 150 hộ nuôi trên 100 con.

Từ ra tết đến nay, giá một số loại gia cầm thả vườn như gà, vịt tăng. Giá gà tăng khoảng 10.000 – 20.000 đồng/kg, theo đó hiện giá từ 90.000 - 120.000 đồng/kg; vịt từ 2 – 2,5kg/con có giá 100 - 130.000 đồng/con trong khi trước đây có giá 65.000 – 70.000 đồng/con. Nuôi số lượng gia cầm lớn nên hầu hết các hộ đều tuân thủ nghiêm khâu phòng dịch để hạn chế các rủi ro cho đàn vật nuôi.

Người chăn nuôi ở Thượng Lộc phấn khởi vì giá vịt hiện bán hơn 100.000 đồng/con.

Theo ông Diệu, giá các loại gia cầm tăng là do nhu cầu người tiêu dùng tăng cao, bởi hiện nay, nhiều người dân hạn chế sử dụng thịt trâu, bò, lợn do dịch viêm da nổi cục và dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra.

Còn theo chị Nguyễn Thị Hường (xã Xuân Liên, Nghi Xuân), sau tết giá gà ngon (giống gà cỏ và nuôi thả vườn) đắt hơn nguyên nhân một phần người mua nhiều, trong khi dịp tết và rằm tháng giêng người chăn nuôi đã bán số lượng lớn nên nguồn cung không còn dồi dào.

Để tránh rủi ro cho đàn gia cầm, người chăn nuôi cần tuân thủ các biện pháp phòng dịch.

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh hiện khoảng 10 triệu con, trong đó: gà khoảng 8,3 triệu con; vịt 1,3 triệu con, còn lại là ngan, ngỗng, chim cút... Với tổng đàn này, đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng trong tỉnh.

Ngành chức năng khuyến cáo, người chăn nuôi không vì gia cầm được giá mà tái đàn ồ ạt; trước khi tăng đàn cần bám nắm, theo dõi cụ thể diễn biến của thị trường, tránh những hệ lụy không đáng có.

Mặt khác, hiện đang là thời điểm giao mùa, khí hậu, thời tiết thay đổi thất thường, bà con cần tuân thủ biện pháp phòng dịch như vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, cung cấp đủ chất dinh dưỡng tăng sức đề kháng, tiêm phòng vắc xin cho gia cầm.

Dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và dịch tả lợn châu Phi không lây nhiễm và không gây bệnh trên người, vì vậy, người tiêu dùng không nên tẩy chay các loại thịt này.

Hiện nay, các địa phương đang ráo riết thực hiện các biện pháp phòng, chống, khoanh vùng dịch bệnh trên địa bàn. Bên cạnh đó, công tác kiểm dịch ở các lò mổ cũng được chú trọng và kiểm soát chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo nguồn thịt an toàn đưa ra thị trường và đến với người tiêu dùng.

Ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói