Dẫu đã ở tuổi 91, nhưng mỗi năm vào ngày đầu năm mới, cụ Nguyễn Văn Nhung ở xã Hà Linh (Hương Khê - Hà Tĩnh) không quên chọn thời điểm buổi sáng đầu tiên trong năm mới viết những câu thơ chúc cho một năm vạn sự hanh thông. Chào đón năm Kỷ Hợi nhiều bình an cho đại gia đình, cụ viết: “Đông tàn đã hết/ Xuân tiết đến gần/ Ngày mồng một Tết/ Rước tiễn tiên linh/ Lại về âm giới/ Toàn gia mong đợi/ Lưu phúc lưu ân”.
Chị Phạm Thị Thanh Tuyết - giáo viên Trường Tiểu học Thạch Hương (Thạch Hà) khai bút đầu năm cùng con gái. Chị mong muốn con gái khi lớn lên sẽ hiểu và phát huy nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Khai bút đầu năm không phải nghi lễ bắt buộc phải thực hiện trong ngày Tết nhưng trong tiềm thức người Việt, nó đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống, được giữ gìn cho đến tận ngày nay. Anh Phan Duy Khánh, quê Quảng Trị, hiện đang làm việc tại TP Hà Tĩnh chia sẻ: “Tôi mong mỗi tuổi mới của mình đều có dấu ấn của nét bút mùa xuân, bấy nhiêu thôi đủ cho tôi mong chờ Tết!”
Sau giao thừa, vào những thời khắc đầu tiên của năm mới, em Đào Trần Trúc Bảo (10 tuổi) ở xã Phúc Trạch (Hương Khê) chọn cây bút thật đẹp nắn nót viết lên dòng chữ “Chúc mừng năm mới” với ước mong một năm đạt nhiều kết quả cao trong học tập.
Với những nhạc sỹ, năm mới khởi đầu từ những nốt nhạc...
... đó cũng là cách gia đình nhạc sỹ Ngọc Thịnh chọn khai bút đầu xuân năm Kỷ Hợi. Khai bút đầu xuân bằng những nốt nhạc rộn rã, tiếng hát lắng sâu của ca sĩ Thái Bảo và tiếng đệm đàn của người con trai út
Và gắn với tục khai bút, người Việt còn có tục xin chữ đầu năm. Đây cũng là một cách thể hiện việc coi trọng chữ nghĩa và cầu mong mọi sự tốt lành cho năm mới