Nguyễn Văn Tùng cho chữ tại Pháp viện Minh Đăng Quang (quận 2, TP Hồ Chí Minh)
Trong cuộc thi thư pháp được tổ chức tại Khu di tích Nguyễn Du, Nguyễn Văn Tùng (SN 1992, trú thôn Yên Lợi, xã Xuân Yên, Nghi Xuân) là một trong hai thí sinh đạt giải nhất. Trước đó, năm 2015, Tùng từng vượt qua 60 thí sinh, trở thành người dẫn đầu cuộc thi do Nhà Văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh tổ chức.
Đẹp trai, nhanh nhẹn và cởi mở, Tùng để lại trong "khách hàng nhận chữ” những tình cảm tốt đẹp. Và, con đường đến với nghệ thuật thư pháp của anh cũng thật ấn tượng.
Năm học lớp 7, cậu học sinh như bị thôi miên trước màn biểu diễn thư pháp của các nghệ nhân trong một chuyến đi dã ngoại do nhà trường tổ chức tại chùa Hương Tích (Can Lộc). Cũng từ đó, niềm đam mê môn nghệ thuật này cứ thế lớn dần. “Vạn sự khởi đầu nan”, mãi đến năm học lớp 11, Tùng mới thực sự "bén duyên" cùng thư pháp.
Để đạt trình độ điêu luyện trong nghệ thuật thư pháp, Tùng phải kiên trì, nhẫn nại sau nhiều năm học tập
Để hoàn thiện được những nét cơ bản trong thư pháp, người học mất từ 5-6 tháng. Ngoài đức tính kiên trì nhẫn nại, theo Tùng, “Khó nhất là định hình cho mình những bộ nét. Có nghĩa là cách chọn phông chữ cứng hoặc mềm. Quan trọng nhất là phải đạt được “văn dĩ tải đạo”. Hay nói cách khác là thông qua chữ viết, có thể diễn đạt được tâm tư tình cảm của mình và “cho” chữ đúng đối tượng. Chẳng hạn như, chữ “Đắc” cho người buôn bán, chữ “Trác” (rèn giũa) hay chữ “Trí” (thông minh) cho học sinh.
Nguyễn Văn Tùng cho chữ tại thôn Phong Giang, xã Tiên Điền nhân dịp diễn ra hội nghị toàn quốc xây dựng nông thôn mới tổ chức tại Hà Tĩnh.
Bên cạnh năng khiếu thiên bẩm, để đạt được danh hiệu cao nhất, rồi trở thành nghệ nhân và có chỗ đứng trong làng thư pháp, Tùng còn nhận được sự hỗ trợ từ thầy thư pháp Ung Tự Do bút danh Hoa Nghiêm (Quảng Nam). Cho đến nay, Tùng vẫn nhớ như in lời thầy: “Niềm hạnh phúc của người cầm bút là tìm thấy nụ cười trên môi của mọi người”.
... tặng chữ cho du khách tại thôn Phong Giang, xã Tiên Điền, Nghi Xuân
Những năm đầu học ở Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP Hồ Chí Minh, ngoài giờ học, Tùng còn tham gia sinh hoạt ở các CLB thư pháp tại chùa Phước Tường (quận 9), Pháp viện Minh Đăng Quang (quận 2, TP Hồ Chí Minh), Tu viện Khánh An (Đồng Nai) để "bán chữ" cho du khách. “Vừa rèn luyện nâng cao trình độ, lại vừa có kinh phí trang trải học tập, đỡ đần cho gia đình”, chàng trai trải lòng.
Truyền nghề cho học trò yêu thích môn thư pháp
Năm cuối đại học, Tùng chỉ chú tâm vào hoạt động thiện nguyện, tặng chữ cho du khách và người bộ hành tại các khu vui chơi giải trí. Để có tiền mua nguyên liệu (giấy mực) phục vụ việc "cho chữ" (1,5-2 triệu đồng/đợt), ngoài việc trích tiền tiết kiệm cá nhân, Tùng kêu gọi bạn bè ủng hộ. Trung bình mỗi ngày, Tùng tặng không dưới 200 chữ cho du khách.
Nguyễn Văn Tùng (bên phải) nhận giải nhất tại cuộc thi viết thư pháp được tổ chức vào ngày 18/3 tại Khu di tích Nguyễn Du (Nghi Xuân - Hà Tĩnh)
Tốt nghiệp đại học, Tùng thi và trúng tuyển vào Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Cách đây 4 tháng, Tùng chuyển công tác ra Hà Nội.
Mặc dù rất bận bịu với công việc nhưng ngày nghỉ, Tùng lại tiếp tục "hành nghề" viết thư pháp. Tùng cho rằng: “Không chỉ niềm đam mê “ngấm vào máu”, thư pháp còn giúp người viết tịnh tâm, rèn luyện được tính kiên nhẫn phục vụ tốt hơn cho công việc chuyên môn của mình”.