Người Hà Tĩnh ở tâm dịch Daegu

(Baohatinh.vn) - Dịch Covid-19 bao trùm Daegu (Hàn Quốc), các sinh viên quê Hà Tĩnh tại đây rơi vào cảnh “vừa thất học, vừa thất nghiệp”.

Trường hoãn học, chỗ làm đóng cửa vô thời hạn

Thành phố Daegu, nơi được xem là ổ dịch Covid-19 lớn nhất tại Hàn Quốc tập trung nhiều sinh viên người Hà Tĩnh đang sinh sống và học tập. Một tuần qua, họ buộc phải nghỉ học, mất việc làm thêm. Ai cũng tự tích trữ lương thực, hạn chế ra ngoài và tiếp xúc với người lạ.

Người Hà Tĩnh ở tâm dịch Daegu

Hướng (giữa) chụp ảnh cùng các bạn hôm chưa nghỉ học vì dịch bệnh. (Ảnh: NVCC)

Phan Hoàng Hướng (24 tuổi, quê xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) - sinh viên trường Đại học Kỹ thuật kể, từ ngày 18/2, sau khi nữ tín đồ của giáo phái Tân Thiên Địa trở thành bệnh nhân thứ 31 nhiễm Covid-19 ở Hàn Quốc và lây cho hàng chục người khác tại Daegu, cậu rất lo lắng. Trường học đang trong kỳ nghỉ xuân, dự kiến mở lại vào ngày 5/3, song do dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày quay lại giảng đường dời sang 15/3.

Ngoài giờ học ở trường, Hướng đi làm thêm tại một nhà hàng để có thêm tiền trang trải việc học và chi phí sinh hoạt. Ba hôm trước, chủ quán bất ngờ thông báo đóng cửa để phòng dịch, chàng trai quê Hà Tĩnh mất việc, hàng ngày quanh quẩn với bốn bức tường, cảm giác buồn chán.

“Nhiều bạn bè đồng hương của em tại Daegu cũng mất việc do Covid-19. Không có việc làm, em gặp khó khăn về tài chính, buộc phải nhờ gia đình hỗ trợ thêm”, Hướng nói và cho hay chưa có ý định về nước ngay mà muốn chờ thêm một thời gian nữa, khi dịch bệnh lắng xuống rồi tính tiếp.

Cùng chung cảnh ngộ với Hướng là Lê Hữu Sơn (23 tuổi, quê ở thành phố Hà Tĩnh), đang là sinh viên Đại học Daegu. Sơn đang phải chịu cảnh “vừa thất học, vừa thất nghiệp”, cậu định bảo lưu một học kỳ, đặt vé máy bay về quê.

“Nhà hàng, quán ăn đóng cửa phòng dịch, thu nhập giảm, nhưng tiền học vẫn phải đóng, em sợ bố mẹ không kham nổi. Mấy hôm nay, người thân, bạn bè ở Hà Tĩnh liên tục gọi điện, nhắn tin bày tỏ sự lo lắng cho em. Ai cũng khuyên tốt nhất nên ở trong nhà, nếu có việc ra ngoài nhớ đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng nước sát khuẩn, cố gắng ăn uống đầy đủ để giữ gìn sức khỏe”, Sơn kể.

Tích trữ lương thực, hạn chế tiếp xúc người lạ

Trong thế “tiến thoái lưỡng nan”, khi cả thành phố Daegu quay cuồng vì Covid-19, Hướng và bạn cùng phòng quyết định tích trữ đồ ăn thiết yếu đủ dùng trong một tuần. Nam thanh niên thường xuyên kiểm tra bản đồ những vùng có dịch bằng ứng dụng trên điện thoại di động nhằm hạn chế di chuyển đến các khu vực “báo động”.

Người Hà Tĩnh ở tâm dịch Daegu

Hướng tích trữ các loại đồ ăn trong tủ lạnh trong những ngày "bão dịch" ở Daegu. (Ảnh: NVCC)

Người Hà Tĩnh ở tâm dịch Daegu

Khu phố nhà Hướng mới 7h tối đã vắng tanh, không một bóng người qua lại. (Ảnh: NVCC)

“Nếu có việc gì cấp bách em mới ra ngoài. Khẩu trang y tế ở Daegu hiện rất khó mua, mua trên mạng thì giá rất đắt, không yên tâm về chất lượng. May mắn là em cũng đã mua được một ít khẩu trang với giá hợp lý để sử dụng”, Hướng cho hay.

Theo Sơn, những ngày qua, cậu án binh bất động trong phòng, hạn chế tiếp xúc với người lạ, mọi hoạt động đều thông qua điện thoại. “Đường phố đìu hiu, thưa thớt người qua lại. Những lúc này, em nhớ gia đình, quê hương da diết”, Sơn tâm sự.

Người Hà Tĩnh ở tâm dịch Daegu

Sơn mua nhiều mì gói, trứng, rong biển ăn liền để tích trữ. (Ảnh: NVCC)

Lạc quan hơn Hướng và Sơn, anh Phạm Công Lộc – người có 9 năm sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc bày tỏ niềm tin đất nước được mệnh danh “xứ sở kim chi” sẽ sớm khống chế được dịch bệnh.

Anh Lộc quê ở xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, sống cùng vợ ở thành phố Anseong, tỉnh Gyeonggi, cách tâm dịch Daegu hơn 200km. Anh cho biết, cách chỗ gia đình ở 30km cũng có một người nhiễm bệnh, hai vợ chồng tôi khá hoang mang nhưng tự động viên nhau phòng tránh.

Mỗi ngày vợ chồng anh Lộc chỉ đi từ nhà đến chỗ làm, không đi ra ngoài nhiều như trước, khi tới siêu thị thì mua nhiều đồ ăn hơn một chút để tích trữ. “Rất may là công ty tôi có phát khẩu trang và nước rửa tay diệt khuẩn cho nhân viên nên cũng không lo thiếu khẩu trang”, anh Lộc nói.

Người Hà Tĩnh ở tâm dịch Daegu

Anh Lộc làm việc tại Hàn Quốc. (Ảnh: NVCC)

Vợ chồng anh Lộc đã có một con gái 5 tuổi. Bé về Việt Nam từ năm ngoái để học tiếng Việt và dự kiến sẽ quay trở lại Hàn Quốc vào tháng tới để gia hạn visa. Do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, anh chưa có định đưa bé sang.

“Dịch bệnh đã lan ra 17 tỉnh, thành phố ở Hàn Quốc, song nơi tôi ở cuộc sống vẫn chưa bị xáo trộn, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Hy vọng mọi chuyện sẽ chóng qua đi”, người đàn ông quê Hà Tĩnh nói.

Hàn Quốc hiện là ổ dịch nCoV lớn thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc đại lục. Tính đến chiều ngày 24/2, tại Daegu, thành phố lớn thứ 4 ở Hàn Quốc với 2,5 triệu dân, có 681 trong 833 ca nhiễm trên khắp Hàn Quốc.

Theo Bộ Ngoại giao, hiện có khoảng 200.000 công dân Việt Nam sinh sống, học tập và lao động tại Hàn Quốc. 18.502 người sống ở tỉnh Gyeongsang, riêng tại thành phố Daegu là 8.285 người.

Theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán đã mở đường dây nóng Bảo hộ công dân là +82 106 315 6618, trực 24/24, sẵn sàng tiến hành các biện pháp hỗ trợ và bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết. Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cũng công bố số điện thoại hỗ trợ là +821032486886 để người lao động Việt Nam có thể liên hệ khi cần sự trợ giúp.

Qua nắm tình hình, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, đến nay tình hình sức khỏe của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc vẫn ổn định, chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19. Để nhận được sự hỗ trợ trong trường hợp cần trợ giúp, công dân Việt Nam ngoài liên hệ theo số điện thoại đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc kể trên, có thể liên hệ thêm số điện thoại Tổng đài Bảo hộ công dân: +84981848484.

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Với niềm đam mê mãnh liệt làn điệu ví, giặm, người Hà Tĩnh muôn phương đã không ngừng lan tỏa loại hình nghệ thuật đặc sắc này tới bạn bè trên mọi miền Tổ quốc và bè bạn quốc tế.
Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Trải qua 30 năm thành lập (1994-2024) dù ở đâu, làm việc gì, ở cương vị nào, những người con của Hà Tĩnh tại Bình Thuận cũng luôn yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Khép lại một năm thi đấu thành công, đô cử Lê Văn Công giữ vững vị thế thống trị ở hạng cân 49 kg xuyên suốt 7 kỳ ASEAN Para Games liên tiếp từ năm 2007 đến nay. Trong niềm vui đón xuân mới, người đàn ông được mệnh danh là “lực sĩ thép” đặt ra những mục tiêu tiếp tục được khẳng định mình và cống hiến cho quê hương, đất nước.
Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Trong những ngày mùa đông phương Nam nắng mưa khoan nhặt, chúng tôi đã có dịp gặp hai “cánh chim bằng” người Hà Tĩnh, là thủ lĩnh những ngôi trường bách khoa ở 2 đầu đất nước. Đó là GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội và PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh.
Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết cổ truyền luôn là dịp lễ trọng đại và thiêng liêng để những người Việt sống, lao động, học tập trên khắp thế giới nói chung và những người con Hà Tĩnh xa quê nói riêng hướng lòng mình về quê cha đất tổ.