Người học trò, người cộng sự xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(Baohatinh.vn) - Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9/2/1907 tại xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đồng chí tham gia hoạt động trong phong trào yêu nước từ năm 1925, gia nhập Hội Thanh niên Cách mạng năm 1927, tham gia vào tiến trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trở thành nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp năm 1929. Đồng chí thuộc lớp cán bộ đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hướng tới kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố TBT Trường Chinh (9/2/1907 – 9/2/2017)

Từ trái sang: Tổng Bí thư Trường Chinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ, Thái Nguyên, tháng 9/1954.

Đồng chí Trường Chinh bị giặc bắt năm 1930, bị giam tù ở các nhà lao Hỏa Lò, Sơn La. Ra tù năm 1936, đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia tích cực cuộc vận động dân chủ 1936-1939. Năm 1940, hệ thống tổ chức Đảng bị kẻ thù đàn áp khốc liệt, bị phá vỡ, đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc kiện toàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được cử làm quyền Tổng Bí thư, là người trực tiếp đón Nguyễn Ái Quốc về nước hoạt động.

Tháng 5/1941, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng, từ đó, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc, đồng chí đã trực tiếp chuẩn bị Hội nghị lần thứ VIII của Trung ương (khóa I). Đây là hội nghị đề ra đường lối mang tầm lịch sử đối với cách mạng Việt Nam với việc đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu và chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ở giai đoạn này, Nguyễn Ái Quốc đi công tác nước ngoài 2 lần (từ tháng 8/1942 đến tháng 10/1944 và tháng 2 đến tháng 5/1945), mọi công việc chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến là do Trường Chinh chỉ đạo.

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, Trường Chinh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thực hiện sách lược “hòa để tiến” giữ vững nhà nước mới non trẻ và tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với đường lối “kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh đi đến thắng lợi”.

Năm 1951, Đảng ra hoạt động công khai, tại Đại hội Đảng lần thứ II, Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam. Đồng chí đã cùng Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, dẫn tới Hiệp định Giơ-ne-vơ, đưa miền Bắc hoàn toàn giải phóng và góp phần làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân kiểu cũ trên toàn cầu.

Từ năm 1957 là Ủy viên Bộ Chính trị, đồng chí cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH. Khi đồng chí Lê Duẩn qua đời, Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư.

Trên cương vị Tổng Bí thư, Trường Chinh là người khởi xướng sự nghiệp đổi mới (1986) vượt qua cuộc khủng hoảng về KT-XH của thời kỳ bao cấp trì trệ và bảo vệ CNXH ở nước ta trước sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu. Là người trực tiếp lãnh đạo và tổ chức Đại hội VI của Đảng (khai mạc vào ngày 5/12/1986), một đại hội có tầm vóc bước ngoặt của lịch sử, với tinh thần Đảng phải thực sự đổi mới tư duy và phong cách, nhìn thẳng vào sự thật, phân rõ đúng sai, phát huy nhân tố tiến bộ, gạt bỏ những sai lầm do ấu trĩ, do quan liêu kìm hãm sự phát triển. Theo đó, mở ra một trình độ mới trong nhận thức và vận dụng những quy luật khách quan, khơi dậy được tính chủ động, sáng tạo của nhân dân, phát huy tính ưu việt của CNXH.

Luôn xuất hiện ở những bước ngoặt của cách mạng, với tư duy đổi mới và luôn tìm tòi sáng tạo, biết sửa sai để tiến lên, thể hiện tầm vóc khoa học, bản lĩnh chính trị kiên định, tinh thần tự phê bình và phê bình trong sáng, với tinh thần cách mạng vì Đảng, vì dân, đồng chí Trường Chinh là một chiến lược gia, một nhà tổ chức toàn năng của Đảng và của dân tộc ta.

Là một chính trị gia, Trường Chinh còn là một nhà văn hóa lớn có đóng góp quan trọng trong việc hình thành lý luận và đường lối văn hóa của Đảng. “Đề cương văn hóa Việt Nam”, “Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa Việt Nam lúc này”, “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” là những tác phẩm đặt cơ sở lý luận cho đường lối xây dựng nền văn hóa - văn nghệ cách mạng. Đồng chí là hiện thân của công tác tư tưởng và công tác văn hóa - văn nghệ của Đảng và của dân tộc ta trong thế kỷ XX.

Tầm văn hóa của Trường Chinh còn thể hiện ở việc chỉ đạo công tác báo chí của Đảng, trực tiếp viết nhiều bài báo mang tính chiến đấu cao, có sức thuyết phục và cổ động cách mạng kịp thời, mạnh mẽ, sâu rộng. Trường Chinh cũng là một nhà thơ lớn. Với bút danh Sóng Hồng, đã có những bài thơ không chỉ ở lĩnh vực tuyên truyền mà còn là sự định hướng cho thơ ca cách mạng “dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ…”.

Trường Chinh luôn gắn văn hóa với chính trị. Theo đồng chí, văn hóa giúp suy nghĩ và sáng tạo trong chính trị, văn hóa làm phong phú thêm chính trị, trong chính trị có văn hóa và trong văn hóa có chính trị. Trường Chinh vừa là nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà lý luận, nhà văn hóa, nhà báo, nhà thơ; là chiến sĩ cách mạng có công đóng góp to lớn cho Đảng và dân tộc.

Trường Chinh là người học trò xuất sắc của Hồ Chí Minh. Năm 1941, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, trên cương vị quyền Tổng Bí thư, đồng chí đã có điều kiện được trực tiếp làm việc dưới sự chỉ đạo của Người để giải quyết những nhiệm vụ quan trọng của cách mạng. Trước những khó khăn, thử thách trong kháng chiến chống thực dân Pháp, hay trước sai lầm “cải cách ruộng đất”, Trường Chinh luôn thể hiện bản lĩnh và “đứng mũi chịu sào”.

Đồng chí nhắc nhở: “Công tác cách mạng có thành tích và có sai lầm; điều cốt yếu là Đảng ta tránh được sai lầm và mỗi khi phạm sai lầm đều thành khẩn nhận sai lầm và sửa chữa, quần chúng nhân dân ta tốt, nói chung vẫn tin ở Đảng và Chính phủ, cho nên ta có điều kiện sửa chữa và tiến lên” (Tạp chí Học tập số 11-12 năm 1956). Những lời giáo huấn của đồng chí về tinh thần tự phê bình và phê bình ngày ấy vẫn đang có tính thời sự.

Suốt đời học tập và rèn luyện theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trường Chinh là người sống giản dị, chan hòa, rộng lượng, luôn bảo vệ sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng như “con ngươi của mắt mình”. Tính kiên cường cách mạng, tính nguyên tắc và tổ chức kỷ luật, tình cảm chân thành với đồng bào, đồng chí, tính khiêm tốn, giản dị trong cuộc sống, phương pháp làm việc khoa học, cụ thể, gần gũi với mọi người, tinh thần đoàn kết tự phê bình và phê bình của đồng chí Trường Chinh là tấm gương sáng, là di sản để lại cho những người cộng sản, cho Đảng và dân tộc ta. Đồng chí là người học trò, người cộng sự xuất sắc, tài năng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với Người chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao thử thách trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và đưa nước nhà đi lên con đường XHCN.

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, đứng trước những thuận lợi cũng như những khó khăn, thách thức mới, tấm gương về ý chí cách mạng và tư duy đổi mới, về phẩm chất đạo đức, phong cách làm việc của đồng chí Trường Chinh vẫn còn mang ý nghĩa lịch sử và tính thời đại.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói