Người khuyết tật luôn khát khao được khẳng định mình

(Baohatinh.vn) - Đã bao giờ bạn tự đặt mình vào vị trí người khuyết tật (NKT) để cảm nhận được sự khó nhọc mà họ phải gánh chịu từng ngày, để biết rằng, họ rất cần sự sẻ chia và khát khao được khẳng định mình? Nhân ngày NKT Việt Nam (18/4), Lê Thái Bình - một NKT giàu nghị lực ở Hà Tĩnh đã chia sẻ nỗi niềm, mong muốn của thân hình “khuyết”...

Anh Lê Thái Bình (thôn Trung Thượng, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh) miệt mài làm việc trên máy tính.

Đối mặt với nhiều khó khăn

Người khuyết tật là những người kém may mắn, họ không thể làm một việc tưởng chừng rất đơn giản. Ví như, việc cắp sách tới trường với NKT lại vô cùng khó khăn so với bạn bè cùng trang lứa, vì thế, ít NKT được học hành đầy đủ, có người còn không biết đến mặt chữ. Trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, nhiều người phải nhờ đến sự giúp đỡ của người thân. Về tinh thần, NKT thường thu mình trong thế giới riêng, họ thường chỉ gặp gỡ những người cùng hoàn cảnh. Chính cuộc sống xung quanh, những cái nhìn ái ngại, vô tình làm cho những người khuyết tật mặc cảm, tự ti, tách rời các hoạt động cộng đồng và xã hội, “chôn chặt” những khát vọng của mình.

Xã hội ngày càng phát triển, vì thế cũng quan tâm hơn đến người những người kém may mắn. Đã có nhiều hơn những chương trình trợ giúp dành cho NKT, nhưng chủ yếu ở các đô thị. NKT ở các vùng nông thôn tìm cơ hội để hòa nhập là một việc hết sức khó khăn; Luật NKT chưa đi vào cuộc sống, nhiều người chưa nắm được quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Trong cộng đồng, có những người sẵn sàng giúp đỡ NKT nhưng bên cạnh đó vẫn có không ít người thiếu quan tâm, chia sẻ khiến NKT bị tổn thương.

Người khuyết tật cần những gì?

Họ rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng, được chia sẻ yêu thương, cần sự hỗ trợ của Nhà nước và các cấp chính quyền, cần học nghề và có một công việc phù hợp để nuôi sống bản thân và gia đình. Cần những tấm lòng sẻ chia, đồng cảm với NKT. Cần các công ty, doanh nghiệp và xã hội hãy nhìn vào năng lực của NKT, nhận họ vào làm việc để họ phát huy khả năng, nỗ lực của mình. Có nhiều hơn các dự án về NKT ở các vùng nông thôn. Các phương tiện giao thông hỗ trợ NKT một cách thiết thực để họ có thể đi lại và làm việc như một người không khuyết tật.

Với bản thân mình, hơn ai hết NKT cần phải cố gắng hơn người bình thường. Dù hàng ngày họ phải đối diện với rất nhiều khó khăn, nhưng cần nhiều hơn sự quyết tâm, mơ ước, hoài bão, mong mỏi trở thành người có ích cho xã hội, san bớt được gánh nặng cho gia đình.

Ở Việt Nam, rất nhiều NKT đã thành danh như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký (Nam Định) - một người thầy với đôi chân cầm bút đã đào tạo nên bao thế hệ học sinh; hiệp sỹ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng (Nghệ An), chỉ với 1 ngón tay còn có thể cử động vẫn làm việc đến hơi thở cuối cùng; anh Lê Hồng Sơn (ở Hương Khê), người dùng đôi chân làm nên xưởng mộc, tạo công ăn việc làm cho nhiều NKT khác… Và rất nhiều tấm gương điển hình khác nữa. Họ là những bằng chứng thuyết phục về năng lực của NKT đã và đang truyền cảm hứng sống tích cực, xây dựng cuộc sống tươi đẹp cho nhiều người.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói