Chị Nguyễn Thị Hoài (xã Cẩm Thành, Cẩm Xuyên): “Mùa lũ này, mẹ con tôi đã có căn nhà ấm cúng”.
Một năm trước, căn nhà của hai mẹ con tôi khá sơ sài. Vào đợt lũ tháng 10/2020, nước dâng cao lên đến gần nóc khiến mẹ con tôi suýt bị lũ cuốn trôi. Nhờ bà con hàng xóm giúp đỡ, cả hai mẹ con đều thoát nạn. Tuy nhiên, tài sản là một con bò mẹ và thóc lúa, đồ đạc trong nhà đều bị lũ cuốn trôi hết. Lúc đó, hai mẹ con tôi ôm nhau khóc hết nước mắt.
Chị Nguyễn Thị Hoài ở xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên)
Sau khi lũ rút, Hội LHPN xã cùng các cấp chính quyền và bà con lối xóm đã vận động quyên góp làm cho hai mẹ con một căn nhà mới khang trang, cao ráo. Không chỉ vậy, Nhà nước còn hỗ trợ gạo, tiền, chị em trong hội phụ nữ còn mua cho tôi một đàn gà giống để tạo sinh kế.
Đến nay, đàn gà đã sinh sôi, mỗi lứa tôi xuất bán từ 30-50 con. Ngoài làm hơn 2 sào ruộng, chăm gà, tôi còn nuôi được con bê đã lớn. Lúc nông nhàn, tôi còn đi thu mua ve chai… Nhờ sự chung tay của cộng đồng, cuộc sống hai mẹ con tôi dần ổn định.
Đặc biệt, mùa lũ này, hai mẹ con đã có căn nhà ấm cúng, không còn lo âu như những năm trước. Tôi biết ơn cộng đồng rất nhiều.
Em Nguyễn Thị Trang (sinh viên Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh): “Em vô cùng hạnh phúc khi nhận được học bổng cho học sinh nghèo”.
Quê em ở xã Tân Lộc (Lộc Hà). Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, với kết quả khối D00 đạt 27 điểm, em trúng tuyển vào ngành sư phạm Tiếng Anh, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Gia đình em hoàn cảnh khó khăn, anh trai đang học năm thứ 3 đại học. Trước đó, bố tuy sức khỏe yếu nhưng cũng theo anh vào TP Hồ Chí Minh làm thuê để nuôi con ăn học, hiện còn “mắc kẹt” trong đó vì dịch COVID-19. Mẹ em lại bị u tuyến giáp phải đi bệnh viện điều trị thường xuyên. Cả nhà trông vào 4 sào ruộng và mấy con gà…
Em Nguyễn Thị Trang (Sinh viên Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh)
Lúc đó, tâm trạng em rối bời, ước mơ bao năm đèn sách sắp thành sự thật nhưng hoàn cảnh như vậy, em không nỡ nào đi học. Nghĩ đến tương lai mờ mịt, nhiều đêm em khóc mà không biết làm thế nào. Thế rồi, khi nhận được tin các thầy cô đã lập danh sách gửi các bác lãnh đạo tỉnh và đã được xét duyệt cấp học bổng từ Quỹ Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào đại học, em vỡ òa hạnh phúc mà nước mắt cứ trào ra.
Em biết ơn các bác lãnh đạo tỉnh và các tổ chức rất nhiều. Em hứa sẽ cố gắng phấn đấu học tập để không phụ tấm lòng của mọi người dành cho mình.
Chị Nguyễn Thị Kiều Oanh (công nhân Công ty Haivina Hồng Lĩnh): Thấm thía ý nghĩa câu thơ “Quê hương là chùm khế ngọt”.
Tôi quê ở xã Thuận Lộc (TX Hồng Lĩnh), nhiều năm qua, vợ chồng tôi vào miền Nam lập nghiệp. Cả hai đều làm công nhân ở một khu công nghiệp tại Bình Dương. Cuộc sống xa quê vất vả, nhưng thu nhập sau khi trừ chi tiêu, thuê nhà trọ… cũng chẳng dư dả được bao nhiêu. 4 tháng trước, khi các tỉnh miền Nam bắt đầu bùng phát dịch COVID-19, tôi đã cùng con trai 4 tuổi trở về quê nhà.
Chị Nguyễn Thị Kiều Oanh (công nhân Công ty Haivina Hồng Lĩnh)
Trở về quê, tuy bớt lo dịch bệnh nhưng lại thấp thỏm vì không có việc làm sẽ sống như thế nào. Qua phương tiện thông tin, tôi được biết ở đây cũng có nhiều công ty đang tuyển dụng lao động. Sau khi suy nghĩ, tôi chọn Công ty Haivina Hồng Lĩnh để nộp đơn và trúng tuyển. Đến nay, sau 1 tháng làm việc, tôi cảm thấy rất yên tâm. Công việc ở đây cũng không khác mấy so với những công ty mà tôi đã từng làm ở miền Nam. Môi trường làm việc tốt, cộng thêm thu nhập ổn định, tôi cảm thấy yên tâm và dự định sẽ ở lại quê hương và gắn bó lâu dài với công việc.
Sau này, khi dịch bệnh tạm lắng, tôi sẽ vận động chồng trở về quê. Không ở đâu bằng quê mình, nhất là khi quê hương ngày càng đổi mới, phát triển, bản thân được lao động, cống hiến thì còn hạnh phúc nào bằng. “Quê hương là chùm khế ngọt”, trở về và được chia sẻ khó khăn, tôi càng thấm thía ý nghĩa câu thơ ấy.
Anh Nguyễn Văn Quang (xã Lộc Yên, Hương Khê): “Thoát nghèo nhờ mặt trận Tổ quốc”.
Tôi năm nay 33 tuổi. 6 năm trước, tôi lập gia đình trong hoàn cảnh tay trắng. Hai bên nội, ngoại đều khó khăn, không giúp được gì. Hai vợ chồng vừa sinh con cũng không có nghề gì trong tay, cuộc sống rất bấp bênh. Nhiều lần tôi muốn đi vào miền Nam tìm kiếm việc làm nhưng con còn nhỏ lại hay đau ốm nên không biết xoay xở thế nào.
Anh Nguyễn Văn Quang (xã Lộc Yên, Hương Khê)
Biết được hoàn cảnh khó khăn đó, Ủy ban MTTQ xã Lộc Yên đã kêu gọi nguồn hỗ trợ giúp tôi mua chiếc máy cày. Có “cần câu” trong tay, hai vợ chồng tôi đã ra sức lao động. Không chỉ đi cày thuê cho bà con, tôi còn cải tạo khu vườn tạp để trồng cây ăn quả.
Đến nay, khu trang trại của tôi đã trồng được 550 gốc cam, bưởi. 3 năm nay, kinh tế vườn đồi đã cho vợ chồng tôi thu nhập 100 triệu đồng/năm. Nhờ đó, chúng tôi không chỉ thoát nghèo mà cuộc sống trở nên khấm khá hơn trước rất nhiều.
Mỗi lần nghĩ lại những ngày tháng gian khó trước đây, tôi luôn xúc động trước sự trợ giúp của Nhà nước cũng như các tổ chức xã hội đối với người nghèo.
Tôi mong rằng, những người có hoàn cảnh như mình hãy mạnh mẽ vươn lên. Bởi, Nhà nước cũng như các tổ chức đoàn thể xã hội sẽ luôn nâng đỡ, không bỏ ai ở lại phía sau.